Giữa cái nắng cháy da cháy thịt của mùa hè, những công nhân Đội vệ sinh 3, Xí nghiệp Vận chuyển cơ khí, Công ty TNHH Một Thành viên Dịch vụ Công ích Quận 8 ngày nào cũng phơi mình vớt rác với hy vọng làm đẹp và hạn chế ô nhiễm cho dòng kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, nơi có tuyến du lịch đường sông nối liền Quận 8 với các quận trung tâm. Đây không chỉ là công việc vất vả, độc hại mà còn tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hiểm. Thế nhưng, anh Đinh Văn Việt (35 tuổi, ở xã Phong Phú, huyện Bình Chánh), công nhân Đội vệ sinh 3 đã trải qua 12 năm gắn bó với nghề vớt rác trên sông.
(Ảnh: Anh Việt đang lái tàu chở rác)
Gắn bó với nghề “cha truyền con nối”
Do tính chất công việc ngoài trời, lại trên sông nước nên đôi khi không tránh được rủi ro. Vì vậy, đối với công nhân vớt rác đòi hỏi phải có tâm huyết với nghề. Và gia đình anh Đinh Văn Việt đã có truyền thống làm nghề công nhân vệ sinh, từ đời cha anh, đến đời anh và 3 người em cũng mưu sinh bằng nghề này. Vì vậy, trước khi bước vào nghề, anh và các em được cha truyền lại kinh nghiệm, hướng dẫn cách thức mở càn vớt rác, cột dây, mở dây, cách đi đứng trên tàu để tránh gặp sự cố, tai nạn. Tuy nhiên, lúc mới bước vào nghề, anh cũng thường bị té sông vì trời mưa, trơn trợt. Nhiều anh em trong đội còn bị kim tiêm đâm vào, phải chích ngừa. Có khi vớt được cả xác người chết trôi, khiến nhiều anh em sợ hãi, bỏ chạy nhưng anh Việt vẫn kè xác vào bờ rồi báo cáo cấp trên trình chính quyền địa phương giải quyết. Vất vả, nguy hiểm là thế nhưng anh Việt không có ý định chuyển nghề khác mà quyết định gắn bó với cái nghề được mọi người cho là nghề “cha truyền con nối”. Đến nay, không chỉ có nhiều kinh nghiệm trong nghề anh còn đem những kỹ năng đó truyền lại cho những đồng nghiệp trẻ. Cứ thế, 12 năm qua anh Việt luôn được mọi người trong Xí nghiệp quý mến bởi bản tính hiền lành, chân chất và rất nhiệt tình. Anh Việt tâm sự: “Mình biết gì thì chỉ lại người khác cái đó, nhiều người cùng làm tốt thì công việc mới trôi chảy”.
(Ảnh: Tát nước khỏi khoang tàu)
Công việc “dã tràng xe cát”
Mặc dù ngày nào công nhân vệ sinh cũng vớt rác cật lực, bất kể trời nắng hay mưa nhưng rác vẫn cứ nhiều như chưa được vớt bao giờ. Lượng rác ngày một nhiều hơn và tỷ lệ thuận với sự phát triển của kinh tế đô thị. Theo chân các anh đi vớt rác, chúng tôi phần nào hiểu được sự cống hiến thầm lặng để góp phần mang lại sự trong lành cho dòng kênh Tàu Hũ – Bến Nghé. Mỗi ngày Đội vệ sinh 3 vớt được từ 35 đến 37 tấn rác đủ loại, những tháng cao điểm trước và sau tết, có ngày lên 40 đến 50 tấn. Rác vứt xuống kênh có đủ loại, từ rác sinh hoạt hàng ngày như vỏ dừa, chôm chôm, sầu riêng, túi nylon đến bàn ghế, tủ cũ, lục bình… Qua đó, có thể thấy ý thức của nhiều người dân về việc giữ gìn và bảo vệ môi trường sống chưa tốt. Nguyên nhân là do họ chưa hiểu được tác hại của việc ô nhiễm môi trường đối với cuộc sống của chính họ và người thân. Anh Việt tâm sự: “Trước đây, vớt rác bằng tay nên công nhân vệ sinh rất cực khổ. Hiện tại đã có túi vớt rác điều khiển bằng máy nên đỡ vất vả và nhanh hơn. Mới bước vào nghề một số người thường xuyên ụa ói rồi bỏ cuộc. nhưng tôi thì quen rồi, thế mà nhiều hôm trời nắng, mùi tanh xông vào mũi, rất khó chịu”. Được biết, anh Việt đã gắn bó với nghề vớt rác từ năm 2001 đến nay, từ lúc tiền lương chỉ trên dưới 1 triệu đồng/tháng, đến nay mỗi tháng tổng thu nhập của anh được gần 5 triệu đồng. Thế nhưng nếu không có bà xã anh phụ giúp, không có nhà cửa cha mẹ cho ở thì cuộc sống sẽ rất chật vật. Tuy công việc vất vả và luôn tiềm ẩn nhiều hiểm họa khó lường đối với sức khỏe nhưng tất cả công nhân Đội vệ sinh 3 đều có chung mong muốn thật giản dị: Người dân sống hai bên bờ sông hãy có ý thức hơn, không nên vứt rác bừa bãi, hay thải nước sinh hoạt xuống sông, gây ô nhiễm nguồn nước và làm mất mỹ quan đô thị.
(Ảnh: Anh Việt hỗ trợ đồng nghiệp móc túi rác vào cần cẩu)
Tự giác học tập để vươn lên trong nghề
Qua các buổi sinh hoạt chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do đơn vị tổ chức, anh Việt hiểu được cuộc đời gian khổ và quá trình phấn đấu vươn lên của Bác Hồ. Học tập và làm theo Bác, anh vừa đi làm vừa tranh thủ thời gian đi học bằng kinh phí tự túc. Và năm 2012, anh được nhận bằng “Thuyền Trưởng – phương tiện thủy nội địa, hạng ba” do Sở Giao thông vận tải Tp.HCM cấp. Từ đó, anh được công ty cho chuyển sang điều khiển tàu vớt rác trên sông. Tuy nhiên, công việc này cũng không hề đơn giản. Cứ đi được vài mét, thuyền lại phải dừng vì rác và giẻ rách dưới lòng sông quấn chặt lấy cánh quạt động cơ. Vì vậy, đòi hỏi người thuyền trưởng phải nắm thật chắc nguyên lý vận hành và cách sửa chữa động cơ, cánh quạt để khắc phục lúc gặp sự cố. Khi được hỏi về những dự định trong tương lai, anh Việt chia sẻ: “Làm lâu rồi thành quen và tôi cảm thấy yêu nghề vì nó phù hợp với khả năng của mình. Nếu có thời gian và điều kiện, tôi sẽ tiếp tục học để lấy Bằng thuyền trưởng hạng nhì, hạng nhất”. Đội trưởng Đội Vệ sinh 3, anh Đoàn Hồng Nhanh cho biết: “Anh Việt rất có ý thức học hỏi, tìm tòi, không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng chia sẻ khó khăn và giúp đỡ anh em đồng nghiệp”
Hy vọng những dự định của anh Việt sẽ được thực hiện, để anh có thêm điều kiện phát triển và thành công trong nghề nghiệp. Các cấp, các ngành địa phương cần đẩy mạnh việc tuyên truyền về tầm quan trọng của nguồn nước, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường sống, góp phần xây dựng Quận 8 của chúng ta ngày một xanh, sạch hơn./.
Bích Ly