SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
2
7
9
1
1
0
8
Giới thiệu 27 Tháng Giêng 2014 3:30:00 CH

Gói bánh chưng, bánh tét để cúng tổ tiên, ông bà

Đó là quan niệm của không ít gia đình người Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm.

Trong không khí đón chào một cái Tết sum vầy, đầm ấm, bên cạnh việc chuẩn bị những thức ăn ngon, những trái cây tươi mọi người còn gói bánh chưng hoặc bánh tét để cúng tổ tiên, ông bà, cầu xin một năm mới nhiều tài lộc, làm ăn khấm khá, dư giả, những điều không may qua đi và những điều tốt đẹp sẽ đến.

Không gói bánh... không thấy không khí Tết

Bánh chưng, bánh tét là món ăn truyền thống của dân tộc ta, là thực phẩm không thể thiếu, dùng để cúng tổ tiên, làm quà biếu người thân, bạn bè, cũng như tiếp đãi khách đến nhà nhân dịp xuân mới. Việc gói bánh ngày Tết đã trở thành thông lệ của nhiều gia đình. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ 9X sống tại các thành phố lớn dường như không có được cái cảm giác náo nức chờ đón ngày được cùng người thân gói bánh và thay phiên nhau canh lửa. Cuộc sống hiện đại với nhiều bộn bề, lo toan đã làm cho tục gói bánh chưng, bánh tét ngày Tết có vẻ như chỉ còn là một nghi thức. Thế nhưng, không ít gia đình vẫn gìn giữ được truyền thống ý nghĩa này. Nhiều gia đình ở Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và ờ Quận 8 nói riêng vẫn duy trì gói Bánh chưng, bánh tét vào 27, 28 tháng Chạp hàng năm như gia đình: ông Quách Huy Bính, Phường Nguyễn Cư trinh, Quận 1; chị Đỗ Thanh Bình, Quận 11; anh Lê Đăng Hòa, Phường 1, Quận 8; dì Đào Thị Lán, Phường 16, Quận 8... Chị Nguyễn Thị Hiền, Khu phố 6, Phường 16 Quận 8 quan niệm: “Tết đến mà không gói bánh thì không thấy không khí tết”. Cụ Tôn, Phường 1 Quận 8 chia sẻ: “Năm đứa con tôi đều biết gói bánh chưng, tết năm nào cả nhà cũng gói để con cháu nhớ tục lệ của ông bà, tổ tiên”. Có lẽ, sau một năm vất vả, bận bộn với công việc, đây là dịp để mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, mỗi người chuẩn bị một công đoạn và tự tay gói những chiếc bánh thật đẹp, thật thơm ngon. Trong quá trình gói bánh từ 5 đến 7 tiếng (tùy theo số bánh cần gói và số người tham gia), mọi người có thể chuyện trò, trao đổi với nhau những vui buồn trong công việc, cuộc sống, để thêm hiểu nhau và thêm gắn bó, yêu thương gia đình.

 

 

Bánh chưng và bánh tét có liên quan với nhau

Bánh chưng và bánh tét có cùng nguyên liệu như: nếp, đậu xanh, thịt ba rọi. Nhưng truyền thống xưa nay, miền Bắc gói bánh chưng bằng lá dong (lá dung), miền Nam gói bánh tét gói bằng lá chuối. Tuy nhiên, hiện tại, bánh chưng cũng đã trở thành món khoái khẩu của nhiều gia đình người Nam trong những ngày Tết, trong mâm cỗ cúng tổ tiên, ông bà của họ xuất hiện cả hai loại bánh, biểu trưng cho sự vuông tròn, sum họp. Theo Giáo sư Trần Quốc Vượng: bánh chưng và bánh tét có liên quan với nhau, bánh chưng nguyên thủy có hình tròn và dài, giống như bánh tét… bánh tét là dạng nguyên thủy của bánh chưng. Tuy nhiên, bánh tét chỉ nấu trong khoảng 7 đến 8 tiếng, vớt ra và treo trên giá còn bánh chưng phải nấu từ 11 đến 12 tiếng thì vớt ra và rửa lại bằng nước lạnh cho sạch sau đó xếp thành tầng và ép cho dẽ bánh. Do đó, bánh tét thường để được lâu hơn bánh chưng và bánh chưng thì dẻo, mềm hơn bánh tét.

Duy trì việc gói bánh ngày Tết...là góp phần gìn giữ những truyền thống tốt đẹp.

Nói đến ẩm thực truyền thống không thể không nhắc đến bánh chưng và bánh tét. Được gói bánh mỗi dịp xuân về là niềm hân hoan, chờ đợi của nhiều thế hệ. Những chiếc bánh đẹp, đầy đặn được đặt trên bàn thờ như nhắc nhở mọi thành viên trong gia đình phải biết quý trọng những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Truyền thống vẫn còn đó, nhưng dường như không còn mấy nguyên vẹn, nhiều người do bận làm ăn, không còn tha thiết với việc gói bánh hoặc biết gói nhưng vì lớn tuổi, không có sức khỏe để làm, con cháu thì không biết, cũng không muốn học gói... Công cụ để nấu chín bánh ngày nay có nơi, có chỗ bị thay thế bằng nồi áp suất hoặc lửa ga cho tiện và nhanh. Song chắc chắn chiếc bánh sẽ không thơm, ngon nấu bằng lửa củi. Vì thời gian ninh trên bếp lâu, các chất như thịt, nếp, đậu nhừ, tiêu có đủ thời gian hòa quyện vào nhau, tạo thành hương vị tổng hợp độc đáo, đồng thời mang một triết lý sống chan hòa, đoàn kết của dân tộc ta. Dù sao hình ảnh những chiếc bánh chưng, bánh tét ngày Tết vẫn nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Trong tâm thức của cộng đồng người Việt, bánh chưng, bánh tét là món ăn độc đáo, là đặc sản của hai miền Nam, Bắc trong những ngày Tết, thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, ông bà và quê hương đất nước. Nhân dịp Tết đến Xuân về, mỗi gia đình nên cố gắng thu xếp thời gian, tự gói những chiếc bánh chưng, bánh tét và nấu bằng bếp lửa để góp phần bảo tồn nét đẹp tập quán, văn hóa sống của người Việt Nam.

 

(Bích Ly – BTG QUQ8)


Số lượt người xem: 10414    
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm