Từ ngày 20/02/2011, việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước giao; việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính; quản lý việc tiếp nhận, sử dụng các nguồn tài trợ của cá nhân, tổ chức nước ngoài cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (gọi tắt là các hội) được thực hiện theo Thông tư số 01/2011/TT-BTC ngày 06/01/2011 của Bộ Tài chính.
Theo quy định, kinh phí bảo đảm hoạt động của các hội do các hội tự bảo đảm theo quy định của Điều lệ hội và quy định của pháp luật. Hội phí của hội viên, các nguồn tài trợ của cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài; các nguồn thu hợp pháp khác của hội được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều lệ hội.
Nhà nước chỉ thực hiện hỗ trợ kinh phí đối với những hoạt động của hội gắn với nhiệm vụ của Nhà nước giao theo quy định tại khoản 12, Điều 23 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đối với các hoạt động được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan Trung ương giao (đối với các hội hoạt động trong phạm vi cả nước, liên tỉnh), Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp giao (đối với các hội ở địa phương).
Các hội chủ động nghiên cứu chủ trương, đường lối, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương; từ đó đề xuất và trình cấp có thẩm quyền việc tham gia thực hiện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, cung cấp dịch vụ công… phù hợp với quy mô, tính chất, phạm vi hoạt động của hội và năng lực của hội viên.
Quy trình hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước:
- Trên cơ sở xác định nhiệm vụ phù hợp với nhiệm vụ của Nhà nước và khả năng thực hiện, hội đề xuất việc tham gia thực hiện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, cung cấp dịch vụ công… dưới hình thức đề án (hoặc kế hoạch triển khai), gửi về Bộ quản lý ngành, lĩnh vực (đối với các hội hoạt động trong phạm vi cả nước, liên tỉnh), các sở chuyên ngành (đối với các hội ở địa phương) để được thẩm định về mặt nội dung, bảo đảm phù hợp với định hướng phát triển ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt.
- Sau khi có ý kiến thẩm định về nội dung thực hiện của cơ quan quản lý chuyên ngành, hội gửi hồ sơ đề xuất nhận nhiệm vụ về các cơ quan sau để được xem xét, giao nhiệm vụ: Gửi về Văn phòng Chính phủ để Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với các nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao; gửi về Văn phòng Ủy ban nhân dân các cấp để được xem xét, giao nhiệm vụ đối với các nhiệm vụ do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp giao; gửi về Bộ, cơ quan Trung ương, các cơ quan nhà nước ở địa phương để được xem xét, giao nhiệm vụ đối với các nhiệm vụ do Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, thủ trưởng các cơ quan nhà nước ở địa phương ủy thác thực hiện.
- Hội hoàn chỉnh đề án (hoặc kế hoạch triển khai); đồng thời xây dựng dự toán kinh phí để thực hiện. Dự toán kinh phí thực hiện đề án (hoặc kế hoạch triển khai) phải căn cứ vào chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, có chi tiết tính toán cụ thể; trong đó xác định phần kinh phí do hội tự bảo đảm, phần huy động từ các nguồn khác và phần kinh phí đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ.
- Toàn bộ hồ sơ (gồm có đề án, văn bản thẩm định nội dung, văn bản giao nhiệm vụ hoặc uỷ thác thực hiện của cơ quan có thẩm quyền, dự toán kinh phí thực hiện), gửi về cơ quan tài chính để thẩm định giao dự toán kinh phí (hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định giao dự toán kinh phí) để hội tổ chức thực hiện.
Căn cứ quyết định giao dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước, tuỳ theo điều kiện cụ thể, cơ quan tài chính thực hiện cấp bằng lệnh chi tiền hoặc giao dự toán cho các hội thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước để triển khai nhiệm vụ theo quy định hiện hành. Dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước do các cơ quan uỷ thác giao cho các hội thực hiện: Các cơ quan uỷ thác có trách nhiệm phân bổ trong dự toán ngân sách hàng năm được cấp có thẩm quyền giao và ký hợp đồng trách nhiệm với các hội nhận uỷ thác để các hội có kinh phí thực hiện.
Việc sử dụng kinh phí được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đối với các hoạt động có gắn với nhiệm vụ của Nhà nước thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý tài chính hiện hành. Khi kết thúc các hoạt động, hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc được uỷ thác thực hiện, các hội lập báo cáo tổng hợp tình hình chi tiêu kinh phí đã được Nhà nước hỗ trợ tới cơ quan đã giao nhiệm vụ cho hội, đồng gửi cơ quan tài chính và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cùng cấp để theo dõi và quản lý.
Trước đó, ngày 01/11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg quy định hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước, cơ sở xác định hội có tính chất đặc thù, giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định danh sách hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi địa phương. Đây là căn cứ để xem xét bảo đảm kinh phí thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao và hỗ trợ cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động; được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia thực hiện một số hoạt động quản lý nhà nước, các dịch vụ công; thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội; thực hiện các chương trình, đề tài, dự án.
(Nguyễn Đức Lâm, Phòng Tài chính - Kế hoạch)