I. Chặng đường lịch sử, chiến công oanh liệt của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
1. Bối cảnh quốc tế và trong nước.
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ nổi lên cầm đầu phe đế quốc, có tiềm lực rất mạnh, hiếu chiến và âm mưu bá chủ thế giới. Mỹ từng bước khẳng định sự có mặt ở Đông Dương và sau thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ, chủ nghĩa thực dân cũ sụp đổ Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam, áp đặt chủ nghĩa thực dân kiểu mới, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Lúc này trên thế giới đã phân chia thành hai hệ thống đối đầu gay gắt bằng cuộc chiến tranh lạnh và chạy đua vũ trang quyết liệt. Hệ thống xã hội chủ nghĩa, phong trào công nhân ở các nước tư bản, phong trào giải phóng dân tộc ở khắp nơi trên thế giới dâng cao.
Việt Nam trở thành tiêu điểm hội tụ những mâu thuẫn của thời đại. Trong nước, sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng và bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam vẫn dưới ách thống trị của Mỹ và tay sai. Nhiệm vụ chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trở thành nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân tộc.
2. Những bước phát triển của cuộc kháng chiến.
- Giai đoạn thứ nhất từ tháng 7/1954 đến hết năm 1960: Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công, làm thất bại bước đầu phương thức chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ.
- Giai đoạn hai từ năm 1961 đến giữa năm 1965: giữ vững và phát triển tiến công, đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.
- Giai đoạn ba từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968: Đảng phát động toàn dân chống Mỹ, cứu nước, đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, đánh thắng cuộc phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc.
- Giai đoạn thứ tư từ năm 1969 đến năm 1973: phát huy sức mạnh liên minh chiến đấu Việt Nam với Lào, Campuchia, làm thất bại một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc, tạo thế mạnh trong đàm phán.
- Giai đoạn thứ năm từ cuối năm 1973 đến 30/4/1975: tạo thế và lực, tạo thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, kết thúc thắng lợi trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 bắt đầu từ ngày 04/3/1975 bằng ba đòn chiến lược: chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn – Gia Định kết thúc vào ngày 30/4/1975. Trong 55 ngày đêm với sức mạnh áp đảo về chính trị và quân sự, quân và dân ta đã giành được thắng lợi. Hơn một triệu quân ngụy và cả bộ máy chính quyền bị đập tan. Trải qua 21 năm chiến đấu kiên cường, qua năm giai đoạn chiến lược, nhân dân ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh thực dân kiểu mới quy mô lớn nhất sau chiến tranh thế giới thứ hai do Mỹ gây ra.
3. Ý nghĩa lịch sử:
- Đối với Việt Nam: thắng lợi của nhân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc. Nhân dân ta đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc, đưa Tổ quốc ta bước vào kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.
- Đối với thế giới: thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc; mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.
II. Thành tựu sau 36 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước:
- Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước, tạo nên những điều kiện chính trị cơ bản để phát huy toàn diện sức mạnh phát triển đất nước, để cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, có những khả năng to lớn để bảo vệ Tổ quốc và mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới.
Ngày 25/4/1976 cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung được tổ chức trên toàn quốc với hơn 23 triệu cử tri (98,8% tổng số cử tri) đi bầu và bầu ra 492 đại biểu. Quốc hội quyết định lấy tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ 02/7/1976), Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca, Quốc hiệu là “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Hà Nội là thủ đô của nước Việt Nam thống nhất, Thành phố Sài Gòn đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh.
- Kế hoạch 5 năm (1976 – 1980) được thực hiện trong hoàn cảnh khó khăn nhưng nhân dân ta đã vượt qua và đạt được một số thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, khắc phục hậu quả chiến tranh, cải tạo quan hệ sản xuất ở miền Nam; nhiều công trình quan trọng về dầu khí, dệt, giao thông, thủy lợi… được xây dựng.
Đường lối đổi mới của Đảng đã đi vào cuộc sống và đạt được những thành tựu bước đầu quan trọng. Về lương thực, thực phẩm, từ chỗ thiếu ăn, năm 1990, chúng ta đã vươn lên đáp ứng nhu cầu trong nước, có dự trữ và xuất khẩu, góp phần quan trọng ổn định đời sống nhân dân và cân đối cán cân xuất – nhập khẩu. Năng lực của nhiều ngành kinh tế tăng mạnh. Kinh tế nhà nước phát huy vai trò chủ đạo. Tiềm năng các thành phần kinh tế khác được khơi dậy, đem lại sức sống mới cho nền kinh tế.
- Nhà nước không ngừng đầu tư cho các mặt thuộc lĩnh vực văn hóa – xã hội. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có tiến bộ. Năm 2000, cả nước đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ. Tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm theo các năm. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đạt kết quả cao, phát huy được sức mạnh xã hội tham gia công tác chăm sóc người có công…
- 36 năm qua, chúng ta đã bảo vệ được thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin nhân dân vào sự nghiệp đổi mới; xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.
- Phá vỡ thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa. Gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), có quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với trên 160 quốc gia và 70 vùng lãnh thổ; tham gia nhiều tổ chức quốc tế, là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 – 2009. Quan hệ Việt - Mỹ đã có những bước phát triển nhanh và thiết thực trên các lĩnh vực…
III. Đảng bộ và nhân dân Thành phố phát huy thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội
- Thực hiện công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu và phát triển kinh tế - xã hội (1975 – 1985)
Sau ngày giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Thành phố bắt tay vào nhiệm vụ xây dựng, củng cố và giữ gìn chính quyền cách mạng, mang lại đời sống yên lành và ấm no cho nhân dân. Đứng trước vô vàn khó khăn, phức tạp do hậu quả nặng nề của chiến tranh và chủ nghĩa thực dân mới để lại trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, Đảng bộ và nhân dân Thành phố đã thực hiện ổn định tình hình chính trị - xã hội, phục hồi sản xuất. Trải qua giai đoạn 10 năm (1975 – 1985), Thành phố đã đạt được những thành tựu đáng kể trên nhiều lĩnh vực, làm chuyển biến từng bước trở nên một thành phố sản xuất với một lớp người lao động mới, là tiền đề quan trọng để Thành phố chuyển mình vào giai đoạn phát triển mới, xây dựng Thành phố thật sự trở thành “Một trung tâm công nghiệp, một trung tâm văn hóa và khoa học kỹ thuật, một trung tâm giao dịch quốc tế và một đầu mối giao thông quan trọng của cả nước”.
- Thực hiện đường lối đổi mới đạt thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử (1986 – 2011):
Gần hai mươi lăm năm qua là quá trình Đảng bộ và nhân dân Thành phố tiến hành công cuộc đổi mới bắt đầu từ Đại hội VI của Đảng (12/1986). Trên cơ sở đó, Đảng bộ và nhân dân Thành phố đã thực hiện đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực:
+ Về chính trị: Thành phố luôn giữ vững ổn định chính trị - xã hội, kể cả lúc trong nước có nhiều khó khăn và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chung, bảo vệ và khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
+ Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân hàng năm tăng gấp 1,5 lần so với cả nước; cơ cấu kinh tế Thành phố đã có sự chuyển dịch khá mạnh mẽ và đúng hướng, tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 52,7% GDP, công ngiệp – xây dựng chiến 46% GDP, nông nghiệp chiếm 1,3%... từng bước đưa Thành phố trở thành trung tâm thương mại – dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao của cả nước.
+ Về phát triển đô thị: cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được cải thiện đáng kể làm cho bộ mặt Thành phố khang trang hơn. Thành phố đã và đang đẩy mạnh thực hiện chương trình chỉnh trang, mở rộng đô thị, xây dựng các trục nút giao thông trọng yếu, giải tỏa nhà trên kênh rạch, phát triển các khu công nghiệp gắn với tái định cư, xây dựng các khu dân cư mới; nhiều công trình trọng điểm đã và đang triển khai, cùng những dự án đang được thiết kế đã tạo nên diện mạo mới của một Thành phố phát triển, đi đến tương lai đàng hoàng, to đẹp hơn.
+ Về văn hóa xã hội: đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao: thu nhập thực tế của người dân tăng bình quân trên 5%/năm; thành quả nổi bật của Đảng bộ và nhân dân Thành phố là đã tạo ra phong trào toàn xã hội chăm lo đồng bào nghèo mang lại kết quả thiết thực, có ý nghĩa kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội rộng lớn, đến nay Thành phố đã hoàn thành cơ bản không còn hộ nghèo có mức thu nhập dưới 6 triệu đồng/người/năm, phụng dưỡng 1.300 bà mẹ Việt Nam anh hùng, đỡ đầu chăm sóc hàng ngàn thương binh nặng và người thân của liệt sĩ…
+ Hệ thống chính trị: được xây dựng và củng cố, có bước trưởng thành trên nhiều mặt. Tổ chức bộ máy chính quyền các cấp có bước đổi mới theo hướng ngày càng tinh gọn, hiệu quả. Vai trò của Mặt trận và các đoàn thể được tăng cường để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…
IV. Quận 8, phát triển và lớn lên cùng Thành phố.
Ba mươi sáu năm đã trôi qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Quận Tám - Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước phát triển, chuyển mình đi lên cùng đất nước.
Trước năm 1975, đại bộ phận cư dân của Quận là lao động nghèo, không có ruộng đất, lao động phổ thông, làm thuê, làm mướn. Trình độ văn hóa của người dân rất thấp. Cơ sở hạ tầng của địa phương cũng rất thấp kém, thiếu trường học, thiếu nơi chữa bệnh, không có các công trình văn hóa. Mặc dù là vùng giáp ranh của một thành phố, nhưng sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn quận vẫn là sản xuất nhỏ, lạc hậu; diện tích đất nông nghiệp lớn, nhưng có đến 2/3 tổng diện tích đất đai bị hoang hóa, hai ngành sản xuất chính là chăn nuôi và trồng trọt thường không ổn định nên năng suất và sản lượng thấp...
Ba mươi sáu năm sau giải phóng (1975 - 2010) là một thời kỳ chuyển biến sâu sắc của nền kinh tế - xã hội Quận Tám với những bước phát triển nhảy vọt, có thể chia ra 3 giai đoạn nhỏ: giai đoạn 10 năm sau giải phóng (1975 - 1985); giai đoạn 15 năm đầu đổi mới (1986 - 2000), và 10 năm tiếp theo (2001 – 2010) Quận 8 phát triển theo hướng đô thị hóa, văn minh, hiện đại.
- 10 năm sau giải phóng (1975 – 1995), Quận Tám với 4 nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ, nền kinh tế - xã hội của Quận đã có sự thay đổi toàn diện so với thời kỳ chiến tranh cả về bản chất chính trị lẫn cơ cấu tổ chức, xu hướng phát triển. 10 năm ấy còn là 10 năm bộc lộ những yêu cầu của quy luật phát triển của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta mà mỗi địa phương là một thực tế sinh động, 10 năm đặt ra những bài toán cho sự tồn tại, phát triển đồng thời cũng hé mở dần những nhân tố để giải bài toán ấy.
- 15 năm sau đó (1996 - 2000), Quận Tám trải qua 3 nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ Quận để vận dụng đường lối đổi mới của Đảng vào thực tế địa phương, ra sức khắc phục khó khăn, nhất là về kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân. Những năm 1996 - 2000 dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã đưa nền kinh tế - xã hội đi dần vào ổn định, phát triển theo cơ chế quản lý mới; Đảng bộ và nhân dân Quận Tám đã đưa sự nghiệp cách mạng của địa phương tiến kịp và hòa nhịp vào sự phát triển chung của thành phố và cả nước, nhiều công trình trọng điểm được xây dựng, nâng cấp và sửa chữa như: Chợ Bình Đông, Nhị Thiên Đường, Nguyễn Chế Nghĩa; Cầu Kênh Ngang số 2, Công viên Dạ Nam, xây dựng mới 12 trường học… sau giai đoạn này có thể thấy rằng từ một quận vùng ven thành phố, tính chất nửa thành thị, nửa nông thôn cơ sở vật chất còn nghèo nàn lạc hậu, kênh rạch chằng chịt, môi trường ô nhiễm nặng nề, tình hình an ninh và trật tự xã hội có nhiều phức tạp, kinh tế chưa phát triển, dân làm không đủ ăn, Quận 8 đang dần trở thành một quận nội thành, cơ ngơi đang trở nên khang trang, đời sống của các tầng lớp nhân dân đang được cải thiện rõ rệt, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
- Như một sự kế tục về thành tựu phát triển, 10 năm tiếp theo (2001 - 2010), Quận Tám trải qua 2 nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ Quận, sự ổn định chính trị được giữ vững, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển theo hướng đô thị hóa, văn minh, hiện đại; hệ thống giao thông được cải thiện, hình thành các kết nối với trung tâm thành phố và các khu đô thị mới Nam Sài Gòn như đường trục đường Tạ Quang Bửu, cầu đường Nguyễn Tri Phương, Chánh Hưng, Nhị Thiên Đường 2…; giai đoạn 5 năm (2006 – 2010) Quận 8 đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội địa phương. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, thương mại, công nghiệp phát huy hiệu quả rõ nét:
+ Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn (2006 - 2010) tăng bình quân 19,67%/năm. Doanh thu thương mại - dịch vụ tăng bình quân 41,14%/năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục trong 3 năm 2006 - 2008, bình quân tăng 9,58%/năm; ước năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đạt 60 triệu USD; tỷ trọng doanh thu dịch vụ - thương mại từ 59,85% năm 2005 ước tăng lên 83,24% năm 2010. Trong doanh thu dịch vụ - thương mại, doanh thu dịch vụ chiếm từ 7 - 8%, doanh thu chợ Bình Điền chiếm tỷ trọng 64,62%.
+ Hạ tầng giao thông đã được cải thiện đáng kể, các tuyến đường kết nối liên thông giữa quận 8 với các quận lân cận đã được đầu tư, nâng cấp, xây mới và đưa vào sử dụng như: cầu đường Nguyễn Văn Cừ, cầu Chà Và, cầu Chữ Y, đường Dương Bá Trạc, đường Phạm Hùng; các tuyến giao thông huyết mạch của quận như đường Tạ Quang Bửu, đường Phạm Thế Hiển đã được cải tạo nâng cấp từng phần; một số tuyến đường giao thông nội bộ đã được sửa chữa như đường Trương Đình Hội, đường Thanh Niên, đường 41, đường vào Trung tâm Thương mại Bình Điền phường 7… đã góp phần từng bước tạo điều kiện cho quận 8 phát triển các mặt kinh tế - xã hội.
+ Quá trình chỉnh trang đô thị các khu dân cư hiện hữu, làm bộ mặt đô thị quận có nhiều thay đổi, ngày càng khang trang hơn. Nhiều khu dân cư mới được hình thành và phát triển theo quy hoạch tại phường 4, 5, 7, 16; đã chủ động phối hợp với các Sở - ngành thành phố triển khai Chương trình chỉnh trang đô thị, di dời nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch với nhiều giải pháp khả thi, tạo được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân; trong 4 năm 2006 - 2009, bằng nguồn vốn sự nghiệp duy tu giao thông, quận đã đầu tư nâng cấp hơn 100 hẻm với giá trị 15,180 tỷ đồng, duy tu 21 công trình giá trị 1,877 tỷ đồng...
+ Xây dựng mới Trạm Y tế phường 3, Phòng khám đa khoa Xóm Củi, sửa chữa Nhà bảo sanh - khoa dược Bệnh viện quận,… tạo điều kiện cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được tốt hơn.
+ Chất lượng giáo dục được nâng lên, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm dần hàng năm. Năm 2008, quận được công nhận hoàn thành giáo dục phổ cập bậc trung học; Hiện có 4 trường đạt chuẩn quốc gia: Trường Tiểu học Nguyễn Trung Ngạn (giai đoạn 1), Mầm non Tuổi Ngọc (giai đoạn 2002 - 2007), Mầm non dân lập Hoàng Mai I, Mầm non 19/5…
+ Đến cuối năm 2008, quận đã hoàn thành cơ bản không còn hộ nghèo giai đoạn 2. Số hộ nghèo còn lại cuối giai đoạn 2 là 164 hộ, chiếm tỷ lệ 0,2%. Năm 2009, đã đưa ra khỏi chương trình 1.018 hộ, tỷ lệ hộ nghèo còn 6,68%. Dự kiến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ sẽ giảm nghèo còn 5,97%...
+ Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách đối với người có công với nước thông qua phong trào đền ơn đáp nghĩa đã góp phần cải thiện đời sống cho gia đình chính sách. Việc phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hộ chính sách khó khăn, được thực hiện thường xuyên. Tập trung thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng sửa chữa nhà tình nghĩa cho diện chính sách, nhà tình thương, chống dột, ngập cho dân nghèo trên địa bàn 16 phường...
+ Từ 32 khu phố văn hóa được công nhận năm 2005 đã phát triển lên 50 khu phố, chiếm hơn 50% số khu phố trên địa bàn. Tỷ lệ hộ đạt 6 tiêu chuẩn gia đình văn hóa bình quân trên 88% tổng hộ đăng ký. Phong trào xây dựng công sở văn minh, đơn vị văn hóa được các đơn vị hưởng ứng mạnh mẽ, tạo sự chuyển biến về chất trong xây dựng môi trường văn hóa nơi làm việc, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân. Có 9 phường đăng ký xây dựng “phường văn hóa”, 04 chợ xây dựng “chợ văn minh thương nghiệp”…
+ Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, chuyển hóa cơ bản các địa bàn trọng điểm về ma túy, không để phát sinh các tụ điểm mới. Thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu 3 giảm…
Những hoạt động kinh tế - văn hóa - an ninh chính trị, trật tự xã hội ở Quận 8 không phải không còn nhiều diễn biến phức tạp khó khăn, nhưng xu hướng tiến bộ và sự xuất hiện những nhân tố tích cực cho sự phát triển đi lên đã được định hình và ngày càng mở rộng. Đó chính là cơ sở thực tế khách quan để Quận 8 tiếp tục đề ra và thực hiện những kế hoạch mới phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Đảng bộ và nhân dân Quận 8 đã trải qua 36 năm tạo dựng cuộc sống mới trong hòa bình độc lập, trước đó đã trải qua hàng chục năm đấu tranh gian khổ cho ngày giải phóng. Kinh nghiệm thực tiễn cùng với truyền thống kiên cường anh dũng, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, bám dân, bám địa bàn, nhạy bén trước thời cuộc, kiên định trước những thay đổi phức tạp của tình hình…. Tất cả đã tạo thành sức mạnh to lớn đủ để vượt qua những cản trở trên con đường phát triển. Đảng bộ và nhân dân Quận 8 đã từng vượt qua nhiều thử thách, nay tiếp tục chấp nhận mọi thử thách để vượt lên, cùng Thành phố và cả nước phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
(Nguyễn Văn Cường – Ban Tuyên Giáo QUQ8)