SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
2
8
0
6
5
8
1
Tin tức sự kiện 28 Tháng Tư 2011 10:45:00 SA

Nội dung cơ bản Luật Viên chức 2010

Luật Viên chức số 58/2010/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 29/11/2010. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012.

Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của viên chức; tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.Theo đó, viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. Viên chức được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư.

Nhà nước có chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ viên chức có đạo đức nghề nghiệp, có trình độ và năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khu vực cung ứng dịch vụ công; phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Cùng với những quy định về quyền và nghĩa vụ của viên chức về hoạt động nghề nghiệp, về tiền lương và các chế độ liên quan đến tiền lương, về làm việc, nghỉ ngơi; viên chức còn được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng, được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức và đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Ngoài ra, viên chức được khen thưởng, được tham gia vào các hoạt động kinh tế-xã hội, được hưởng chính sách ưu đãi về nhà ở, được tạo điều kiện học tập hoạt động nghề nghiệp ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật. Việc tuyển dụng viên chức được thực hiện thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển trên nguyên tắc bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và đúng pháp luật; bảo đảm tính cạnh tranh, tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm; ưu tiên người có tài năng, người có công với cách mạng và người dân tộc thiểu số. Khi chấm dứt hợp đồng làm việc, viên chức được hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm (hoặc chế độ bảo hiểm thất nghiệp), chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, viên chức có 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì đơn vị sự nghiệp công lập được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc...

Việc đánh giá viên chức được thực hiện căn cứ vào các cam kết trong hợp đồng làm việc đã ký. Nội dung đánh giá viên chức được gắn với kết quả thực hiện công việc, nhiệm vụ; tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân... trên cơ sở đánh giá đó, ngoài việc được khen thưởng theo quy định hiện hành, viên chức có công trạng, thành tích đặc biệt còn được xét nâng lương vượt bậc bên cạnh hình thức nâng lương trước thời hạn. Về các hình thức kỷ luật, ngoài 4 hình thức kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, cách chức và buộc thôi việc, viên chức bị kỷ luật còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, đối với viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2003 có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý như viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn theo quy định của Luật này. Đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục để bảo đảm các quyền lợi, chế độ, chính sách về ổn định việc làm, chế độ tiền lương và các quyền lợi khác mà viên chức đang hưởng. Viên chức được tuyển dụng từ ngày 01/7/2003 đến ngày Luật này có hiệu lực tiếp tục thực hiện hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập, có các quyền, nghĩa vụ và được quản lý theo quy định của Luật này.

(Nguyễn Văn Dũng – Phòng Tư pháp Q8)

 


Số lượt người xem: 4338    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm