Từ cầu Bà Tàng (phường 6) đi khoảng 300m theo con rạch Bà Tàng thấy một cù lao nhỏ khoảng 2 ha, trên đó có một kiến trúc uy nghi, cổ kính. Đó là Định Bình Đông mà trước đây nhân dân gọi là Bình Đông Hội quán.
Đình được xây dựng ngày 28/11/1852, vào thời vua Tự Đức năm thứ năm. Lúc đầu đình chỉ là ngôi nhà lá, dùng là nhà làng cho dân quanh vùng đến hội họp và cúng bái. Năm 1922, đình được xây lại bằng gỗ, vách ván tương đối vững chắc. Năm 1930, đình được xây bằng gạch, mái lợp bằng ngói. Đến năm 1950, đồng bào địa phương đóng góp chỉnh trang lại đình theo kiến trúc mới còn lưu lại đến ngày nay. Năm 1968, máy bay mỹ oanh tạc dữ dội ở vùng này, một quả bom rơi xuống gần đình, nhiều kiến trúc xung quanh đình bị hư hại nặng. Năm 1970 bà con quanh vùng đã đóng góp tu bổ lại ngôi đình.
Định Bình Đông nằm trên một cù lao với kênh rạch bao quanh trông như một hòn đảo nhỏ trên sông. Đình là một thắng cảnh nổi bật của quận 8, là nơi tham quan du lịch đối với những người yêu thích phong cảnh thiên nhiên. Đình còn là di tích lịch sử quí giá của quận. Tại đây từ năm 1925 đến năm 1929, bác Tôn Đức Thắng – người chiến sĩ Cộng sản, người con ưu tú của Tỏ quốc đã chọn nơi đây để hoạt động cách mạng. Người đem tài liệu do Bác Hồ gửi về tuyên truyền giác ngộ đội ngũ công nhân và nhân dân quanh vùng nhà máy rượu Bình Tây, các nhà máy xay ở Bình Đông, các nhóm dân cư và phố chợ Rạch Cát, Xóm Cũi… bác Tôn Đức Thắng đã chọn Định Bình Đông làm nơi hội họp và làm địa điểm liên lạc của Công hội đỏ vùng Sài Gòn-Chợ Lớn do chính người sáng lập ra.
Năm 1930, để chào mừng Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, tại cây cao nhất của đình, cờ búa liềm phất phới tung bay trong gió, báo hiệu một thời kỳ mới: thời kỳ của cách mạng vô sản, của người yêu nước chống ngoại xâm tiến lên dưới ánh sáng cách mạng do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo.