Trong những năm qua, công tác phòng chống lao được quận tập trung giải quyết, từng bước củng cố đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân tác động, tình hình bệnh lao trên địa bàn còn khá phức tạp, tổng số bệnh nhân lao của quận 8 cao nhất trong các quận, huyện của thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tỷ lệ xét nghiệm, tổng tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao mới khá thấp dẫn đến tình trạng tiềm ẩn số lượng lớn bệnh nhân chưa được phát hiện có nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Trước thực trạng trên, Ủy ban nhân dân quận 8 đã triển khai kế hoạch thực hiện công tác phòng chống lao trên địa bàn quận 8.
Theo đó, các cơ quan liên quan phải tăng cường truyền thông về các dấu hiệu bệnh lao phổi và sự cần thiết phải phát hiện, điều trị sớm; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, liên tục và hiệu quả về công tác chuyển người nghi bệnh lao từ Bệnh viện quận 8, Bệnh viện điều dưỡng, khu vực y tế tư tới Phòng khám lao để được xét nghiệm đờm.
Bên cạnh đó phải đảm bảo tuân thủ điều trị đối với bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân có nguy cơ thất bại điều trị cao; tăng cường giám sát điều trị có kiểm soát, phát hiện sớm từ khi xác định nguồn bệnh, tạo điều kiện cho người bệnh được chăm sóc điều trị phù hợp nhất với hoàn cảnh điều kiện của họ; đồng thời, tăng cường kiểm tra giám sát việc điều trị của bệnh nhân, phát hiện sớm bệnh nhân trễ thuốc để có biện pháp cho bệnh nhân kịp thời tiếp tục điều trị.
Ngoài ra, phải động viên, tạo điều kiện cho bệnh nhân lao kháng thuốc trên địa bàn tham gia điều trị theo phác đồ lao kháng thuốc, giảm tỷ lệ thất bại điều trị đối với bệnh nhân lao AFB+ đang điều trị trong chương trình bằng việc thực hiện nghiêm ngặt DOTS.
Ủy ban nhân dân quận 8 còn yêu cầu thực hiện tiêm phòng lao sau sinh cho 100% số trẻ thông qua chương trình tiêm chủng mở rộng.
(Thùy Trang – VPUBNDQ8)