Hạnh phúc của các bậc làm cha mẹ là được nhìn thấy con cái trưởng thành và nên người. Tuy nhiên kết quả giáo dục thành công hay thất bại tuỳ thuộc vào sự quan tâm giáo dục của cha mẹ ngay từ đầu. Thực tế cuộc sống đã chứng minh lời dạy của cha ông ta ngày xưa về việc giáo dục con cái vẫn còn nguyên giá trị:
Uốn cây từ thuở còn non
Dạy con từ thuở con còn đương thơ
Giáo dục con cái không phải chỉ là một bổn phận quan trọng, mà còn là một vinh dự lớn lao của bậc làm cha làm mẹ. Đó còn là việc trồng người, tạo nên những người hữu ích cho xã hội, Vì thế, giáo dục con cái không phải là một việc làm tuỳ hứng mà cần phải có một đường hướng, một kế hoạch và những phương pháp.
Khoa học chứng minh tính cách và lối sống của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến tâm tính và sức khoẻ của đứa con sau này. Tuy nhiên, thời gian thuận tiện nhất để trực tiếp giáo dục con cái, đó là khi đứa con bắt đầu có trí khôn, bắt đầu nhận biết về những điều cha mẹ dạy bảo. Lúc bấy giờ gia đình sẽ trở nên mái trường đầu tiên dạy cho đứa bé những bài học làm người. Trong mái trường đó, cha mẹ chính là người thầy, người cô dạy cho con trẻ bài học đầu đời. Khi trẻ đến trường, cha mẹ vẫn là người thầy quan trọng nhất trong việc giáo dục trẻ. Vì chỉ có cha mẹ mới là người gần gũi, hiểu biết và yêu thương con cái hơn hết. Do đó cha mẹ phải nhất trí với nhau trong đường hướng và phương pháp giáo dục con: Tìm hiểu tính tình, năng khiếu của con trẻ và phải biết dùng những phương pháp thích hợp để giúp chúng đạt được mục đích. Ngoài việc đồng tâm nhất trí với nhau, cha mẹ còn phải biết phối hợp với nhà trường và thầy cô giáo, tạo thành mối quan hệ gắn kết trong việc giáo dục con cái thành người.
Giáo dục có nghĩa là hướng dẫn, uốn nắn và làm cho con cái tốt đẹp hơn. Tuy nhiên việc giáo dục con cái không phải là việc làm trong một ngày, một tháng, một năm, hoặc tùy hứng mà phải là một việc làm thường xuyên, liên tục ngày này qua ngày khác, từ khi con mới bắt đầu tập đi, tập nói, cho đến tuổi trưởng thành. Vì vậy, việc đầu tiên cha mẹ cần thực hiện ngay, đó là phải tìm hiểu con cái, phải biết con cái nghĩ gì, muốn gì, nói gì và làm gì thì mới có thể hướng dẫn chúng một cách hữu hiệu. Điều gì tốt nơi con cái, cần biết duy trì và khích lệ để được liên tục phát triển, còn điều gì xấu, cha mẹ nhắc nhở bằng những lời lẽ ôn tồn và tế nhị, thành thực và yêu thương. Nếu không hiểu biết tâm lý của trẻ, công việc giáo dục của cha mẹ sẽ khó đạt được những kết quả mong muốn. Một khi có sự tìm hiểu tâm lý, tình yêu thương vô hạn đối với con cái, cha mẹ mới cảm thông và xích lại gần con cái hơn. Nhưng cũng đừng vì thương con mà cha mẹ nuông chiều con thái quá. Đứa trẻ được nuông chiều, muốn gì được nấy sẽ trở nên ích kỷ, đòi hỏi, không biết phải quấy, càng lớn càng khó dạy bảo.
Vậy nên, ngay từ lúc còn nhỏ, cha mẹ hãy dạy cho con biết kính trọng, vâng lời, biết giúp đỡ cha mẹ, quý mến ông bà. Hướng dẫn cho anh chị em phải biết yêu thương, nhường nhịn và chia sẻ cho nhau. Hãy cố gắng để dành thời gian chơi đùa, nói chuyện với con. Đó cũng thời điểm giáo dục hiệu quả nhất. Vì một khi đứa trẻ xem cha mẹ như một người bạn thì chúng mới dễ dàng tiếp nhận và lắng nghe những lời khuyên nhủ và chỉ dẫn của cha mẹ. Cha mẹ nên nhẹ nhàng khuyên nhủ con, đừng la hét, đánh mắng, đừng nói nhiều quá, đừng nói dai quá, khiến đứa con quen đi, sẽ coi thường lời nói của cha mẹ, đôi khi còn sinh lòng oán hận.
Tóm lại, cha mẹ nên nhớ muốn uốn cây, cần phải kiên nhẫn, bằng không nó sẽ gãy. Vì thế, lời người xưa quả thật không sai: Dục tốc bất đạt. Vội vã sẽ không thành. Trẻ con thường ham chơi và mau quên. Cho nên nói một lần mà thôi chưa đủ, chúng ta phải nói lần nữa và lần nữa. Chúng ta phải nhắc đi nhắc lại để những lời khuyên nhủ được thấm dần vào đầu óc của con trẻ. Và cha mẹ nên nhớ rằng: Đừng bao giờ thất vọng và nản chí trong việc uốn nắn, giáo dục con cái.
Bích Ly – P14