SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
2
7
7
0
7
7
9
Giới thiệu 01 Tháng Mười Hai 2010 3:40:00 CH

Chùa Sắc Tứ Huệ Lâm

 

 

Chính diện chùa Sắc Tứ Huệ Lâm

I.      Sơ nét:

Chùa Sắc Tứ Huệ Lâm tọa lạc tại số 154 đường Tùng Thiện Vương, phường 11, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh. Trước đây, đường Tùng Thiện Vương có tên là Dellefosse và được đổi tên thành Tùng Thiện Vương vào ngày 19/01/1955. Chùa có tên là Huệ Lâm, sau vì được vua Thành Thái ban sắc tứ nên còn được gọi là Sắc Tứ Huệ Lâm.

 

 

Mái chùa

II.      Lịch sử di tích:

Cho đến nay chưa tìm thấy tài liệu nào xác định thời gian xây dựng chùa, nhưng theo nội dung một câu đối chạm trên thân cột ở chính điện thì chùa do bà Chiêm Thị Mai xây dựng. Khi phu nhân tổng đốc Đỗ Hữu Phương trùng tu vào năm Nhâm Tý (1912) thì ngôi chùa này đã có hơn 100 tuổi. Như vậy có thể chùa được xây dựng vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỳ 19.

Chùa Sắc Tứ Huệ Lâm thuộc hệ phái lâm tế (Trung Hoa) vào thế kỷ 17, thiền sư Nguyên Thiều truyền bá phái Lâm Tế vào Việt Nam. Trên bàn thờ tổ của chùa có bài vị hòa thượng Thích Quảng Thành, hòa thượng Thích Thiên Sự (đời 37 - 38 dòng Lâm Tế) - cùng thời với hòa thượng Thích Hải Tịnh (chùa Giác Lâm), hòa thượng Thích Chân Ứng (chùa Phụng Sơn), hòa Thượng Tích Minh Khiêm (chùa Giác Viên).

 

Các vị được thờ cúng ở chù Sắc tứ Huệ Lâm:

-       Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

-       Quán Thế Âm Bồ Tát

-       Địa Tạng Vương Bồ Tát

-       Văn Thù Bồ Tát

-       Phổ Hiền Bồ Tát

-       Đại Thế Chí Bồ Tát

-       Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai

-       Thập điện Diêm Vương

-       Di Lặc Bồ Tát

-       Địa Mẫu Nương Nương

-       Định Phúc Táo Quân

-       Chúa Tiên Nương Nương

-       Phúc Đức Chính Thần

-       Hộ Pháp

-       Ngọc Hoàng Đại Đế

-       Tổ Su Đạt Ma

-       Têu Diện Đại Sĩ

 

 

Đài Quan Âm ở sân chùa

 

Các vị được thờ cúng trong chùa: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Quan Thế Âm Bồ Tát, Địa Tạng Bồ Tát,…

III.      Khảo tả di tích:

Chùa Sắc Tứ Huệ Lâm là di tích kiến trúc nghệ thuật, các hiện vật trong di tích bao gồm: tượng phật (gỗ thạch cao), phù điêu (gỗ), hoành phi (gỗ), liễn (gỗ), cột gỗ có chạm câu đối ở chính điện và các bài vị thờ (gỗ).

Diện tích chùa khoản 1.200 m2. Khuôn viên chùa chia 2 phần: một là ngôi chùa cổ, một là khối nhà gồm tăng đường và lớp sơ cấp Phật học quận 8.

        1.       Ngôi chùa cổ: Diện tích khoản 1.200 m2,, là toà nhà năm gian hai chái có khoảng sân rộng phía trước, được xây theo kiểu kiến trúc cổ với tường gạch, mái ngói và bộ cột kèo bằng gỗ quí. Giữa sân có hai đài tháp thờ Quan Âm Bồ Tát và Di Lặc Bồ Tát

Chính diện: năm gian nhà chính điện là nơi thờ tự chính, chái trên bên trái là nơi thờ cốt bá tánh, văn phòng Ban Đại diện Phật giáo Quận 8, phòng tiếp khách, chái bên phải là nhà liêu dành cho các sư nữ.

Các  điện thờ chính điện được bài trì ở phía cuối chính điện, gian giữa thờ đức Phật Thích Ca, bên trái thờ Quan Âm Bồ Tát, bên phải thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Dọc theo bên trái chính điện có ba bàn thờ: Phía trong cùng là bàn thờ Thập điện Diêm Vương; bên trái bàn thờ Thập điện Diêm Vương là bàn thờ Địa mẫu nương nương; bên cạnh bàn thờ Địa mẫu có bàn thờ Quan Âm Bồ Tát.

Sát góc trái gần cửa ra vào đặt một giá chuông lớn với một địa hồng chung.

Dọc theo tường bên phải chính điện cũng có ba bàn thờ đạt đối diện với ba bàn thờ bên trái.

Chính giữa là bàn thờ Định Phúc Táo Quân, Chúa Tiên Nương Nương và Phúc Đức Chính Thần.

Tiếp theo có bàn thờ Hộ pháp và Ngọc Hoàng đại đế rồi đến một giá trống đăt gần cửa ra vào.

 

 

Mặt tiền

 

Tổ đường:

Tổ đường là nơi thờ Tổ sư của giáo phái và các đời trụ trì chùa, được đặt ở gian giữa, sát bức tường ngăn ách chính  điện và tổ đường, hướng ra sân thiên tỉnh. Ở vách tường bên trên bàn thờ tổ treo bức tranh vẽ Tổ sư Đạt Ma. Phía trên bức tranh này là tấm hoành phi “Tổ ngưỡng trùng quang” được làm nhân dịp trùng tu chùa.

Bàn thờ tổ bày mười linh vị của các vị hòa thượng đời thừ 37, 38, 39, 40, 43 của dòng Lâm Tế Phật giáo.

Trai đường

Tiếp nối với tổ đường là trai đường thờ Quan Âm Chuẩn Đề. Bên trên hương án, treo ở đả ngang một tấm hoành phi chạm chìm hàng chữ Hán “Sắc tứ Huệ Lâm tự”.

2.             Tăng đường và lớp sơ cấp Phật học quận 8:

Tào nhà này được xây hai tầng cách ngôi chùa cổ một lối đi khá rộng. Ngay đầu lối đi này có ngôi mộ tháp của Hòa thượng Thíc Chí Đạo húy Hồng Cẩn, đệ tử đời thứ 40 của dòng Lâm Tế chính tông.

Đi vào khoảng hơn 10m là đến dãy phòng  ở tầng trệt, được dùng làm phòng thờ bá tánh và 3 phòng học của lớp sơ cấp Phật học. Phòng lớn ở trong cùng là nhà bếp. dãy phòng trên lầu là phòng tiếp khách, nơi ở của ni sư Thích Giác Bổn, người đang quản lý chùa.

 

 

Phù điêu chạm nổi hình Văn Thù Bồ Tát

 

 

Một góc chính điện

Hoành phi “Sắc Tứ Huệ Lâm tự”

IV.              Các hình thức sinh hoạt văn hóa lễ hội:

Hàng năm, chùa tổ chức các ngày lễ lớn như Phật đản, Vu lan, Cát hạ an cư, lễ tu Phật pháp, truyền Bát Quan Trai và lễ giỗ các vị tổ.

V.              Giá trị của di tích:

Chùa Sắc Tứ Huệ Lâm là ngôi chùa cổ nhất trong hơn năm mươi ngôi chùa ở quận 8 và là một trong những ngôi chùa cổ ở thành phố Hồ Chí Minh. Trong quá trình hơn hai trăm năm tồn tại, chùa Huệ Lâm từng là một danh lam được vua Thành Thái ban sắc phong tặng. Ngày nay Chùa Sắc Tứ Huệ Lâm vẫn còn giữ được nét cổ kính với kiểu nhà năm gian hai chái, cột gỗ mái ngói cùng các hiện vật giá trị.

Mặc dù một số tượng gỗ quí gắn với thời kỳ đầu của chùa đã bị thất lạc, hiện ở Chùa Sắc Tứ Huệ Lâm vẫn còn các bộ tượng mang phong cách điêu khắc gỗ thế kỷ XIX như bộ tượng Thập Điện Diêm Vương và bốn Phán quan, bộ tượng Ngọc Hoàng - Nam Tào - Bắc Đẩu, tượng Hộ Pháp, tượng Tiêu Diện Đại sĩ. Một số tượng được thờ từ khoảng những năm 1960 như tượng Thích Ca Mâu Ni, Quan Âm Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát,… đều mang giá trị nghệ thuật nhất định. Các hiện vật như hoành phi, câu đối, bao lam,… thể hiện được nghệ thuật chạm khắc gỗ đầu thế kỷ XX, nổi bật là bộ sám bài gồm năm bức phù điêu chạm nổi một cách tinh xảo, sinh động hình ảnh Phật Thích Ca tọa thiền trên tòa sen, các vị Bồ Tát Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Thế Chí cưỡi trên linh thú.

 

Chạm trổ trên án thờ Quan Âm Chuẩn Đề

Ngoài giá trị kiến trúc nghệ thuật, lịch sử xây dựng và quá trình phát triển của Chùa Sắc Tứ Huệ Lâm phản ảnh sự phát triển của Phật giáo ở khu vực quận 8 ngày nay, một nơi dân cư còn khá thưa thớt vào cuối thế kỷ XVIII lúc chùa được xây dựng.

 

Bằng công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Sắc Tứ Huệ Lâm

VI.              Cơ sở pháp lý bảo vệ di tích

Nhìn chung, chùa Sắc Tứ Huệ Lâm là một ngôi cổ tự, cổ kính, trang nghiêm, cần được bảo tồn để giữ lại một di tích kiến trúc Phật giáo ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 12/10/2005, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định số 186/2005/QĐ-UBND về xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh thành phố và được khoanh vùng bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa Việt Nam.

VII.              Những tư liệu bổ sung – tham khảo:

Danh mục tu viện tịnh xá tịnh thất niệm Phật đường thành phố Hồ Chí Minh – Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, Báo Giác Ngộ - NXB thánh phố Hồ Chí Minh 2001.

 

 

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 32617    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm