Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 12-5-2009 của Chính phủ đề ra mục tiêu, cần ngăn chặn, triệt tiêu các điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước, ngăn ngừa việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi. Song song với đó là việc hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng và minh bạch. Từng bước xóa bỏ tệ hối lộ trong giao dịch thương mại và giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước. Đồng thời hoàn thiện chính sách xử lý, nhất là chính sách hình sự, tố tụng hình sự đối với tham nhũng…
* Nghị quyết đề ra 5 nhóm giải pháp cơ bản:
- Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật;
- Hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật;
- Hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh công khai, minh bạch;
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện và xử lý tham nhũng;
- Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong Phòng chống tham nhũng.
* Chiến lược quốc gia Phòng chống tham nhũng đến năm 2020 được thực hiện theo 3 giai đoạn:
- Giai đoạn thứ nhất (từ nay đến 2011): thực hiện đồng bộ các giải pháp như nâng cao năng lực phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Đẩy mạnh việc xử lý những vụ việc tham nhũng nổi cộm, gây bức xúc trong dân.
- Giai đoạn thứ hai (từ năm 2011-2016): tiến hành mở rộng các biện pháp phòng ngừa như kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng làm căn cứ cho việc sửa đổi, bổ sung Luật này phù hợp với tình hình mới.
- Giai đoạn thứ ba (2016-2020): tiếp tục làm tốt các giải pháp đã đề ra và đã thực hiện từ các giai đoạn trước.
Từ nay đến 2012, Chính phủ cũng tập trung nghiên cứu một số Đề án phục vụ cho việc Phòng chống tham nhũng, điển hình như Đề án Minh bạch hóa quá trình hoạch định, trình, ban hành: chính sách pháp luật (thời điểm trình khoảng 12/2011); Kế hoạch rà soát sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính giai đoạn 2011-2020 (6/2011); Thông tư liên tịch về công khai trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thi hành án (10/2010)…và gần đây nhất là phê duyệt Đề án thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý (6/2009).
Ngày 21/9/2009, UBND thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định số 69/2009/QĐ-UBND ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.
* Nội dung của Kế hoạch gồm:
- Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung chiến lược và các chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
- Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật.
- Hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch.
- Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng.
Sở Tư pháp, UBND quận 8, UBND huyện Bình Chánh và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn được UBND TP chọn để chỉ đạo điểm việc xây dựng kế hoạch chi tiết tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.
* Về tổ chức thực hiện:
- Từ nay đến năm 2011: nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này là xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược; tổ chức triển khai, phổ biến, quán triệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và kế hoạch thực hiện chiến lược của thành phố trong toàn hệ thống chính trị; các sở, ngành, UBND các cấp có kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp đã đề ra trong Chiến lược và kế hoạch thực hiện Chiến lược của thành phố; triển khai và thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là giải pháp nâng cao năng lực phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng; đẩy mạnh xử lý những vụ việc tham nhũng nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân, tập trung rà soát những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng; sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện, thành tựu và hạn chế, phân tích nguyên nhân để rút kinh nghiệm và xây dựng nhiệm vụ giải pháp cho giai đoạn sau.
- Giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2016: nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này là: bổ sung, hoàn thiện kế hoạch cho phù hợp với yêu cầu của Chiến lược ở giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2016; mở rộng các biện pháp phòng ngừa (kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng; tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; sơ kết, đánh giá việc thực hiện kế họach đến năm 2016.
- Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020: nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này là: bổ sung các giải pháp mới cho phù hợp với yêu cầu của sự phát triển từ năm 2016 đến năm 2020; tiếp tục triển khai thực hiện tốt các giải pháp còn lại, bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược.
Ngày 24/3/2010, Ủy ban nhân dân quận 8 ban hành Quyết định số 4046/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 trên địa bàn quận 8, cụ thể như sau:
Yêu cầu của kế hoạch này là chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về Chiến lược, đảm bảo vừa phổ biến cung cấp kiến thức vừa giáo dục, vận động, chấp hành; kết hợp hài hòa các hình thức, biện pháp tuyên truyền.
* Nội dung Kế hoạch bao gồm:
- Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung chiến lược và các chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
- Thực hiện các biện pháp của Chiến lược:
+ Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật;
+ Hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ;
+ Hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch;
+ Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng;
+ Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng ...
* Thời gian thực hiện được chia làm 3 giai đoạn:
- Nhiệm vụ giai đoạn 1: từ nay đến năm 2011 là xây dựng Kế hoạch thực hiện chiến lược, tổ chức triển khai, phổ biến, quán triệt, sơ kết giai đoạn 1…
- Định hướng giai đoạn 2: từ năm 2011 đến năm 2016 với nhiệm vụ trọng tâm là bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch cho phù hợp với yêu cầu Chiến lược, mở rộng các biện pháp phòng, ngừa, tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, sơ kết đánh giá việc thực hiện Kế hoạch đến năm 2016.
- Giai đoạn 3: từ năm 2016 đến 2020 có nhiệm vụ bổ sung các giải pháp mới cho phù hợp với yêu cầu của sự phát triển từ năm 2016 đến 2020, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp đã thực hiện có hiệu quả trong các giai đoạn trước, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch...
Chiến lược Phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN trong thời kỳ mới, do đó đòi hỏi mỗi chúng ta hãy cùng góp phần tích cực vào Chiến lược đó nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lọai bỏ dần cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng diễn ra trong các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội./.
(Nguyễn Văn Dũng - Phòng Tư Pháp)