C. Mác viết: “Xã hội không phải là những cá thể người, mà biểu hiện tổng số những mối liên hệ và quan hệ của chúng, trong đó những cá thể đó tồn tại với nhau”. Ở đây, Ông dùng khái niệm xã hội hóa cá nhân để nói về sự chuyển hóa những tính chất chung của xã hội vào từng cá nhân, những tính chung đó được cá nhân tiếp thu, nhưng lại được cá nhân hóa, nghĩa là được thể hiện ra ở mỗi người một cách khác nhau. Trước đây, chúng ta đã nóng vội ở chỗ “xã hội hóa” một cách tràn lan, dẫn đến “tập trung hóa” một cách quan liêu, trong khi nền kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu, khi mà nhà nước không đủ sức ôm tất cả mọi việc. Hiện nay ta chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần, đó là chủ trương “tư nhân hóa” một số hoạt động về kinh tế, văn hóa, xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Tại Quận 8, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục ngày càng được sự quan tâm, tham gia đóng góp của các tầng lớp nhân dân. Nhìn chung, chất lượng giáo dục các bậc học đã từng bước được nâng lên, rút ngắn khoảng cách giáo dục so với các quận bạn, là nguồn động viên rất lớn đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh và niềm tin của nhân dân trong sự nghiệp phát triển giáo dục quận nhà.
Tuy nhiên, công tác xã hội hóa giáo dục vẫn còn một số hạn chế như: việc thực hiện còn lúng túng, chất lượng giáo dục tuy có nâng lên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu chung của thành phố nhất là cấp trung học cơ sở. Trong đó nguyên nhân khách quan là đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn, nhà nằm trong khu vực di dời, giải tỏa, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc học hành của học sinh. Tốc độ đô thị hóa nhanh, sự phát triển kinh tế xã hội giữa các phường trong quận chưa đồng đều nên việc hỗ trợ, chăm lo cho các gia đình diện khó khăn để con em họ được đi học cũng khác nhau. Đội ngũ giáo viên tuy không thiếu, đã đuợc chuẩn hóa hoặc nâng chuẩn nhưng không đồng bộ, môn thừa, môn thiếu gây khó khăn trong việc phân công. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ việc học 2 buổi/ngày. Còn một bộ phận phụ huynh học sinh thiếu sự quan tâm đến việc học của con em, điều kiện và phương tiện học tập ở nhà không đầy đủ. Sự thống nhất trong cộng đồng về hỗ trợ cho giáo dục còn hạn chế.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận 8 nhiệm kỳ (2010-2015) xác định: “Tập trung xây dựng và phát triển giáo dục theo hướng bền vững, xác định đầu tư phát triển giáo dục là đầu tư nguồn nhân lực cho sự phát triển trước mắt và lâu dài của quận”. Ngành giáo dục đang đứng trước những thách thức như: cam kết rút ngắn khoảng cách giữa tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi và tỷ lệ nhập thô, duy trì phổ cập giáo dục cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở đúng độ tuổi, củng cố phổ cập trung học một cách căn cơ bền vững, có cơ chế đãi ngộ thu hút giáo viên giỏi về công tác tại quận 8, trường học, phòng học cần phải xây dựng thêm vì đây là nhu cầu cấp bách đặt ra trong 5 năm tới nhằm để giữ học sinh giỏi tiếp tục học tại quận khi chuyển tiếp mỗi cấp học, nâng cao chất lượng giáo dục, đẩy mạnh công nghệ thông tin thông qua việc nâng cao năng lực vào công tác quản lý, giảng dạy và học tập. Lương và ngân sách nhà nước dành cho giáo dục và đào tạo phải được xem xét lại để đáp ứng nhu cầu chỉ tiêu ngày càng tăng của ngành giáo dục và đào tạo.
Để thực hiện được yêu cầu trên, cần phải xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:
Một là: Xây dựng phong trào “Quận 8 trở thành một xã hội học tập” gắn chặt chẽ với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Nâng cao nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm mỗi cá nhân, mỗi tập thể trong việc học tập thường xuyên, học liên tục, học suốt đời và tham gia xây dựng xã hội học tập để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Hai là: Thiết lập và thực hiện các nội dung, biện pháp, cơ chế hoạt động, phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, ngành giáo dục, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, các đoàn thể từ quận đến các cấp cơ sở để triển khai, tổ chức các hoạt động nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào, xây dựng các biện pháp cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện và duy trì thường xuyên phong trào đảm bảo có chất lượng và hiệu quả cao.
Ba là: Khuyến khích, đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài nhằm huy động, thu hút mọi lực lượng xã hội tham gia xây dựng xã hội học tập, góp phần xây dựng ngành giáo dục quận 8 phát triển, khắc phục những hạn chế, yếu kém, ngăn chặn tiêu cực, tạo cơ hội và điều kiện cần thiết cho việc học tập. Xây dựng ý thức thường xuyên tự học, tự nâng cao trình độ của mỗi người và ý thức trách nhiệm của mỗi gia đình, dòng họ, tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Bốn là: Nhân rộng và phát huy tính hiệu quả của các mô hình: “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ khuyến học”, “Tổ dân phố văn hóa” với những nội dung, tiêu chí xác định, cụ thể, thiết thực. Đẩy mạnh hoạt động phong trào khuyến học, khuyến tài của Hội khuyến học 16 phường; tiếp tục xây dựng phong trào “Xây dựng gia đình hiếu học”; chương trình học bổng khuyến học, khuyến tài, nuôi heo đất, mở rộng thêm nhiều mô hình chi hội khuyến học dòng họ như mô hình dòng học Đỗ ở phường 13; chỉ đạo tổ chức hội ở cơ sở ra sức hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích, tuyên truyền, vận động nhân dân góp sức với ngành giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú và hiệu quả.
Năm là: Làm cho mọi người từ trẻ đến già đều thấy cần phải học, và học suốt đời, xem học tập là một nhu cầu của cuộc sống, như cơm ăn, áo mặc, tạo môi trường học tập đáp ứng cao nhất nhu cầu học tập ban đầu và học suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi và cả người cao tuổi, mọi ngành nghề, mọi trình độ, trong đó đặc biệt chú ý nhu cầu học tập của người cao tuổi, người bị khuyết tật, người bị thiệt thòi về giáo dục và có thể học ở mọi nơi (tại trường, tại nơi làm việc, tại nhà...), mọi lúc, học bằng nhiều cách: trên lớp, học từ xa qua phát thanh, truyền hình, học trên máy tính, trên mạng internet, hội nghị, hội thảo, trò chơi... theo nguyên tắc tự học là chính.
Năm là: Xây dựng và phát triển mạnh mẽ hệ thống giáo dục thường xuyên đồng thời với việc tiếp tục củng cố và hoàn thiện giáo dục chính quy. Phát triển bền vững và nhân rộng mô hình trung tâm học tập cộng đồng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, các tổ chức, cơ sở sản xuất, dịch vụ, kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế khác nhau thành lập các cơ sở học tập, bồi dưỡng thường xuyên cho người lao động, đặc biệt là đối với người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp. Phát triển các hình thức tổ chức học tập để thực hiện các chương trình phổ biến các kiến thức nhằm ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; học tập kiến thức văn hóa, xã hội, đời sống, nghề nghiệp nhằm các mục tiêu hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cải thiện chất lượng cuộc sống, tìm và tự tạo việc làm, thích nghi với đời sống xã hội của người học.
Sáu là: Chỉ đạo, công đoàn các cấp, nhất là công đoàn các cơ quan, công ty, doanh nghiệp...đẩy mạnh công tác khuyến học trong đơn vị, chủ động có kế hoạch phối hợp với thủ trưởng, người đầu cơ quan, công ty, doanh nghiệp có hình thức hỗ trợ về thời gian, học phí cho công nhân, người lao động, viên chức học tập nâng cao trình độ văn hóa, tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ.
Bảy là: Ủy ban nhân dân 16 phường có kế hoạch trong việc triển khai về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, phân công các thành viên, hỗ trợ các cơ sở giáo dục trong việc vận động học sinh bỏ học trở lại lớp, tạo mọi điều kiện để các em trong độ tuổi được đến trường.
Giáo dục là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, luôn có tác động trên cả hai mặt đối với đời sống chính trị, xã hội của đất nước.Trong giáo dục, trường học là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần quyết định chất lượng, hiệu quả giáo dục. Đây vừa là một vinh dự to lớn, là trách nhiệm vừa là thử thách đối với tập thể nhà trường trên bước đường của sự nghiệp “trồng người”.
Xã hội hóa giáo dục là vận động và tổ chức sự tham gia rộng rãi của nhân dân, của toàn xã hội vào sự nghiệp giáo dục nhằm từng bước nâng cao mức hưởng thụ về giáo dục của nhân dân. Trên cơ sở xây dựng cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với việc tạo lập và cải thiện môi trường kinh tế, xã hội lành mạnh và thuận lợi cho các hoạt động giáo dục. Phát huy những thành tích đã đạt được, chúng ta tin tưởng và hy vọng rằng bằng sự nổ lực của ngành giáo dục, sự chỉ đạo cụ thể, hỗ trợ đắc lực của Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân, thời gian tới công tác xã hội hóa giáo dục tại quận 8 sẽ gặt hái được những thành tựu nhất định, xứng đáng với niềm mong mỏi và sự tin cậy của nhân dân, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận 8 lần X.
(Dương Cao Đức – Phòng Giáo Dục Quận 8)