Chính diện đình Bình Đông
I. Sơ nét:
Từ cầu Bà Tàng vào khoảng 300 mét, theo con rạch cùng tên là rạch Bà Tàng, ta thấy một cù lao nhỏ, rộng khoảng 2 héc ta. Trên cù lao có một ngôi đình kiến trúc rộng rãi, uy nghi, cổ kính. Tại đây, vào ngày mùng một và ngày rằm hàng tháng, dân chúng ở các nơi trong thành phố và ở các tỉnh bạn đến cúng bái đông đảo. Đó là đình Bình Đông mà ngày trước nhân dân thường gọi là "Bình Đông Hội Quán".
II. Lịch sử xây dựng đình Bình Đông
Đình Bình Đông được xây dựng trên cù lao ngay nhánh rẽ của dòng Kinh Đôi, thuộc phường 7 quận 8 thành phố Hồ Chí Minh. Theo “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, thôn Bình Đông thuộc tổng Tân Phong, huyện Tân Long, phủ Tân Bình (1818). Đình có sắc phong Tự Đức ngũ niên (1853). Như vậy đình Bình Đông phải được xây dựng trước năm 1853, tức trước năm nhận được sắc. Sắc phong cho Thần "Thành hoàng bổn cảnh" của thôn Bình Đông, huyện Tân Long ghi ngày 29 tháng 11 âm lịch năm Nhâm Tý (08/01/1853).
Theo các bô lão thì đình Bình Đông có từ xưa. Lúc đầu, kiến trúc của đình chỉ là ngôi nhà lá, dùng làm nhà làng cho dân cư quanh vùng tới hội họp và cúng bái. Đến năm 1922 được trùng tu bằng mái ngói, vách ván, cột kèo gỗ theo dạng đình Nam Bộ với võ ca và chánh điện nằm giữa, hai bên có Đông và Tây lang, bên cạnh lại có nhà Nghĩa Từ. Đến năm 1930, đình xuống cấp nên được sửa chữa lớn, mái ngói được thay bằng ngói đại ống 2 lớp, vách trét ô dước, nền gạch tàu.
Năm 1968, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, đình bị bom đánh sập một phần võ ca, chánh điện và nghĩa từ. Mãi đến năm 1991, đình được xây dựng lại với kết cấu bằng nguyên vật liệu nặng (bêtông - cốt sắt) nhưng kiến trúc tổng thể vẫn giữ nguyên. Lần xây dựng này có thêm nhà Truyền Thống.
III. Khảo tả di tích:
Tuy toàn bộ cảnh quan không thay đổi nhưng kết cấu không còn nét xưa. Nổi bật còn lại vẫn là các hiện vật bên trong chánh điện như toàn bộ khám thờ thần, Tả Hữu ban, Hội đồng đều chạm thủng viền quanh với rồng vờn châu, từng lộc, tứ linh rất nghệ thuật. Trên bàn thờ Thần có khánh đựng mão thần, bộ bát bửu bằng đồng, lư hương bình hoa bằng gốm quí. Trước bàn thờ bố trí bộ lỗ bộ đầu bịt đồng rất quí. Cặp liễng treo hai bên bàn thờ Thần.
Chung quanh cặp liễn có chạm các hoa văn rất nghệ thuật. Ngoài ra còn có 4 cặp liễn khác cùng kích cỡ, cùng mang tính nghệ thuật chạm trổ với nội dung ca ngợi công đức Thần được treo tuần tự theo cung cách thờ cúng. Trong chánh điện còn phải kể đến bao lam chạm trổ hình dáng: mai, lan, cúc, trúc, mẫu đơn, sóc, giác trên các loại gỗ quí. Các hoành phi đáng kể như Bình Đông Đình có ghi niên đại 1870 treo trên cửa chánh điện và bức "Diệu - Diệu anh linh" niên đại 1850.
Trong nhà nghĩa từ bài trí hai bàn Tiền và Hậu hiền với đầy đủ hiện vật thờ cúng. Cạnh có bàn Tiên - Sư cũng được chưng dọn rất nghiêm túc. Riêng nhà Truyền Thống nằm cạnh là nơi trưng bày một số hình ảnh minh họa thời gian cụ Tôn Đức Thắng hoạt động tại Sài Gòn và tại đình Bình Đông. Nhìn tổng thể còn có miếu Ngũ Hành, bàn thờ Thần Nông, miếu Ông Tà bố trí theo tục lệ trước mặt võ ca (gần cổng Tam quan). Sân khấu thiết kế nằm trong võ ca nhằm phục vụ hát xướng ngày đại lễ.
IV. Các hình thức sinh hoạt lễ hội:
Hàng năm lễ Kỳ Yên tuần tự diễn ra theo nghi thức được truyền tụng như đầu lễ là Túc yết, chính lễ là Đoàn (Đàn) cả diễn ra trịnh trọng có tế thần gọi là lễ Thỉnh Sanh. Trong lễ có chánh bái, bồi bái, học trò lễ, đào thài theo chiêng trống, kèn của nhạc mà hành lễ. Tiếp có lệ "hát bội", trước là để hầu thần, sau phục vụ bà con đến chiêm bái. Lệ này diễn ra hàng năm vào ngày 12 và 13 tháng 2 âm lịch.
V. Giá trị lịch sử:
Đình Bình Đông không chỉ nổi tiếng là đình cổ, linh thiêng mà nơi đây còn mang ý nghĩa quan trọng của sự kiện lịch sử cách mạng. Năm 1920, Tôn Đức Thắng (nguyên Chủ tịch nước) từ hải ngoại trở về Sài Gòn và bí mật thành lập Công hội đỏ phát triển mạnh trong đội ngũ công nhân nhằm đoàn kết chống tư bản đế quốc. Lúc này ông Ka Hiêm là hội viên đình Bình Đông nên biến đình thành cơ sở của Công hội đỏ. Năm 1925, là lãnh đạo tổ Công hội đỏ thuộc Nhà đèn Chợ Quán, ông Ka Hiêm tổ chức nhiều cuộc họp tại đình và các tài liệu đều được cất giấu dưới khám thờ.
Theo ông Dương Quang Đông (Nguyên thường vụ Xứ ủy Nam kỳ) - Chủ tịch câu lạc bộ hưu trí TP. Hồ Chí Minh và ông Ka Hiêm thì Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã đến dự nhiều lần những cuộc họp quan trọng tại đình Bình Đông trong khoảng thời gian từ 1925 - 1928. Những lần đó Bác Tôn đã thuyết giảng về chủ nghĩa Mác, lòng yêu nước cho các công nhân nòng cốt của Hội. Thời gian hoạt động của Công hội đỏ diễn ra từ 1925 - 1928, không hề bị lộ bí mật. Chính tại chánh điện, các mật thư của Nguyễn Ái Quốc được chuyển từ nước ngoài về cũng như các sách báo tuyên truyền cho chủ nghĩa Mác đều được cất giấu cẩn thận và an toàn tại đình Bình Đông. Thời kỳ chống Mỹ, đình Bình Đông là nơi liên lạc, chuyển vũ khí vào nội thành và cũng là nơi bộ đội miền Nam đặt súng bắn vào Tòa hành chánh quận 7 của chế độ cũ năm 1968.
Ngày nay, để tưởng niệm thời kỳ hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại thành phố Sài Gòn xưa, một số hình ảnh và kỷ vật được trưng bày tại nhà truyền thống nằm trong khuôn viên đình Bình Đông. Đến viếng đình Bình Đông không thể quên nhà truyền thống nằm cạnh nghĩa từ. Ở đó, những ấn tượng một thời đấu tranh của nhân dân ta là những bài học vô giá và đích thực nâng cao giá trị của đình Bình Đông hiện nay. Đình Bình Đông được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận di tích theo quyết định số 2890 - VH/QĐ ký ngày 27/09/1997.
VI. Cơ sở pháp lý bảo vệ di tích:
Đình Bình Đông là một di tích văn hóa và lịch sử, được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận di tích theo quyết định số 2890 - VH/QĐ ký ngày 27/09/1997.
VII. Tài liệu tham khảo:
- Gia Định thành thông chí “Trịnh Hoài đức”.
- Địa chí văn hóa thành phố, tập 1.
- Lịch sử truyền thống đấu tranh Cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Quận 8.
- Những địa danh lịch sử ở Quận 8.
- Các nhân chứng lịch sử: Dương Quang đông, Ka Him…