SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
6
4
9
4
2
5
Giới thiệu 27 Tháng Hai 2012 9:45:00 SA

Thư gửi Hoàng Gia Thanh Trúc

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2012, tôi xin tiết lộ lá thư viết cách đây 23 năm, hy vọng được quý đồng nghiệp quan tâm, tham khảo. Xin cám ơn.

Ngày 29/5/1989

Thân gửi Hoàng Gia Thanh Trúc,

(1 trong 20 người đẹp nhất cuộc thi Hoa hậu TP.HCM năm 1989, người đạt giải nhất phần thi ứng xử).

Đọc báo Tuổi Trẻ Chủ nhật ngày 28/5/1989 thấy phần ứng xử của em, anh đã nghẹn ngào không cầm nổi nước mắt. Anh đã khóc cùng em khi kể về một bệnh nhân trốn viện đi ăn xin chỉ vì không có tiền đóng viện phí. Là một bác sĩ, anh thấy lương tâm bị dằn vặt đau khổ, anh đã trăn trở nhiều giờ trước khi đi vào giấc ngủ, mặc dù anh không làm trong bệnh viện. Anh tin chắc rằng các thầy thuốc có lương tâm và các nhà lãnh đạo ngành y tế sẽ trăn trở rất nhiều về “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” của em. Đó chỉ là một trong vô vàn câu chuyện đáng thương tâm mà cá nhân anh cũng có thể kể ra rất nhiều. Nhưng thôi, kể ra chỉ thêm buồn và nhức nhối em ạ. Nhưng dù sao tiếng nói sự thật của em, những rung động chân thành và ngây thơ của em cũng là một lời cảnh tỉnh nghiêm khắc.

Trong tình hình kinh tế -xã hội hiện nay, xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp là một yêu cầu bức xúc của cuộc sống. Song Nhà nước của ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, mọi hoạt động của Nhà nước đều nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân, đặc biệt là giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động. Vì vậy mọi chính sách của Nhà nước luôn bảo vệ quyền lợi cho người nghèo chứ không bao giờ đánh vào người nghèo. Anh được biết, mặc dù các bệnh viện của ta hiện nay đều áp dụng chế độ viện phí để củng cố phát triển ngành y tế và phần nào cải thiện đời sống cán bộ nhân viên bệnh viện. khắc phục tình trạng bác sĩ vá ruột người thù lao không bằng vá 1 ruột xe đạp. Tuy vậy, chủ trương của Nhà nước ta và ngành y tế vẫn có chế độ miễn viện phí cho những người quá nghèo khổ, em ạ. Rất có thể ông già bệnh nhân mà em gặp do không nắm được chủ trương này hoặc do bệnh viện đó quan liêu, dẫn đến sơ suất trong quản lý và đối đãi với bệnh nhân.

Vậy thì vấn đề đặt ra theo anh có thể là:

1.     Cần phải sửa đổi bổ sung chính sách viện phí cho phù hợp với thực tiễn sinh động của cuộc sống.

2.     Các bệnh viện nên vận dụng chính sách có lý có tình, đảm bảo được tính ưu việt của chế độ XHCN mà chúng ta đang xây dựng.

3.     Cán bộ nhân viên ngành y tế hãy vì chủ nghĩa nhân đạo cao cả, vì lương tâm thầy thuốc mà tận tình chu đáo hơn nữa trong việc quản lý, cứu chữa, chăm sóc người bệnh mặc dù đời sống của mình còn khó khăn vất vả.

Thanh Trúc em, xã hội nào cũng vậy, nghề thầy giáo và thầy thuốc là hai nghề cao quí bởi đối tượng là con người, mục đích cũng là vì con người. Ai muốn chọn một trong 2 nghề này cũng đều cần phải có một tâm hồn cao đẹp và lương tâm trong sạch. Việc em ước mơ trở thành bác sĩ là một ước mơ đẹp và chính đáng. Em cần nuôi dưỡng và bằng nghị lực phi thường của mình mà phấn đấu để cho ước mơ đó thành hiện thực, T.T ạ. Tâm hồn của em rất trong sáng, đẹp đẽ và gần gũi với mọi người, rất phù hợp với phẩm chất của người thầy thuốc nhân đạo chủ nghĩa.

Trong nhân dân, mọi người đều có biểu tượng chung về người thầy thuốc là: dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đem những hiểu biết, sức lực và khả năng của mình để cứu chữa người bệnh. Mọi người đều qua niệm thầy thuốc là người dũng cảm, chăm chỉ trong mọi công việc, biết thương yêu người, có tấm lòng cao cả, biết hy sinh thân mình vì hạnh phúc tính mạng của người khác. Cũng có quan niệm: người thầy thuốc làm công việc của mình một cách trong sạch, không vụ lợi, không đòi hỏi những điều kiện hoặc tiền tài. Nhân dân ta cũng quan niệm người thầy thuốc luôn chăm chỉ nghiên cứu, khiêm tốn trong học tập, tìm mọi cách và mọi biện pháp để cho bệnh nhân chóng khỏi bệnh, nhằm giảm bớt nỗi lo lắng, đau khổ của người bệnh.

Ngày xưa dân tộc ta có gương sáng của cụ Hải Thượng Lãn Ông. Ngày nay Cũng có BS. Phạm Ngọc Thạch (cố Bộ Trưởng Y tế), anh hùng liệt sĩ giáo sư Đặng Văn Ngữ, anh hùng liệt sĩ bác sĩ Ngô Đình Quỳ v.v… và hàng trăm các thầy thuốc Ưu tú, thầy thuốc nhân dân mới vừa được Nhà nước ta công nhận.

T.T ơi, nói như vậy không phải chúng ta nhìn đời qua lăng kính, chỉ thấy sắc màu rực rỡ. Con người ta muốn làm được những điều tốt đẹp như trên thì trước hết cần phải có ăn, mặc ở và rất nhiều nhu cầu chính đáng khác của con người. Câu nói "có thực mới vực được đạo” của các cụ tưởng chừng như cổ xưa nhưng nay vẫn còn nguyên giá trị. Ấy thế mà những người làm công việc của 1 bác sĩ vẫn cứ hưởng đồng lương “hành chính sự nghiệp”, lương 30 ngày chỉ đủ sống được 10 ngày. Tiền ăn còn  chưa đủ, tiền đâu mà chữa bệnh, học hành và thỏa mãn những nhu cầu văn hóa tinh thần?

Hai vợ chồng anh đều hưởng lương đại học, có một bé 5 tuổi, cháu trắng trẻo, dễ thương nhưng có lẽ cháu bị suy dinh dưỡng (mặc dù ba của bé là bác sĩ). Trong cuộc sống hàng ngày, trong gia đình anh luôn nhìn thấy đồng bạc cuối cùng, những khi chậm phát lương, cả tuần chật vật.

Anh nói thật em đừng cười, cuộc thi Hoa hậu Thành phố 1989 vừa qua, vợ chồng anh khát khao được đi xem tận mắt; thế nhưng mãi đến đêm chung kết chọn Hoa hậu, tụi anh mới mượn được ít tiền (chỉ vừa đủ để gửi xe và uống nước) và chở nhau bằng xe đạp trên đoạn đường gần 20 km đến Câu lạc bộ Phan Đình Phùng, nhưng chỉ được đứng ở ngoài  để xem qua màn ảnh lớn 100 inches. Tới khi ban tổ chức công bố kết quả cuộc thi, anh và mọi người lom khom quỳ gối để nhìn vào khán đài qua cái lỗ hở để cố nhìn tận mắt 10 cô gái đẹp của cuộc thi. Lúc đó anh cảm thấy hơi tủi thân. Em cũng biết rằng với đồng lương của tụi anh thì làm sao mua được vé chợ đen từ 8.000 đến 10.000 đồng 1 đêm để mà được vào xem đàng hoàng như người khác. Nhưng thôi đành vậy, chỉ nhìn xa xa thấp thoáng thấy 10 cô gái đẹp của TP.HCM anh cũng thấy vui rồi. Đúng như lời em nói, cuộc thi Hoa hậu TP.HCM 1989 lần này cũng là dịp để nói cho Thế giới biết rằng: Việt Nam cũng có những người con gái đẹp.

T.T ơi, dù cho em không là Hoa hậu, nhưng phần trả lời ứng xử của em là một nét đẹp tâm hồn làm cho hàng ngàn khán giả rung động trào nước mắt cùng em. Điều đó sẽ còn lắng đọng mãi trong chiều sâu tâm hồn cao đẹp của đông đảo quần chúng đang góp phần vào công cuộc đổi mới của đất nước. Tiếng nói của em đã thôi thúc biết bao trái tim bạn trẻ Thành phố ta, hấp dẫn khách du lịch quốc tế và mở ra một tiềm năng cho năm 1990: năm du lịch của TP.HCM.

Cuối thư, chúc em vui tươi, trẻ khỏe và tràn đầy nghị lực trong học tập để  thực hiện được ước mơ cao đẹp của đời em: trở thành 1 bác sĩ-người thầy thuốc làm dịu đi bao nỗi đau của người bệnh.  

Thư hồi âm của Hoàng Gia Thanh Trúc:

Sài Gòn, ngày 9/6/1989

 Kính gởi bác sĩ Th!

Đầu thơ Em xin lỗi Anh Th, em không biết phải xưng hô như thế nào cho đúng, vậy nên em xưng theo trong thơ anh vậy, nếu có gì không phải xin anh bỏ quá cho nhé.

Trước hết em xin chúc gia đình anh chị và cháu gặp nhiều may mắn, luôn mạnh khỏe vui tươi và ngập tràn hạnh phúc…Anh biết không, em được chú Tr. là thành viên Ban giám khảo cuộc thi đang làm ở tòa soạn báo TT cho em đọc thư của anh, em xúc động lắm và cảm ơn anh vô cùng. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời mình, em cảm thấy tràn đầy hạnh phúc…Em tham gia cuộc thi hoa hậu 89 chỉ duy nhất vì một suy nghĩ là đóng góp một ít công sức của mình để làm đẹp cho cuộc thi, cho đất nước mình; còn mà để làm hoa hậu thì em không dám nghĩ tới vì nhiều chị đẹp hơn em nhiều lắm. Qua cuộc thi này em thấy mình lớn hẳn ra anh ạ, em chững chạc, suy nghĩ chín chắn hơn hồi trước nhiều, chứ hồi trước em con nít lắm, 19 tuổi mà em còn thích chơi u, chơi keo, thích nhiều trò chơi của con nít, thậm chí còn chơi tạt lon như con trai vậy…anh và chị đọc đừng cười nhé. Dự thi mà em nhát lắm, do bạn bè khuyến khích rồi nộp đơn cho em, chứ em đâu có dám lên Thành đoàn để xin dự thi, cuộc thi thật ra đối với em bất ngờ lắm, em đi thi vô tư lắm, không lo gì cả, có gì mặc đó, em lọt vô vòng chung kết phải nói là một sự ngạc nhiên lớn đối với em đó. Em toàn đi với bạn gái trong những hôm thi, mấy lần em tính cả gia đình đi xem nhưng vì vé bán ra, các chị và các bạn tranh nhau mua nhanh quá, khi em có tiền để mua thì hết trơn vé, mấy buổi thi không có mẹ em đi xem, em buồn lắm, do vậy trong các thí sinh em thường ngồi buồn một mình. Do vậy khi đọc thơ của anh em phải cố nín để không khóc trước mặt chú Tr, em sợ chú Tr chọc lắm, trong cuộc thi hoa hậu này , em khóc nhiều và bị bạn bè chọc quá nên em sợ anh ạ. Tiếc quá anh nhỉ? Em mong sao sau này con gái của anh chị sẽ là một hoa hậu, hoa hậu của thế hệ sau, nhưng vững vàng và mang một tâm hồn trong sáng như tấm lòng của anh chị dành cho em hôm nay và cả mai sau, sẽ không bao giờ em quên được những giây phút  ngắn ngủi trên sân khấu, những giọt nước mắt của em và những nụ cười của bạn bè trong cuộc thi, những giây phút ngắn ngủi đi đọc thơ của anh chị viết cho em trong tòa soạn, đây là món quà động viên lớn nhất đối với em trong tương lai của cuộc đời mình.

Anh Th thân mến! Hiện nay em đang chuẩn bị cho kỳ thi đại học sắp đến, nhưng em lại không đủ can đảm thi vào ngành em yêu thích, em thi vào trường khác anh ạ, em sợ em rớt và ra đời làm việc sớm, em đã ra ngoài đời và ở em, em cũng đã nếm trải nhiều nỗi cay đắng trong cuộc sống, anh đừng nghĩ em sung sướng như những cô bé gái khác, em cũng đã đi làm và cố gắng học cho bằng các bạn, do vậy thời gian của em rất ít, thì làm sao em dám mơ cao và thi cao quá phải không anh? Nhưng em không trách xã hội, cũng không trách cuộc đời, sống là phải làm việc, là phải học, em không muốn thua sút bạn bè…

Thôi thơ cũng dài, anh chị cho em dừng bút, em chúc con gái anh chị luôn khỏe mạnh, và anh chị luôn gặp nhiều may mắn trong cuộc sống anh chị nhé. Một lần nữa em vô cùng cảm ơn anh chị đã dành cho em tấm lòng thương yêu của anh chị…

Thân ái

Em: HGTT.

 (BS.Thuần - Q8)


Số lượt người xem: 6505    
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm