SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
2
8
0
1
5
6
9
Tin tức sự kiện 03 Tháng Mười Hai 2010 3:35:00 CH

Kỳ 24: Cần, kiệm, liêm, chính

“Ai ơi bưng bát cơm đầy

Trắng thơm một hạt đắng cay muôn phần”.

Hơn ai hết Bác Hồ của chúng ta thấu hiểu nỗi khổ của người nông dân khi làm ra hạt gạo, mà không chỉ có người nông dân, những người lao động lương thiện làm việc để kiếm  đồng lương, lo chén cơm manh áo cũng vất vả muôn phần. Vì vậy mà trong nhiều bài viết, trong những lần gặp gỡ cán bộ, Bác luôn nhấn mạnh cán bộ, đảng viên phải thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Đó là đạo đức cốt lõi của người cán bộ, thực hiện cần – kiệm – liêm – chính cũng chính là để phục vụ nhân dân.

Theo Bác bốn đức “cần, kiệm, liêm, chính” là gốc rễ của con người, nếu thiếu một đức thì không thành người.      

“Trời có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông

Đất có bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc

Người có bốn đức Cần, Kiệm , Liêm, Chính

Thiếu một mùa, thì không thành trời

Thiếu một phương, thì không thành đất

Thiếu một đức, thì không thành người”.

Bác quan niệm:

Cần tức là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai… muốn cho chữ cần có nhiều kết quả hơn, thì phải có kế hoạch cho mọi công việc. Nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng.

Kiệm không phải là bủn xỉn, không phải “xem đồng tiền to bằng cái nống” gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu, tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Tiết kiệm gồm: Tiết kiệm sức lao động; tiết kiệm thời giờ; tiết kiệm tiền của.   

Liêm là không ham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa.

Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn, tức là tà.

Cuộc đời Bác là tấm gương sáng ngời, toát lên những phẩm chất đạo đức cao đẹp ấy. Chúng ta ai cũng hiểu với cương vị là Chủ tịch một Nước, đáng lẽ Bác được nhiều đặc quyền hơn, thế nhưng chưa bao giờ Bác cho mình cái đặc quyền ấy khi nhân dân còn đói khổ, cả nước còn đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn trong chiến tranh. Bác chỉ xem mình là người “lèo lái con thuyền” chứ không phải là người lãnh đạo, Bác không ham địa vị, chức vụ, Bác từ chối ở nhà cao đẹp chỉ để được ở trong căn nhà sàn đơn sơ, hàng ngày Bác làm việc từ 7 giờ sáng có khi cho đến tối, khi nào hết công việc thì thôi, Bác còn tự tay mình trồng rau tăng gia sản xuất cho cơ quan, Bác tiết kiệm từng bì thư, từng mảnh giấy, đến đôi dép ... số tiền lương, tiền viết báo tiết kiệm được Bác đem tặng người già, trẻ em, bộ đội nơi chiến trường… Cũng nhờ thực hiện cần, kiệm, liêm, chính mà dân ta đã đánh thắng thực dân, đế quốc, thắng giặc dốt, giặc đói.  

Học tập theo Bác, tại quận 8, có nhiều tập thể cá nhân thực hành tốt cần, kiệm, liêm, chính mang lại lợi ích thiết thực cho cơ quan, đơn vị, quận nhà. Tiêu biểu như Phòng Tài chính – Kế hoạch đã thực hiện tiết kiệm trên lĩnh vực mua sắm tài sản công, chi thường xuyên và quản lý đầu tư xây dựng; Chi bộ khu phố 5 phường 6, đã chủ động vận động toàn bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong khu phố góp sức người, sức của cùng thực hiện xây nhà tình thương, lấp mươn cống hở, nâng cấp hẻm, kết quả tiết kiệm được 66 triệu đồng; nhiều cán bộ công chức các cơ quan, ban ngành quận, phường đã tích cực làm việc “1 người làm bằng 2, 3 người”, “1 giờ làm xong công việc của 2, 3 giờ”, có những đồng chí dù là cán bộ hay lãnh đạo đều thể hiện được tinh thần trách nhiệm và sự trong sáng trong công việc, không vụ lợi.

Trong giai đoạn hiện nay, việc thực hành cần, kiệm, liêm, chính là một việc hết sức cần thiết, không chỉ trong cán bộ, đảng viên, các cơ quan nhà nước mà trong cả nhân dân. Chúng ta hiện nay không thiếu lương thực, không thiếu các sản phẩm làm ra nên quan niệm về tiết kiệm phải được hiểu rộng hơn, chúng ta cần tiết kiệm thời gian, sức lao động để tăng năng suất, sản lượng, sản phẩm, tăng thu nhập và mức sống cho người dân. Bên cạnh đó, vẫn có một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn như những người dân nghèo trên địa bàn quận còn phải buôn gánh bán bưng, người dân ở miền Trung năm nào cũng phải gánh thiên tai, lũ lụt, việc tiết kiệm để chia sẽ cho người nghèo là một việc hết sức cần làm trong thời điểm hiện nay, để xã hội ngày càng ít người nghèo hơn, sẽ sớm tiến đến văn minh hiện đại.

Trong thời đại công nghiệp nếu chúng ta không siêng năng làm việc, không chuyên cần học tập cái mới thì không theo kịp nhịp phát triển của xã hội, nếu không liêm, chính thì xã hội sẽ tụt hậu, đạo đức xã hội mai một, làm mất lòng tin trong nhân dân … vì vậy mà mỗi cán bộ, đảng viên học tập theo Bác cần, kiệm, liêm, chính phải thiết thực trong từng hành động, việc làm cụ thể.

- Mỗi cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trên địa bàn quận hãy đăng ký 1 công trình thực hành tiết kiệm thiết thực.

- Cấp ủy Đảng, lãnh đạo đơn vị cần làm gương trong thực hành cần, kiệm, liêm, chính để cán bộ, quần chúng noi theo. Quán triệt sâu sắc trong toàn đơn vị về thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, vì như Bác đã nói “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”.

- Mỗi cá nhân tự rèn luyện bản thân mình làm việc 1 người bằng 2, 3 người, làm 1 giờ bằng 2, 3 giờ, không chi phối việc riêng trong giờ làm việc, tích cực, siêng năng học hỏi cái mới, học thêm chuyên môn nghiệp vụ vững chắc để phục vụ nhân dân tốt hơn.

- Mỗi cán bộ, đảng viên dù là lãnh đạo hay nhân viên trong các cơ quan phải dẹp bỏ chủ nghĩa cá nhân, không chạy theo thành tích, không trục lợi cá nhân, giành giật quyền lợi cho riêng mình.

Thực hiện những việc trên là chúng ta đã làm theo lời dạy và Di chúc của Bác.

BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY


Số lượt người xem: 3189    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm