Mặt tiền chùa Thiên Phước
I. Sơ nét:
Chùa Thiên Phước tọa lạc tại số 1581 Phạm Thế Hiển, phường 6, quận 8.
Chùa Thiên Phước do phật tử di cư từ miền Bắc vào Nam lập nên năm 1956 với những vật liệu thô sơ. Thượng tọa Thích Đạt Hảo tiếp quản chùa năm 1963, đến năm 1964 Thượng tọa Thích Nhật Hiện về trụ trì chùa.
Thượng tọa Thích Nhật Hiện – Trụ trì chùa Thiên Phước
Bà Nguyễn Thị Phướng - Đặc trách Quận ủy liên quận 7 - 8
II. Nhân vật và di tích lịch sử:
Chùa Thiên Phước là cơ sở cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Năm 1964, chùa được sửa chữa lại, đúc bê tông toàn bộ chùa. Đây là thời kỳ chùa được xây dựng lại nhằm phục vụ cho cách mạng (chứa vũ khí, in ấn tài liệu bí mật phục vụ cho cách mạng và nuôi dấu cán bộ cách mạng), nhất là trong hai cuộc tiến công nổi dậy năm 1968.
Nhiều cán bộ cách mạng đến trú ẩn và hoạt động hợp pháp tại chùa như: đồng chí Nguyễn Kim Xuân (Mười Xuân) - nguyên Bí thư Quận ủy quận 7, đồng chí Lê Quốc Sử (Bảy Sử) - nguyên Quận ủy viên liên quận 4, 7, 8, đồng chí Lê Quang Kim (Tư An) - nguyên Bí thư Quận ủy quận 8, đồng chí Đỗ Quang Minh (Hai A) - Quận ủy viên liên quận 7, 8, đồng chí Nguyễn Thị Phướng - đặc trách Quận ủy liên quận 7, 8 và các nhà sư hoạt động hợp pháp như: Thượng tọa Thích Nhật Hiện (Nguyễn Ngọc Ảnh), nhà sư Thích Huệ Hiền (Nguyễn Ngọc Ẩn), nhà sư Thích Huệ Văn,…
Năm 1965, chùa Thiên Phước sửa chữa đúc bê tông chính diện, thiết kế các loại hầm trú ẩn, cất giấu vũ khí kiên cố và tạm thời như:
- Dưới bàn thờ chính điện có hầm trú ẩn diện tích 3,4m x 2m x 1,8m, miệng hầm 0,4m x 0,4m. Trên miệng hầm được ngụy trang bằng tủ đựng kinh phật. Hầm có cửa ăn thông với phòng nghỉ của tăng ni để có thể từ đó thoát ra ngoài.
- Bệ phật lộ thiên và sân thượng được đúc bê tông nhằm quan sát địch tình và dùng bệ phật lộ thiên để làm bệ bắn. Sân thượng có diện tích 10m x 12m x 10m, bệ phật cao 12m.
Sân thượng để làm nơi quan sát địch và đặt súng bắn (nay bị phá bỏ)
- Hầm ở dãy nhà vệ sinh bên trái đền Tứ Phủ là một thùng phi chôn âm dưới đất, miệng hầm bằng với mặt đất được ngụy trang bằng lu nước tráng men trơn màu vàng đặt ở trên.
- Giếng nước gần nhà bếp khi cần thiết cũng được tận dụng làm nơi giấu vũ khí (dùng bịt ny lon cột lại rồi cho xuống giếng).
- Trong dãy phòng học cũng được thiết kế một số hầm dưới dạng thùng phi cao 1m, đường kính 60cm chôn âm dưới đất, trên miệng được ngụy trang kỹ lưỡng.
-Vách chùa được xây bằng gạch lóc 20cm x 30cm hình khối chữ nhật rỗng ở giữa được tận dụng để cất giấu tài liệu.
Miệng hầm bí mật dưới chính điện, dưới lu nước là miệng hầm bí mật
Vách chùa dùng để giấu tài liệu
Chùa là nơi hoạt động vừa công khai vừa bí mật của cách mạng, cất giấu vũ khí để chuẩn bị cho đợt tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968. Những chiến tích đạt được là nhờ sự lãnh đạo của cán bộ cách mạng đó là các đồng chí Nguyễn Văn Thuyền ( Đồng chí Ba Tôn) - nguyên bí thư liên quận 7, 8, đồng chí Nguyễn Thị Phướng – đặc trách quận ủy liên quận 7, 8 và các đồng chí Nguyễn Ngọc Ảnh, Nguyễn Ngọc Ẩn - người của phân ban Tây Nam phân công hoạt động trong giới phật giáo. Lịch sử chùa Thiên Phước cho thấy sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong quần chúng nhân dân nói chung trong Phật giáo nói riêng và sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân đối với cách mạng.
Quang cảnh tại buổi lễ trao bằng di tích
Là di tích có giá trị lịch sử, chùa Thiên Phước là nơi học tập truyền thống yêu nước của dân tộc ta, là nơi ghi nhớ những đóng góp của nhân dân đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
Trao Bằng di tích lịch sử chùa Thiên Phước
III. Khảo tả di tích:
Chùa quay về hướng Đông Nam và có tổng diện tích mặt bằng là 700m2 . Mặt tiền có cổng tam quan, phía trên có hình lưỡng long triều nguyệt, hai bên cổng phụ có hai miếu thờ Ngũ Hành Nương Nương. Bên trái chính điện có đền Tứ Phủ. Giữa sân chùa có tượng Nam Hải Quan Âm Bồ Tát đứng trên con kình ngư. Phía trước chính điện có 2 lớp cửa, xây liền với chính điện là bệ phật lộ thiên, chính giữa là phòng nghĩ (tăng xá).
Năm 1965, chùa Thiên Phước sửa chữa đúc bê tông chính điện, thiết kế các loại hầm trú ẩn, cất giấu vũ khí kiên cố và tạm thời ở một có điểm như:
- Dưới bàn thờ chính điện có hầm trú ẩn , miệng hầm được ngụy trang đặt tủ dựng kinh Phật, có cửa ăn thông với phòng nghĩ của tăng ni để có thể từ đó thoát ra ngoài.
- Bệ Phật lộ thiên và sân thượng được đúc bê tông với ý định của Cách mạng là quan sát địch tình và dùng bệ Phật lộ thiên làm bệ bắn.
- Hầm ở dãy nhà vệ sinh bên trái đền Tứ Phủ là một thùng phi chôn âm dưới đất, miệng hầm bằng với mặt đất được nguỵ trang bằng lu nước tráng men trơn màu vàng đặt ở trên.
- Giếng nước gần nhà bếp khi cần cũng được tận dụng làm nơi giấu vũ khí (dùng bịch ni lông cột lại rồi cho xuống giếng).
- Trong dãy phòng học cũng được thiết kế một số hầm dưới dạng thùng phi chôn âm dưới đất, trên miệng được ngụy trang kỹ lưỡng.
- Vách chùa được xây bằng gạch lóc hình khối chữ nhật rỗng ỡ giữa được tận dụng để cất giấu tài liệu.
Nhìn chung chùa Thiên Phước được xây theo kiểu hiện đại, đúc bê tông chắc chắn, ngoài mục đích thờ Phật, chùa còn được xây dựng với hầm bí mật và các vị trí bí mật khác để phục vụ cho việc che giấu cán bộ Cách mạng và giấu tài liệu mật, vũ khí. Chùa đã thực sự hoàn thành nhiệm vụ của mình.
IV. Giá trị của di tích:
Chùa Thiên Phước là cơ sở Cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ:
Chùa là nơi in ấn tài liệu bí mật phục vụ cho Cách mạng.
Chùa là nơi cất giấu vũ khí để chuẩn bị đợt tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968. Như vậy chùa vừa hoạt động công khai vừa bí mật ủng hộ Cách mạng. Lịch sử chùa Thiên Phước cho ta thấy sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong quần chúng nhân dân nói chung và trong Phật giáo nói riêng, cho ta thấy sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân đối với Cách mạng.
Chùa Thiên Phước là di tích có giá trị lịch sử. Đây sẽ là nơi học tập truyền thống yêu nước của dân tộc ta, là nơi ghi nhớ những đóng góp của nhân dân đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
V. Cơ sở pháp lý bảo vệ di tích:
Ngày 24/4/2009 Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định số 1763/QĐ-UBND về xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh thành phố. Chùa Thiên Phước được khoanh vùng bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa Việt Nam.
VI. Những tư liệu bổ sung, tham khảo:
- Phiếu sưu tầm tư liệu (viết tay) - Nguyễn Ngọc Ảnh (Thích Nhật Hiện).
- Phiếu sưu tầm tư liệu (bản đánh máy) - Nguyễn Thị Phướng.
- Phiếu sưu tầm tư liệu (bản đánh máy) - Nguyễn Thị Hai.
- Phiếu sưu tầm tư liệu (bản đánh máy) - Nguyễn Ngọc Ẩn (Thích Huệ Hiền).
- Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh tập II (1954 - 1975) sơ thảo – NXB TPHCM.
- Lịch sử truyền thống chống Mỹ của Đảng bộ và nhân dân quận 8 (1954 – 30/04/1975)