SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
2
7
5
9
1
0
2
Giới thiệu 18 Tháng Chín 2012 4:25:00 CH

Điều chưa biết ở nghĩa trang đồng nhi Pleiku: Lá thư âm phủ

Tây Nguyên vào những ngày tháng Tám trời mưa không dứt. Những cơn mưa nối nhau từ ngày này qua ngày khác, đến cả đá núi cũng lạnh ngắt như những tảng băng. Cảnh trời mưa giá buốt khiến cha Đông (linh mục Nguyễn Văn Đông, ở nhà thờ Đức An thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai) nhớ lại những câu chuyện đã thành dấu ấn khắc ghi trong lòng. Trong 20 năm trời góp nhặt thai nhi và lập nên nghĩa trang 14.000 ngôi mộ cho các sinh linh bé nhỏ này, có những câu chuyện khiến ông không thể nào quên được.

Lá thư âm phủ

Không rõ cái năm 2004 có gì đặc biệt, mà khiến cha Đông chứng kiến những chuyện ấn tượng mạnh không thể nào quên. Hôm đó nhằm lễ Giáng sinh. Cha Đông đang khâm liệm cho một cháu bé. Vừa lúc đó có một cô gái người Ja Rai bước vào. Cô nói với cha Đông: "Nghe nói ông có nhận con, vậy tôi đem con cho ông. Nó ở trong cái gùi này". Nói xong cô gái đã nghiêng gùi…

Vừa mở bọc nilon, ông lạnh toát sống lưng: Một thai nhi đã thành hình hài, cháu bé đỏ hỏn đã tắt thở. Đã tự tay mình chôn cất hàng ngàn bào thai, nhưng chưa lần nào ông có cảm giác ớn lạnh như lần này. Đứa bé là kết quả tình yêu của cô với một thanh niên trong làng. Nhưng luật làng thì vô cùng nghiêm khắc. Làng không chấp nhận những người mang bầu trước, vì làm như vậy thì Yàng  sẽ trút cơn giận xuống làm cho người làng và trâu bò bị bệnh chết, lúa bắp trên rẫy bị mất mùa. Sợ bị phạt trâu phạt heo rất nặng và bị bêu xấu, nên cô gái đã không dám giữ lại cái bào thai.

Ngay trong đêm Giáng sinh ấy, hai linh hồn bé bỏng được an ủi. Đứa bé người Kinh ông đặt tên là Võ Minh Giáng Sinh. Còn cháu bé con của cô gái dân tộc Ja Rai, ông đặt cho cháu tên là Nay Noel. Đêm Giáng sinh ở Tây Nguyên bao giờ cũng lạnh nhất trong năm. Gió rét căm căm như những nhát dao cứa vào da thịt. Nhưng đêm đó cha Đông thấy ấm lòng. Hai ngôi mộ nho nhỏ được đắp kề nhau, khói hương ấm áp.

 

 

 

Hàng ngày có nhiều người đến đây hương hoa, chăm sóc các cháu

 

Từ hơn chục năm trước, cha Đông đã  đi thu lượm, góp nhặt các hài nhi bị bỏ rơi, đem về nghĩa trang Pleiku mai táng. Đa số là các thai nhi được bỏ bên vệ đường, trên các nấm mộ trong nghĩa trang, kể cả treo trên cành cây. Các bào thai có khi là một hình hài nguyên vẹn, có khi chỉ là một cục máu đỏ hỏn quấn vội trong tấm vải hay quần áo cũ... Những cô gái trót dại đã hủy đứa con của mình nhưng xấu hổ nên phần lớn thuê xe ôm đem đến chôn. Những mộ phần lén lút chôn vội vã nên đào nông choèn, chôn lấp sơ sài, mưa gió làm xói lở, làm lộ ra những thứ đã chôn.

Những hình ảnh đó khiến lòng cha Đông đau đáu không yên. Nằm trong lòng đất chật hẹp sơ sài vậy, các cháu lạnh biết bao nhiêu! Ông thiết tha mong muốn các cháu cũng có những nấm mồ nếu không đẹp đẽ thì cũng phải chắc chắn. Cha Đông đem ý nghĩ của mình bày tỏ với ông Tư, một phật tử ở một ngôi chùa tại TP Pleiku đang quản lý nghĩa địa. Một bên là Phật, một bên là Thiên Chúa hợp ý nhau. Ông Tư mừng rỡ cho biết từ lâu ông cũng muốn xây mộ cho các cháu nhưng không có điều kiện. Từ đó, ông Tư nhận phần việc đi cắm cọc để cha Đông xây mộ. Sau 5 ngày cha Đông thuê người xây xong 850 ngôi mộ. Thời điểm năm 1995, chi phí xây dựng mỗi ngôi mộ là  50 ngàn đồng.

 

 

 

Mai táng cho một bào thai bị bỏ rơi

 

Tuy nhiên còn hàng ngàn ngôi mộ thì lấy tiền đâu mà xây? Nhiều đêm nghĩ ngợi, cuối cùng ông quyết định huy động từ cộng đồng giáo dân và kể cả người ngoại đạo có lòng từ tâm. Một đêm thao thức, cha Đông đã soạn một bức thư với những lời tâm sự thiết tha đọc lên nghe nhức nhối tâm can:

"Âm phủ, 0 ngày 0 tháng 0 năm

Kính gửi những người đang được quyền sống. Kính gửi ông bà nội ngoại, cô bác cậu dì của con. Kính gửi ba má chưa lần nào con được nhìn thấy mặt. Con muốn xin một nấm mồ. Xin hãy thay ba con thương con. Xin hãy thay má con thương con. Ba ơi ba đừng chối bỏ con mãi mãi. Má ơi má hãy thương con dù chỉ một lần thôi, con đã được an ủi lắm vậy. Xin hãy cho con một nấm mồ…".

Thư gửi đi được nhiều người hưởng ứng. Và đến giờ, vị linh mục đã có thể yên tâm khi có thai nhi thì ông đủ sức xây mộ cho cháu bé. Thi thể cháu được tẩm liệm sạch sẽ, đựng trong quan quách, mai táng cẩn thận. Mộ có chiều ngang 0,8m, dài 1,2 m, bên trong có núm tròn như hình bầu rốn, hình bầu ngực mẹ. Mộ được xây đàng hoàng chắc chắn, đủ sức chống lại gió mưa bão bùng bên ngoài.

Nay thì cha Đông không còn một mình đơn lẻ. Ông Hữu Phước là chủ DNTN Trung Nghĩa tại thành phố Pleiku, người dân quanh khu nghĩa địa này quen gọi là ông Sáu hay "bố Phước". Buổi chiều nọ ông nhìn thấy một cô gái đi xe máy đến nghĩa địa, đặt một cái bọc trên một ngôi mộ. Cô đứng tần ngần, nhìn cái bọc một lúc lâu rồi mới đi. Ông đến mở bọc ra xem thì thấy một thi hài bé bỏng tím tái. Ông đưa đi chôn cất cẩn thận. Hôm sau ông lên nghĩa địa thăm mộ, lại gặp một bào thai khác trong một túi nilon ai vứt bên đường. Hình ảnh những bào thai vô tội bị vứt bỏ lăn lóc cứ ám ảnh tâm tư ông. Cứ nghĩ các cháu như cục máu đỏ hỏn bị bỏ rơi giữa trời lạnh lẽo, là lòng ông quặn lên những cơn xót xa. Vậy là ngày ngày ông lên đây gom nhặt bào thai, chăm sóc mộ phần.

Tại nơi đây, ông và 3 người làm công việc lau dọn, chăm sóc mộ thuê là anh Nguyễn Văn Lễ, anh Nguyễn Phước Phụng và cụ bà Lê Thị Tâm đã ngoài 70. Cha Đông gọi bà là "bà ngoại Đồng Nhi". Chung một tình thương dành cho các sinh linh nhỏ bé, ngày ngày những con người này cùng nhau đi gom nhặt những bào thai tội nghiệp, đem về chôn cất. Tiền bạc làm lụng tích cóp bao nhiêu năm trời, ông Phước đem mua quan quách, vật dụng tẩm liệm cho các cháu.

Cứ vậy, từ nhiều năm qua tự tay mỗi người đã chôn cất cả nghìn cái bào thai. Đến nay nghĩa trang có 14.000 ngôi mộ. Bên trong là một nhà thờ, như là ngôi nhà chung cho các cháu, lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Từ chỗ là một cõi hoang vu, nay hàng ngày người từ nhiều nơi đổ về, cắm hoa, thắp hương, cầu nguyện. Lòng cha Đông và những người làm công việc này cũng được ấm áp.

 

 

 

Một buổi cầu siêu tại nghĩa trang đồng nhi

 

Ngôi nhà cho bà mẹ giữ gìn mầm sống

Biết đây là nơi chôn cất thai nhi nên người ta đem bào thai đến bỏ nhiều. Sau một đêm, sáng ra trong nghĩa địa có tới gần chục túi đựng hài nhi vung vãi hoặc chôn lấp vội vàng. Ông Sáu bảo anh Lễ và Phụng xây một tấm bảng khắc dòng chữ "Xin đừng vùi lấp vứt bỏ, hãy đặt các con nơi đây để cô chú giúp đỡ". Từ đó mỗi sáng ra lại thấy dưới tấm bảng tập kết những bịch đen đựng hài nhi tím lịm. Rồi ông Phước liên hệ với cánh xe ôm, dán số điện thoại khắp nơi, gửi đến các nhà hộ sinh. Cứ ở đâu gọi, ngày hay đêm, mưa tầm tã, hay nắng rát da, dù đang ngủ hay đang ăn, cứ có điện thoại là họ lại tung chăn, bật cửa, chạy đi đón các cháu về chôn cất.

Một lần nghe điện thoại, biết người mẹ chưa phá bỏ bào thai, anh Phụng khuyên giữ lại. Khi nghe người mẹ nói sợ không có tiền sinh nở và nuôi con, anh hứa rằng sẽ cho mượn 5 triệu đồng. Đứa bé có tên Cu Triệu từ đó. Tính đến nay đã có 6 cháu bé chào đời nhờ được khuyên ngăn. Tuy nhiên các bà mẹ trẻ sinh con ra vẫn không dám nuôi, nên 3 cháu được gửi vào chùa, 3 cháu cho làm con nuôi. Thấy tình cảnh này, cha Đông lại quyết định xây nhà tình thương cho các bà mẹ trót dại.

 

 

 

Anh Phụng đang tẩm liệm cho một hài nhi

 

Mô hình  này là cha đưa các cô gái trót mang bầu vào đây ở và chăm sóc các bé mồ côi. Cha Đông hy vọng trong quá trình chăm sóc trẻ,  những bà mẹ tương lai này sẽ có tình yêu thương với trẻ con và yêu thương đứa bé trong bụng mình, từ đó sẽ từ bỏ ý định phá bỏ bào thai. Đã có 3 ngôi nhà tình thương được xây dựng, 2 ở Pleiku và 1 ở Kon Tum.

Từ năm 2004, ngôi nhà tình thương tại nhà tu của các nữ tu Chư Á thành phố Pleiku đã đón cô gái mang thai đầu tiên. Hàng ngày các cô được giao làm những việc nhẹ nhàng để được khuây khỏa, quên bớt nỗi lo lắng ưu phiền. Trong đó, việc chăm sóc các cháu bé được đặc biệt chú trọng để các bà mẹ này có dịp gần gũi, khơi dậy tình mẫu tử thiêng liêng. Tối đến, các bà mẹ tương lai này vẫn đọc kinh, cầu nguyện để tâm được an, thần được định.

Nhà mang tên Đồng Tâm xây cạnh Bệnh viện Gia Lai có một mô hình khác hơn. Ở đây có một nồi cơm tình thương do chính các bà mẹ mang bầu này đảm trách việc nấu nướng và chia cơm cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Công việc này giúp các bà mẹ có cơ hội tiếp xúc với những thân phận, cảnh đời đáng thương, mục đích là để đánh thức lòng trắc ẩn của các bà mẹ, biết thương người thương mình mà bỏ đi ý định phá bỏ thai nhi. 

Cứ như vậy, ngày nối ngày, nỗi buồn qua đi, rồi ngày khai hoa nở nhụy cũng đến. Những người mẹ sinh con ra nếu không nuôi thì cha Đông giữ lại nuôi. Rồi những người mẹ mang bầu khác lại tiếp tục chăm sóc các bé này. Lớn lên một chút, các cháu được cha gửi cho các nhà thờ, nhà chùa. Người mẹ sinh xong không chốn nương thân, ông nuôi cả mẹ lẫn con, giúp sức hỗ trợ tìm kiếm việc làm, chủ yếu vẫn là chăm sóc các cháu không cha không mẹ, hoàn cảnh éo le.

Cứ như vậy, gần chục năm qua, 3 ngôi nhà đã có hàng chục người mẹ đến nương náu, sinh con. Người này đi rồi người sau lại tới. Người sau chăm sóc con của người trước. Tình mẫu tử thiêng liêng vốn đã là cái có sẵn trong lòng người phụ nữ, nếu biết khơi dậy thì người mẹ sẽ không còn phá bỏ bào thai, hủy hoại cuộc sống của con mình.

Chiều Tây Nguyên cuối tháng Tám, mưa dai dẳng, tầm tã, có cảm giác rất buồn. Nhưng tôi đọc được trong lòng cha Đông, anh Phụng, anh Lễ là những niềm vui. Họ không chỉ vui vì việc mình làm được, mà họ vui vì không còn nỗi lo âu các sinh linh bị lạnh lẽo, những bà mẹ cô thân lạc lõng giữa đời. Giờ đây, tất cả mỗi người đều có mái ấm của riêng mình.

 

Đặng Vỹ

(Theo báo CAND ngày 31/08/2012)

 


Số lượt người xem: 11206    
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm