Là quận ven nội thành nằm ở ngõ phía nam Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp giáp Bình Chánh, Quận 5, 6, 7, Quận 8 có diện tích 19,18km2, có chiều dài 17km, dân số trên 400.000 chưa kể dân nhập cư, và di biến động trên 100.000 người.
Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên vào năm 1990. Đến năm 1994, Quận 8 đã phát hiện 7 ca nhiễm và con số này tăng dần những năm sau đó. Từ năm 2004 số ca nhiễm tăng vượt so với các năm trước và cao nhất là vào năm 2007. Phần lớn bệnh nhân nhiễm HIV trên địa bàn Quận 8 từ năm 1990 – 2004 tập trung trên đối tượng nghiện chích ma túy và mại dâm, chủ yếu ở độ tuổi 20 – 39 và thất nghiệp. Từ năm 2005 trở đi đối tượng nhiễm HIV gồm nhiều thành phần khác nhau trong cộng đồng.
Từ năm 1990 đến năm 2005 tỷ lệ tử vong do HIV/tỷ lệ nhiễm HIV hàng năm khá cao. Đến năm 2003, được sự tài trợ của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), Quận 8 đã xây dựng phòng khám ngoại trú cho người nhiễm HIV (OPC) nhằm chăm sóc, chữa trị ngoại trú cho người nhiễm HIV ở tuyến quận huyện. Từ cuối năm 2005 trở đi do đã có chương trình chăm sóc điều trị cho bệnh nhân HIV nên tỷ lệ này được cải thiện đáng kể, số người nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc, hỗ trợ tại Khoa Tham Vấn Hỗ Trợ Cộng Đồng Quận 8 tăng dần qua các năm. Điều này cho thấy hiệu quả của các chương trình phòng chống AIDS trên địa bàn: số ca nhiễm HIV/AIDS phát hiện vào năm 2007 là 390 ca giảm xuống còn 141 ca vào năm 2010; số ca tử vong cũng giảm dần qua các năm từ 123 ca của năm 2006 giảm hẳn còn 18 ca vào năm 2010.
Đối với chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, từ năm 2005 đến nay đã có hơn 90% phụ nữ mang thai đến khám thai và được tư vấn xét nghiệm tầm soát HIV tại 4 cơ sở triển khai chương trình này. Gần 100% khách hàng được xét nghiệm quay lại nhận kết quả. Tỷ lệ khách hàng dương tính cao nhất vào năm 2005 do đây là năm đầu tiên chương trình được triển khai, và tỷ lệ này giảm dần từ năm 2005 đến nay. Điều nay cho thấy chương trình đã giúp tầm soát hiệu quả trên đối tượng phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ.
Tuy nhiên, các chương trình cũng gặp phải một số khó khăn:
- Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, quan niệm về các biện pháp can thiệp giảm tác hại (cung cấp bơm, kim tiêm) làm tăng tệ nạn xã hội vẫn còn khá phổ biến trong cộng đồng, nhất là lĩnh vực giáo dục (chưa chấp nhận cho con học chung với trẻ nhiễm HIV).
- Chưa có sự đồng thuận từ chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư với chương trình cung cấp bơm, kim tiêm cho người nghiện, người nhiễm HIV. Giáo dục viên không thể tiếp cận một số điểm nóng về HIV/AIDS trên địa bàn vì những điểm này cũng là những điểm nóng về mua bán ma túy.
Một số mục tiêu chủ yếu trong giai đoạn 2011 – 2015:
- Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của 9 chương trình hành động quốc gia đạt mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2015 là khống chế tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dưới 0.3% và không tăng những năm sau đó.
- Nâng cao hiểu biết của người dân về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS: 100% dân hiểu đúng và biết cách dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.
- Khống chế lây nhiễm HIV/AIDS từ nhóm nguy cơ cao ra cộng đồng thông qua triển khai đồng bộ các biện pháp can thiệp giảm tác hại. Triển khai thêm hoạt động can thiệp giảm tác hại bằng liệu pháp điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng methadone.
- Bảo đảm người nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc và điều trị thích hợp: 90% người lớn nhiễm HIV/AIDS, 100% bà mẹ mang thai nhiễm HIV/AIDS, 70% bệnh nhân AIDS được điều trị bằng thuốc ARV.
(Thùy Trang – VPUBND Q8)