Không biết từ bao giờ, mừng tuổi đầu năm đã trở thành một tục lệ không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Mặc dù cách đón Tết xưa và Tết ngày nay đã có ít nhiều thay đổi, nhưng tục lệ này vẫn sẽ luôn được gìn giữ và trở thành một phần không thể thiếu trong dịp Tết của người Việt Nam. Mừng tuổi không chỉ thể hiện qua lời nói suông mà còn được gửi gắm qua cái phong bao lì xì mang theo rất nhiều thông điệp tốt đẹp và ý nghĩa sâu xa.
Sự tích kể rằng, phong tục lì xì ngày Tết Nguyên đán bắt nguồn từ Trung Quốc. Theo truyền thuyết, có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa, thích xoa đầu trẻ con đang ngủ ngon giấc khiến chúng giật mình khóc thét lên. Hôm sau, trẻ đau đầu, sốt cao làm các bậc cha mẹ không dám ngủ để canh phòng. Có một cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi mới sinh được mụn con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà, biết trước cậu bé này sẽ gặp tai họa với yêu quái liền hóa thành 8 đồng tiền, ngày đêm túc trực bên bé. Sau khi chú bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại, đặt lên gối con rồi đi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện, vừa giơ tay định xoa đầu đứa trẻ thì từ bên chiếc gối lóe lên những tia vàng sáng rực khiến nó kinh hoàng bỏ chạy. Hai vợ chồng vui mừng đem chuyện kể lại cho mọi người nghe. Thấy việc lấy tiền bọc trong bao đỏ xua đuổi được yêu quái, giúp cho trẻ em mạnh khỏe an lành nên cứ Tết đến người ta lại bỏ tiền vào những phong bì đỏ cho trẻ em, còn gọi là tiền lì xì và nó dần dần trở thành phong tục tiền mừng tuổi hay còn gọi là lì xì ngày Tết.
Cũng từ đây, phong tục này du nhập vào Việt Nam và trở thành một phong tục truyền thống không thể thiếu mỗi dịp Tết đến. Với mong muốn đem lại những điều tốt đẹp nhất, những điều may mắn cho những người thân yêu trong gia đình ngay từ những ngày đầu năm mới, các thành viên thường dùng phong bao lì xì màu đỏ mừng tuổi cho nhau: con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ, cầu chúc cho cha mẹ sống an vui, hạnh phúc cùng con cháu. Cha mẹ mừng tuổi cho con kèm theo những lời chúc mau lớn, học giỏi, ngoan ngoãn... Theo tục lệ xưa, con cháu thường tập trung, quây quần về nhà ông bà, cha mẹ vào sáng mồng một tết Nguyên đán. Thường thì con cháu lần lượt nói lời chúc tết, chúc thọ và tặng quà hoặc một số tiền cho ông bà, cha mẹ mình. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ lì xì lại một phong bao màu đỏ, bên trong đựng một ít tiền gọi là lộc đầu năm. Vì sao người ta thường dùng bao lì xì màu đỏ. Bởi vì theo quan niệm của người phương Đông, màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc và tài lộc. Đó cũng là những gì mà người lì xì muốn gửi đến người được lì xì nhân dịp đầu năm. Ngày nay, bao lì xì với nhiều màu sắc kiểu dáng đa dạng, phong phú, bắt mắt kèm theo những lời chúc ngộ nghĩnh, dễ thương, thu hút giới trẻ và các em nhỏ.
Tuy nhiên, dù là bao lì xì màu đỏ hay màu xanh, vàng, hồng… thì những ý nghĩa tốt đẹp trong đó vẫn không thay đổi. Con cháu nhận được phong bao lì xì như nhận được tình yêu thương bao la của ông bà, cha mẹ dành cho mình và ngược lại. Lì xì không chỉ giới hạn trong ngày mùng một Tết mà có thể lì xì trong suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài tận những ngày cuối cùng của Tết như mùng 9, mùng 10.
Cũng với những ý nghĩa đó, khi khách đến thăm nhà vào những ngày Tết cũng không quên lì xì cho con cháu của gia chủ kèm theo lời chúc phúc đầu năm, đồng thời đón nhận lại những lời chúc sức khỏe, may mắn, phát đạt. Tiền lì xì ý nghĩa chính không nằm ở "tiền" mà quan trọng là lòng mong ước cầu chúc các cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành giỏi giang, tấn tới.
Với những ý nghĩa sâu xa và tốt đẹp đó, mừng tuổi bằng những chiếc bao lì xì vào dịp đầu năm mới được coi là nét văn hóa truyền thống đặc sắc trong Tết Nguyên đán. Để tiền mừng tuổi không chỉ có ý nghĩa cho bản thân mà còn mang tính nhân văn và đem lại ý nghĩa đối với cuộc sống, các bậc cha mẹ nên hướng dẫn con trẻ quản lý tiền bằng cách “nuôi heo đất”, bỏ tiền lì xì vào đó để giáo dục cho trẻ bài học thực tế, sinh động, cụ thể về tính tiết kiệm để làm việc có ích cho bản thân và cho xã hội. Những lúc muốn mua sắm đồ dùng học tập, quần áo, giày dép… trẻ có thể nhờ cha mẹ đập heo để mua. Hoặc có thể dạy trẻ biết dùng tiền mừng tuổi vào công tác từ thiện, sẻ chia, giúp đỡ đồng bào vùng sâu, vùng xa hoặc những nơi đang gặp khó khăn do thiên tai, hoạn nạn, đem đến cho họ chút hơi ấm của cái Tết đầy tình nghĩa. Hy vọng tục lệ tốt đẹp này vẫn sẽ luôn được gìn giữ và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt trong mỗi dịp xuân về.
Bích Ly – UBND Phường 14