Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/ 11/2010. So với quy định trước đây, Luật có những điểm tiến bộ rõ rệt, trong đó đáng chú ý là Luật quy định về các hành vi bị cấm trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, khắc phục những bất cập trong Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999 trong vấn đề kiểm soát hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung, Luật yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Thủ tướng Chính phủ ban hành phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có thể tự mình hoặc theo đề nghị của người tiêu dùng, yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ hủy bỏ hoặc sửa đổi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trong trường hợp phát hiện hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
Luật cũng đã có riêng một chương quy định các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm: thương lượng; hòa giải; trọng tài và tòa án. Đặc biệt, khi thực hiện khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và miễn tạm ứng án phí…
Luật cũng xác định vị trí, vai trò của tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như quyền khởi kiện vì lợi ích cộng đồng của tổ chức bảo vệ người tiêu dùng. Tổ chức này cũng được Nhà nước cấp kinh phí và các điều kiện khác khi thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước.
Như vậy kể từ ngày 1/7/2011 có 8 luật bắt đầu có hiệu lực thi hành gồm Luật Thanh tra; Luật Tố tụng hành chính; Luật Khoáng sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật An toàn thực phẩm; Luật Thi hành án hình sự.
(Thanh Phong – Phòng Kinh tế)