Có lẽ là mùa xuân chưa tới. Vâng, hôm nay mới là 28 Tết, mọi người đang tất bật hối hả hoàn tất công việc cuối năm và đi chợ Tết, bởi vì ngày mai 29 cũng là 30 Tết. Mấy ngày nay máy giặt bị hư, quần áo dơ dồn lại mấy ngày, hôm qua sửa được máy giặt nên mình tha hồ mà giặt và phơi, 4 mẻ đồ vẫn chưa hết. Hôm nay cũng là sinh nhật của mình, ở nhà một mình vừa giặt đồ, vừa phơi đồ, vừa lên mạng, vừa xem TV. Mình vừa đọc xong bài “Có lẽ là mùa xuân chưa tới” của bác sĩ Yên Lâm Phúc, một bác sĩ, một sĩ quan Quân đội, một bậc thầy của nữ bác sĩ nội trú trẻ. Trên trang web của BS. Giang Tuấn Tú, mình vừa đọc “Có lẽ là mùa xuân chưa tới” và thật bất ngờ, mình không cầm nổi nước mắt, mình xót xa đau đớn, nước mắt mình phần thì chảy vào tim phần thì rơi trên bàn phím laptop. Có thể những người khác không quan tâm và họ cho rằng bọn này tào lao. Nhưng đối với mình thì không tào lao đâu, không phải là chuyện nhỏ đâu, chuyện lớn đấy, đáng báo động rồi đấy. Người ta có câu “dao đâm có thể thành tật, lời nói đâm nhau hận suốt đời”. Đó là với người bình thường, còn lời nói đâm người bệnh tim thì không bị vỡ tim mà chết tại chỗ cũng là may phước lắm rồi.
Nguyên là bác sĩ quân y nên mình rất thấu cảm với bác sĩ Phúc, tác giả của bài viết trên. Mình cũng đã được một cô bé điều dưỡng thực tập đến cửa phòng bệnh của con gái mình, đứng giáp mặt mình nửa mét, mắt nhìn thẳng vào mình để nói như một con vẹt: “bé tên gì người nhà?”
Vâng, vì cô bé này nói nhanh quá và chưa được nghe ai nói với mình như thế bao giờ nên mình không hiểu, mặc dù cô bé này nói tiếng Việt. Mình đang ngơ ngác thì cô bé lại tiếp tục hỏi: “Bé tên gì người nhà?”. Đây không phải là tình huống cấp cứu, vì con gái mình đã vô phòng này mấy ngày rồi. Phòng dịch vụ đó chỉ dành riêng cho một bệnh nhân, nhìn hồ sơ bệnh án, nhìn danh sách bệnh nhân trên bảng là biết rồi cần gì phải hỏi. Mà nếu có hỏi thì cũng đừng lặp lại như con vẹt những câu nói cửa miệng của mấy chị điều dưỡng lâu năm, rằng thì là “người nhà ra ngoài đi!”, nào là “bé tên gì người nhà?”, nào là “bà này tên gì?”. Mình cảm thấy ngôn ngữ giao tiếp trong bệnh viện đang có vấn đề.
Nếu làm theo đúng lời Bác Hồ dạy thì nhân viên y tế phải ân cần, lịch sự, coi người bệnh như người thân của mình. Ở trường hợp cô bé điều dưỡng thực tập kia, thay vì hỏi “bé tên gì người nhà?” thì có thể hỏi “ Chú ơi, bé nhà mình tên gì hả chú?” nghe tình cảm hơn.
Sáng nay mình buồn, mình khóc một mình vì tiếc rằng thầy Phúc và các thầy trong ngành y không dạy nhiều y đức cho bác sĩ nội trú trước khi dạy chuyên môn sâu.
Về chuyên môn có thể mấy vị bác sĩ nội trú trẻ kia giỏi hơn mình, nhưng mà về y đức thì hình như là đang có vấn đề. À, mà bác sĩ nội trú thì phải biết quan điểm “bệnh là toàn thân” chứ! Người bệnh không chỉ ốm yếu về thể xác mà còn đau đớn cả về tinh thần nữa. Một lời nói nhẹ nhàng, ân cần, tình cảm của thầy thuốc sẽ xoa dịu nỗi đau đớn, giúp cho bệnh nhân phấn khởi, an tâm và đó chính là liệu pháp tâm lý để chữa bệnh mau khỏi. Ngược lại, một lời nói làm cho bệnh nhân bị sốc thì bệnh cảnh sẽ trở nên nặng nề, rất có thể vỡ tim mà chết ngay trên hàng ghế ngồi chờ cấp cứu.
Vâng, hôm nay 29 Tết Nhâm Thìn 2012, có lẽ là mùa xuân chưa tới.
(BS. Thuần-Quận 8, TP.HCM)