- Mẹ Năm ơi, dạy con làm bài
- Rồi, mẹ Năm ra ngay.
Lúc nào cũng vậy, chị luôn quan tâm chu đáo trong mọi việc và đặc biệt là những lúc bé Vy yêu cầu là chị ưu tiên và dẹp mọi chuyện để lo cho bé.
Chính điều đó làm tôi nhớ lại tuổi ấu thơ của mình. Ba mẹ tôi có 3 người con gái, cha tôi là người Hoa nên không chăm chút lắm cho việc học của chúng tôi (vì toàn là con gái). Bên ngoại tôi đông con, ở quê vốn nghèo khó nên mẹ tôi không được học nhiều. Chị lớn của tôi phải ra đời sớm để đỡ đần cho ba mẹ, nên từ thuở nhỏ tôi luôn được chị kế thương yêu chăm sóc dù chị chỉ hơn tôi có bốn tuổi mà tôi. Mẹ tôi không có con trai nên đã bù lại ở chị tôi cá tính mạnh mẽ, kiên cường. Từ nhà đến trường không xa lắm, nhưng khi không thích đi bộ thì chị phải cõng tôi mới chịu đi học. Đi đâu chơi (dù gần hay xa) chị cũng phải dẫn tôi theo cùng.
Vì là út nên tôi được mọi người thương yêu nhất là chị, vì thế tôi luôn nhõng nhẽo và có tính ỷ lại. Lần đầu đến lớp, tôi co rúm người lại khi chị định buông tay tôi ra. Thế là chị vừa dỗ dành, hứa đủ mọi chuyện rồi tôi mới đồng ý theo cô vào lớp. Chiều, đợi chị đi học về, cầm tay tôi mới chịu viết bài. Khi nào xong bài của tôi, chị mới bắt đầu cho bài vở của mình. Lúc tôi theo mẹ đi ngủ, chị còn miệt mài với những bài toán khó.
Còn nhớ mãi năm học lớp 12, do mải mê tham gia phong trào văn nghệ, tôi lơ đễnh việc học. Biết chuyện, chị thu xếp công việc để kèm tôi mỗi tối. Chị thường xoa đầu tôi và nói:
- Nhà mình tuy rất khó khăn, nhưng không thể vì lý do đó mà em sao nhãng việc học. Chị đã là người thầy, chị lo từng chút cho học sinh của mình mà lại để Út bỏ học sao?
Nhờ sự động viên của chị mà năm học đó tôi tốt nghiệp cấp 3. Sau đó, tôi thi vào trường cao đẳng sư phạm. Thời gian thấm thoát qua nhanh, đến ngày tôi đi nhận nhiệm sở, chị đi cùng. Lúc từ trường đi ra, chưa đến nơi chị chờ, tôi đã òa lên khóc:
- Chị ơi, em không làm chủ nhiệm đâu. Lớp của em đông lắm, con trai nhiều lắm. Em rất sợ.
Chị không nói gì, chở tôi về nhà. Đợi tôi thay đồ xong, chị kêu tôi ra phòng khách, rót cho tôi ly nước rồi ôn tồn nói:
- Cái gì em cũng sợ là sao? Có ai lần đầu mà biết hết mọi thứ đâu? Em phải vừa làm vừa học rồi mọi việc sẽ quen thôi. Làm chủ nhiệm thì cực đấy nhưng chắc chắn em sẽ rất vui.
Nghe lời chị, tôi bắt tay vào công việc. Rất may, lúc nào chị cũng ở bên tôi. Cứ mỗi lần Hạo (học sinh cũ) về nước là em đến thăm tôi ngay làm tôi nhớ lại chuyện cũ cách nay đã gần 10 năm. Hôm đó, hết giờ dạy, tôi chạy xe đến trường chị. Vừa thấy chị là tôi đã phụng phịu rồi:
- Sao kỳ vậy chị, em mới lên chủ nhiệm lớp 9, sao lại để cho một học sinh bỏ học nữa chừng vào học lại ở lớp em.
Chị cười và nói:
- Có sao đâu em, học sinh vào học lại dù với bất kỳ lý do gì thì chỉ cần em có tấm lòng là có thể cảm hóa được các em. Cố lên, cứ tin lời chị!
Đúng như chị nói, do sự quan tâm của tôi; giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và các bạn cùng lớp nên năm học đó Hạo tốt nghiệp lớp 9 vào loại khá. Gia đình cho em sang Úc du học. Từ đó, cứ mỗi năm về nước, em đều đến nhà thăm tôi.
Sinh ra và lớn lên tại Quận 8, mảnh đất còn rất nhiều khó khăn. Nhưng từ những ngày đầu giải phóng, chị đã quyết tâm với nghề đã chọn. Tuổi còn rất trẻ với bao ước mơ, hoài bão, chị sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ khi được tổ chức phân công. Là cán bộ đoàn năng nổ tích cực trong mọi phong trào. Là giáo viên vững vàng trên bục giảng thân yêu, chị còn dành nhiều thời gian cho những em có hoàn cảnh đáng thương ở lớp phổ cập. Chị không quản ngại đến lớp dù có những đêm sức khỏe không cho phép. Là cán bộ quản lý của trường cấp I Quận 8 với sự mẫu mực khiêm tốn và học hỏi không ngừng. Dù ở cương vị nào chị cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Thời gian không ngừng trôi, tuổi xuân đi qua, chị đã bỏ lỡ nhiều cơ hội cho hạnh phúc của riêng mình. Chị cứ lặng lẽ, âm thầm cống hiến như dòng sông chảy mãi không thôi. Tuy không lập gia đình nhưng chị không hề cô đơn vì các cháu hết lòng yêu thương, kính trọng và xem chị như mẹ.
Tôi rất thích vào phòng chị vì nơi đây lưu giữ nhiều kỉ vật. Nhìn những bằng khen, huy hiệu, huy chương… do cấp trên khen tặng lòng tôi rất đỗi tự hào. Tôi luôn nhắc nhở mình phải phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng như chị. Ngày nay, tôi từng bước vững vàng trên bục giảng cũng là nhờ tấm lòng thương yêu của chị. Người thầy, luôn động viên, giúp đỡ tạo điều kiện cho tôi hoàn thành nhiệm vụ. Thời gian đứng trên bục giảng không còn bao lâu nữa nhưng tôi vẫn muốn hứa với chị. Tôi sẽ xứng đáng với những gì chị dạy: “Phải tận lực hoàn thành nhiệm vụ của người thầy dù ở bất cứ hoàn cảnh nào”
Những tháng ngày yêu thương.
(Nguyên Hạ - TTVH)