SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
2
7
5
7
4
2
5
Giới thiệu 08 Tháng Giêng 2014 5:15:00 CH

Ngày tết nói chuyện cái bếp lò

Ngày 23 tháng chạp hàng năm, gia đình nào cũng thực hiện phong tục cúng tiễn ông Táo về trời. Sự tích Ông táo có liên quan đến cái bếp lò. Thế nhưng những những giá trị văn hóa về nó đang dần bị mai một.

Từ xa xưa, bếp lò đã gắn bó với đời sống người dân Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, giờ đây hình ảnh ấy đã trở thành một miền ký ức sâu thẳm trong tâm trí của những người con vùng đất Sài Gòn. Có lẽ đã lâu lắm rồi nhiều người không còn sử dụng cái bếp lò mà thay vào đó là bếp gas, bếp điện từ để thuận tiện hơn trong việc nấu nướng và phù hợp với kiểu nhà đô thị.

Không thể phủ nhận sự tiện ích của các loại bếp hiện đại, nhưng những ai đã từng dùng bếp lò cũng công nhận nấu cơm bằng bếp lò sẽ thơm, ngon hơn. Đặc biệt nồi đất mà nấu trên bếp lò thì cơm vừa dẻo, thơm, vừa có độ cháy giòn rất ngon. Ở quê, trong lúc nấu cơm người ta còn nướng khoai, nướng cua trong bếp. Mùi thơm của thịt cua nướng quyện cùng khói bếp bốc lên một mùi thơm không thể tả, tạo cảm giác thanh bình đến kỳ lạ.

Tết đến, nhà nào cũng nấu bánh chưng, bánh tét. Nếu nồi nhỏ thì dùng bếp lò, nồi lớn thì lấy gạch kê lên 3 cạnh thành cái bếp lớn, rồi các thành viên trong gia đình thay nhau canh đến sáng. Khi nhà có đám cưới, đám giỗ cần dùng đến nhiều bếp, cái bếp lò được mang sang bên hông nhà, sau chái bếp hoặc bất kỳ nơi nào có chỗ đủ rộng để các bà, các chị xúm xít đun lửa và nói cười rôm rả.  

Cái bếp lò không chỉ dùng để nấu mà còn là vật dùng trong các tục cúng bái như tục cúng về nhà mới. Người Việt xưa, trong lễ nhập trạch (cúng nhà mới) không thể thiếu cái bếp lò đang đỏ lửa. Khi dọn đến nhà mới, gia chủ đặt cái bếp lò đang đỏ lửa vào giữa nhà, bỏ muối vào tạo thành những tiếng nổ để xua đuổi điều xấu, cầu mong mọi điều an lành, gia đình êm ấm, hạnh phúc cho gia chủ và khai bếp nấu nước trà để cúng trời, đất, tổ tiên, ông bà. Cái bếp lò còn dùng trong tục nằm than của phụ nữ sau khi sinh. Theo phong tục xưa,  phụ nữ sau khi sinh em bé về, người nhà đặt cái bếp lò đốt bằng than để trước cửa, để sản phụ  bước qua nhằm xua đi ô uế và những điều xấu. Sau đó được đặt dưới giường người phụ nữ để sưởi ấm cho bà mẹ và em bé mỗi ngày.   

Cái bếp lò còn là nơi “ngự trị” của ông Táo - người ghi chép mọi chuyện tốt, xấu trong mỗi gia đình để ngày 23 tháng chạp hằng năm cưỡi cá chép bay về trời tâu với Ngọc Hoàng. Sự tích “Ông táo” biểu hiện cho sự chung thủy, sắt son của tình chồng, nghĩa vợ. Cái bếp từ ngàn xưa đã trở thành hình tượng nhắc nhở các thành viên trong gia đình sống cho phải đạo, cố giữ gìn nền nếp, phép tắc, êm ấm trong gia đình. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người dù đi đâu, làm gì vẫn muốn về nhà cùng vào bếp, cùng ăn bữa cơm gia đình, để giữ bếp nhà luôn đỏ lửa, để không khí gia đình luôn nồng ấm, hạnh phúc. Hình tượng cái bếp đã trở thành hình tượng của gia đình, của sự sum họp, đoàn viên. 

Xưa kia, vùng đất quận  8 là nơi có làng nghề làm lò đất nung, nhiều nhất là khu vực cầu Hiệp ân, khu vực cầu Lò gốm. Ngày nay, do quá trình đô thị hóa, việc sản xuất lò đất không còn phù hợp ở trong khu dân cư, đồng thời việc chuyển sang sử dụng các loại bếp hiện đại đã làm nó dần mất đi. Có một điều thú vị, tại quận 8 vẫn còn sót lại một cơ sở làm lò đất, đó là cơ sở lò đất của Anh Năm Tiếp, nằm ngay dưới chân cầu Rạch Cây, thuộc khu phố 6, phường 16, quận 8.  

Đến đây, chúng tôi rất lấy làm lạ, vì hiện nay còn mấy ai sử dụng bếp lò mà ở cơ sở của anh vẫn sản xuất liên tục, thợ làm liền tay không nghỉ. Hỏi ra mới biết, hầu hết các cơ sở ở khu vực này đã đóng cửa, chỉ còn mình anh giữ nghề truyền thống nên “một mình một cõi”. Với nhiều mẫu mã đa dạng, phong phú, bền, đẹp, màu sắc tươi sáng phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Hiện tại, bếp lò của anh không chỉ cung cấp cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh thành trong nước như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Đaklak, Lâm Đồng, Khánh Hòa mà còn xuất khẩu sang các nước Thái Lan, Singapore, Nhật …   

  

 

(Ảnh: Ông Năm Tiếp - chủ cơ sở sản xuất bếp lò ở Phường 16 Quận 8)

 

Điều anh lo không phải là không có thị trường đầu ra, mà anh lo rồi đây, lớp thợ già qua đi, ai sẽ là người kế thừa nghề truyền thống này, bởi lẽ muốn làm được nghề này đòi hỏi phải có lòng yêu nghề, khéo tay, cần cù, chăm chỉ.

Cái bếp lò theo năm tháng rồi sẽ mất đi, đó là quy luật, dòng đời sẽ cuốn trôi những gì không còn phù hợp. Chúng ta không tiếc một bếp lò mất đi mà ta tiếc những giá trị của nó. Cái bếp gas, bếp điện liệu có đủ sức truyền tải những giá trị tinh thần như cái bếp lò ngày xưa không? Dù sao đi nữa, chúng ta vẫn phải đón nhận cái mới, nhưng những giá trị văn hóa của cái bếp lò cần được trân trọng và gìn giữ nhất là gìn giữ “nếp nhà” trong mỗi gia đình.

Tìm hiểu về Lò gốm cổ Hưng Lợi Phường 16 Quận 8

 

 (Ngọc Diễm – Ban Tuyên giáo Quận ủy)

 

 


Số lượt người xem: 11293    
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm