SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
2
7
5
2
5
1
9
Giới thiệu 16 Tháng Bảy 2015 4:35:00 SA

Người nữ thương binh hơn 50 năm làm công tác dân vận

              Vào năm 1963 mang trong mình vết thương đau buốt vì chồng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, đứa con trai duy nhất chỉ mới 2 tuổi và cũng bị ảnh hưởng bởi di chứng chiến tranh. Đó là động lực thôi thúc người thiếu phụ 24 tuổi Trần Thị Diễn đành gạt nước mắt gửi con cho ông bà ngoại và tình nguyện tham gia lực lượng tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng tại địa phương, tích cực tham gia chiến đấu cho đến khi bị địch bắt năm 1971. Hiện nay, dì Diễn (dì Tư) đã hơn 50 năm tuổi Đảng và cũng bằng ấy thời gian dì làm công tác dân vận. Với vai trò là hội viên Hội Cựu Chiến binh, Phường 11, Quận 8, dù sức khỏe không được tốt, chân đau khớp, đi lại rất khó khăn nhưng dì Tư vẫn dốc hết sức mình trong công tác vận động chăm lo, giúp đỡ người nghèo trên địa phường.

Những chặng đường cách mạng đầy gian khó

Dì Tư cho biết: vào đầu năm 1963, chú Nguyễn Thành Long, chồng của dì hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.  Quyết thay chồng trả “Nợ nước thù nhà”, dì Tư tham gia lực lượng tuyên truyền, vận động tại địa phương. Chính sự tận tụy và trách nhiệm với công việc, dì Tư được bầu làm Trưởng ban Phụ nữ xã Thượng Thành, Cần Giuộc, Long An. Đầu năm 1964, cuộc chiến tranh kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, để bảo vệ cơ sở bí mật, dì Tư được lệnh chuyển vào vùng căn cứ cách mạng của xã. Sau hơn 1 năm dì Tư được Thành ủy điều động về lực lượng Y4 – Trung đoàn Gia Định. Nhiệm vụ chủ yếu là vận động quần chúng chống sưu cao thuế nặng, chống bắt lính, đuổi chơ tại Cầu Muối, Quận 4. Tháng 6/1965 dì Tư làm công nhân xí nghiệp Dệt dây đai. Được giao phụ trách tổ chức hoạt động công đoàn, dì Tư đã gây dựng được cơ sở và phát triển lực lượng cách mạng lớn mạnh. Từ một đơn vị không có tổ chức công đoàn, dì Tư đã vận động và kết nạp được 60 đoàn viên, cùng mọi người vận động, đề xuất chủ xưởng tăng lương, giảm giờ làm cho công nhân. Đầu năm 1967, dì Tư chuyển sang làm công nhân Kho xăng Nhà Bè. Tại đây, dì Tư nhanh chóng nắm bắt địa bàn, tuyên truyền vận động công nhân kho xăng tham gia cách mạng. Đến tháng 5/1967, kho xăng bị cháy, sợ bị lộ cơ sở nguy hiểm đến tính mạng, cấp trên rút dì về căn cứ Lý Nhơn, Bến Tre. Bằng sự nhạy bén và khả năng tập hợp được quần chúng, dì Tư được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ Đội phó Đội Võ trang tuyên truyền cùng đồng đội đánh vào bót Quận Nhì trên đường Đề Thám, Sài Gòn. Do lực lượng địch chống trả quyết liệt, đồng đội của dì bị địch bắt và hy sinh khá nhiều. Trên đường rút quân để bào toàn lực lượng, với bí danh Tám Tôn, bí số 13, dì Tư đã tập hợp được hơn 1.000 quần chúng giác ngộ cách mạng, đồng thời vận động nhân dân treo cờ, rải truyền đơn, xé tờ khai gia đình, kéo cờ ba que xuống… Dù bị địch vây ráp, dồn vào con hẻm cụt trên đường Đề Thám nhưng dì Tư đã may mắn thoát chết nhờ vào sự che chở, bảo vệ của quần chúng. Dì Tư chia sẻ: “Cuộc đời làm cách mạng của tôi không biết bao nhiêu lần cận kề cái chết nhưng đều may mắn được quần chúng nhân dân cứu sống”. Dì Tư lại tiếp tục xây dựng cơ sở tại chợ Thái Bình và thành lập được một chi bộ gồm 3 đảng viên, tiếp tục hoạt động cho đến khi dì bị địch bắt năm 1971và bị giam cầm, tra tấn, đánh đập tại Khám Tam Hiệp, Đồng Nai cho đến ngày giải phóng đất nước.

 

 

Ảnh: Dì Trần Thị Diễn - hội viên Hội Cựu Chiến binh, Phường 11, Quận 8

Vì nhân dân dốc hết sức mình phục vụ

Sau giải phóng, dì Tư được bổ nhiệm nhiều vị trí khác nhau: từ Bí thư Phường 19 (nay là Phường 16); Bí thư, Chủ tịch Phường 14 (nay là Phường 11) đến Giám đốc Công ty Dịch vụ ăn uống. Dù  ở vị trí nào, dì Tư vẫn hết lòng chăm lo cho dân, tích cực vận động mạnh thường quân hỗ trợ người nghèo vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Với bản chất hiền lành, gần gũi, thương dân, dì Tư luôn được mọi người quý mến và cảm phục. Dù tuổi đã cao, nhưng hàng năm dì Tư vẫn thầm lặng làm công việc vận động chăm lo cho người nghèo và gia đình chính sách tại địa phương với hơn 10 thẻ bảo hiểm y tế, hơn 300 kg gạo. Bên cạnh đó, dì còn vận động hỗ trợ Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ chăm lo cho hội viên nghèo trên 1 tấn gạo/năm. Ngoài ra, dì Tư còn tham gia Hội Các bà mẹ, tích cực vận động các chị em trong Hội chung sức, chung tay đỡ đầu cho một số hộ nghèo, khó khăn của phường, giúp họ vươn lên thoát nghèo. Xuất phát từ trách nhiệm của người đảng viên và tấm lòng đối với người nghèo, dì Tư tâm nguyện: “Còn sức khỏe ngày nào thì tôi còn tham gia hỗ trợ chính quyền địa phương trong công tác vận động chăm lo cho bà con nghèo ngày đó”.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Bùi Duy Thuật, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 11, quận 8 cho biết: “Tuy là vợ Liệt sĩ, là thương binh hạng 4/4 nhưng lúc nào chị Tư Diễn cũng lặng lẽ hy sinh vì người khác, tích cực tham gia các hoạt động phong trào của phường. Ngày thương binh Liệt sĩ 27/7 hàng năm , chị đều vận động mạnh thường quân và gia đình đóng góp tiền, gạo giúp đỡ người nghèo. Từ những việc làm ý nghĩa của chị, ngày càng có nhiều người học tập và làm theo”. Được biết, bên cạnh niềm vui trong công việc dì Tư cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện vì có con trai hiền lành, con dâu hiếu thảo và các cháu nội ngoan ngoãn, học giỏi.

Hy vọng xã hội ngày càng lan tỏa những tấm lòng nhân ái, trách nhiệm đối với nhân dân như dì Tư Diễn. Sự hy sinh thầm lặng của Dì đã từng ngày, từng giờ góp phần làm đẹp thêm cho cuộc sống. Dì Tư xứng đáng là gương thương binh tiêu biểu của phường trong các hoạt động xã hội từ thiện; gương điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cấp Thành phố năm 2009 và cấp quận nhiều năm liền (2013-2015).

Bích Ly – P14


Số lượt người xem: 5739    
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm