III. Khảo tả di tích:
Di tích là một gò đất cao khoảng 5 mét, chân gò theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Trên gò có nhiều cây hoang dại như hai cây keo già, me… chung quang gò là vùng đất trũng có nhiều ao nhỏ. Quan sát đất đắp bờ bao nhận thấy là loại đất sét xám xịt mịn.
Hiện nay phía đầu Nam bị sụp, về phía Bắc của di tích đã bị dân san phẳng làm khu nghĩa địa nhỏ. Sau khi sửa sang lại vách và nền lò ở đầu phái Bắc, di tích được mô tả như sau:
Phát quật mặt bằng phái bắc gò làm xuất lộ một phần nền lò, một phần vách lò hai phía Tây, Đông và lớp hợp chất nghi là nóc lò (?). Đào năm hố thám sát hai bên sườn gò; thu lượm và phân loại được một số sản phẩm, gồm 3 chất liệu chính: sành (lu, khạp…), gốm xốp men nâu (hộp, siêu, tay cầm, chậu, vịm…), gốm bán sứ (chén, dĩa, cốc, ly, muỗng…) một số khuôn và hiện vật kỹ thuật…. Nhận định bước đầu: cấu trúc lò là ống dài thông suốt từ bầu lửa đến ống khói. Nền dốc năm độ từ Bắc (phía kênh Ruột Ngựa) lên phía. Dấu tích bầu lửa đã mất do việc xây mồ mả. Ống khói phía Nam. Cửa lò có thể ở cả hai bên.
IV. Các hiện vật của di tích:
Có thể kể ra một số loại sản phẩm đặc trưng của khu lò Hưng Lợi:
Đầu tiên là loại lu (chum) lớn nhất, chất liệu sành nâu, dáng thuôn vào đáy hay bầu tròn, còn được gọi là lu 3 đôi hay lu 5 đôi nước (mỗi đôi nước 40 lít). Lu được tạo hình bằng phương pháp dải cuộn, sau đó dùng bàn dập sửa sang lại cho gắn kết và vỗ cho mỏng đều. Xung quanh các vách lò có rất nhiều lu hư hỏng chứa đầy mảnh sản phẩm hoặc đất, chất thành hàng dài hay chồng lên nhau để gia cố vách lò.
Chiếm tỷ lệ lớn nhất là các loại sản phẩm gốm và sành không men hoặc có men nâu hay men vàng (men da lươn, da bò). Về loại hình, chủ yếu là "đồ bỏ bạch" như siêu, ơ (nồi có tay cầm) với nhiều kích cỡ, các loại hộp men nâu. Trên nắp ơ, đáy siêu, đáy hay nắp hộp có in nổi ba chữ Hán trong khung hình bầu dục "Hưng Lợi Diêu" (lò Hưng Lợi). Ngoài ra còn có các kiểu khạp, hũ, chậu, vịm, chậu bông ... Đặc biệt trong lò này xuất hiện loại chậu bông (tròn hay lục giác) kích thước nhỏ, in hoa văn nổi men nâu, vàng (bông mai, cúc). Thân phủ men xanh đồng hay xanh lam, màu men đặc trưng của gốm cổ Sài Gòn.
Loại sản phẩm thứ ba là lại gốm men xanh trắng và men nhiều màu, gồm có tô, đĩa, bát, cốc. ly đèn, lư hương, ấm trà, bình rượu, thìa muôi ... Hoa văn xanh hoặc hoa văn nhiều màu (tím, đỏ, xanh lá cây, nâu, vàng), một số sản phẩm có những chữ Hán màu đen. Loại sản phẩm này không nhiều, nhưng vẫn có sản phẩm đặc trưng là tô con gà, thìa cá vàng in chìm hai chữ Hán "Kim Ngọc", cốc cao có 3 ngấn. Giai đoạn này phổ biến loại chậu kiểng lớn tạo dáng bằng khuôn in hai mang. Hoa văn in nổi là những đường hồi văn và các khung trang trí các mô típ phổ biến như Tùng Lộc, Mai Điểu, Bát Tiên ... Màu men phổ biến của chậu kiểng vẫn là xanh đồng, xanh lam, xanh lá cây ... Do sản phẩm chính là tô, bát, nên lò này còn được gọi là Lò Men (các hiện vật và hình ảnh khai quật được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử TPHCM).
Xung quanh khu di tích có nhiều ao nhỏ là dấu tích việc khai thác nguyên liệu làm gốm. Gần đây khu vực này vẫn còn một số lò gạch nhỏ. Bên kia làng Phú Định có vài gia đình làm ông lò (bếp lò) bằng đất sét đào ven kênh Ruột Ngựa trộn với tro (do trấu hun thành). Số lượng rất ít vì loại bếp lò này hiện chỉ tiêu thụ ở vùng ngoại thành hoặc ở miền Tây.
Cấu trúc lò gốm, sản phẩm là dấu vết kỹ thuật cho biết khu lò Hưng Lợi sản xuất từ khoảng giữa thế kỷ 18. Giai đoạn đầu là lò lu, sau đó đến lò siêu (nhưng vẫn sản xuất lu với số lượng ít), sau cùng là lò chén. Lò Siêu - mang tên Hưng Lợi - sản xuất trong thời gian khá dài. Còn lò chén chỉ sản xuất trong một thời gian ngắn và ngưng hoạt động khoảng năm 1940.
Khoảng đầu những năm 1940 những lò gốm, lò gạch ngói cuối cùng của xóm Lò Gốm đã ngừng hoạt động. Bên cạnh những biến cố chính trị, nguyên nhân xã hội do quá trình đô thị hóa mạnh mẽ của Sài Gòn - Chợ Lớn. Quá trình này thúc đẩy sự tách biệt giữa thương nghiệp và thủ công nghiệp: các làng nghề bị đẩy ra vùng ven, hoặc phải chuyển địa bàn sản xuất ra các tỉnh lân cận, nhường chỗ cho các trung tâm thương mại, phố chợ.
Đô thị hóa làm mất đi cảnh quan tự nhiên, vùng đất nguyên liệu bị thu hẹp, vị trí ưu đãi của một làng gốm không còn nữa, xóm Lò Gốm của Sài Gòn xưa phải nhường vai trò của mình cho vùng gốm Biên Hòa - Lái Thiêu.
V. Cơ sở pháp lý bảo vệ di tích:
Di tích lò gốm Hưng Lợi là di tích khảo cổ học duy nhất trong nội thành thành phố Hồ Chí Minh được khai quật và được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích khảo cổ học cấp quốc gia theo quyết định số 722 - QĐ/BVHTT ngày 25/4/1998. Tư liệu có được từ cuộc khai quật này sẽ giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về nguồn gốc, kỹ thuật sản xuất, sản phẩm của gốm cổ Sài Gòn.
VI. Các tài liệu tham khảo:
- Gia Định thành thông chí Tập trung của Trịnh Hoài Đức.
- Địa chí văn hóa TP (tập 2) của giáo sư Trần Văn Giàu.
- Gia Định phong cảnh vịnh của Truong Vĩnh Ký.
- Sài Gòn năm xưa của Vương Hồng Sển.
- Tài liệu của PTS Đặng Văn Thắng.
- Tài liệu của PTS Nguyễn Thị Hậu.