SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
2
7
6
3
6
9
3
Giới thiệu 11 Tháng Giêng 2012 3:15:00 SA

Steve Jobs và xã hội học tập

Steve Jobs đã từ biệt thế giới này. Ông ra đi để lại cho nhân loại “trái táo cắn dở” mà hàng triệu người trên thế giới đang nâng niu. Hàng triệu người nghiêng mình kính nể về sự cống hiến cho đời của ông. Steve Jobs ra đi để lại cho đời 3 câu chuyện kể về cuộc đời mình trong bài diễn văn bất hủ tại buổi lễ tốt nghiệp của sinh viên trường đại học Standford năm 2005. Tiếc thương và ngưỡng mộ một con người luôn sống bằng niềm tin, nghị lực và thành công. Nếu không đọc ba câu chuyện do chính ông kể về cuộc đời mình thì đã dễ mấy ai biết rằng một con người thành công như thế mà lại phải trải qua bao đoạn trường đớn đau và cay đắng.

Không đớn đau và cay đắng sao được khi còn trong bụng mẹ đã được sắp đặt để làm con nuôi nhà người ngay từ khi chào đời. Trong những ngày đầu đời ấy Steve Jobs đã không được hưởng thụ hơi ấm của tình mẹ, không được ngậm bầu vú mẹ mỗi khi đói khát, khi mà sữa mẹ là tốt nhất, khi mà bầu vú mẹ ngày đêm căng nhức vì sữa ra quá nhiều nhưng đã không cho con bú được. Đau đớn thay cho những bà mẹ sinh viên chưa chồng như mẹ của tác giả “trái táo cắn dở”.

Không đớn đau và cay đắng sao được khi mà mới ngồi ghế trường đại học được có 6 tháng trời đã phải bỏ học chỉ vì cha mẹ nuôi nghèo không kham nổi tiền học phí ở cái trường đắt đỏ nhất thế giới đó (trường Reed). May mà Steve Jobs đã mở lối đi riêng. Không được học trọn vẹn ở trường đại học, ông đã theo học một lớp chuyên dạy về viết chữ đẹp tại trường dạy tốt nhất thế giới về cách viết chữ đẹp. Cũng nhờ vậy mà chiếc máy vi tính Macintosh đầu tiên do công ty Apple của ông tạo ra đã có nhiều font chữ đẹp. Ngày nay mỗi khi gõ trên các bàn phím, mọi người đều thầm biết ơn những ngày bỏ trường đại học để đam mê học cách viết chữ đẹp của Steve Jobs.

Không đớn đau và cay đắng sao được khi mà ông bị sa thải khi vừa bước sang tuổi 30, bị sa thải ngay chính Công ty mà ông đã sáng lập ra lúc 20 tuổi, từ lúc chỉ có 2 người làm việc tại nhà xe, sau 10 năm làm việc cật lực đã phát triển thành công ty trị giá 2 tỉ USD với  4.000 người làm việc.

May mắn thay, khổ đau cay đắng và thất bại đã không làm ông gục ngã trên đường đời. Sau này ông mới nhận ra chính thất bại đã là mẹ thành công. Bị sa thải nhưng ông không hề bị mất niềm tin và sự đam mê sáng tạo. Ông thầm cám ơn người  đã sa thải ông bởi vì từ sau ngày bị sa thải, Steve Jobs đã bước vào một giai đoạn sáng tạo nhất trong cuộc đời và thành công rực rỡ đã đến với ông:

Sau 5 năm bị sa thải ông đã thành lập được công ty NeXT và thành lập tiếp một công ty nữa, công ty Pixar. Ông đã tạo ra bộ phim “Toy Story” một bộ phim truyện bằng đồ họa vi tính đầu tiên trên thế giới và ngày nay nó trở thành xưởng phim hoạt hình thành công nhất thế giới.

 Lại một điều bất ngờ thú vị nữa đến với Steve Jobs, hay nói theo cách nói của ông là: “Thế rồi ánh bình minh lại bắt đầu từ từ chiếu rọi xuống cuộc đời tôi”. Đó chính là bước ngoặt lớn lao của cuộc đời ông: Apple đã mua lại NeXT và ông trở về Apple để bước vào thời kỳ phục hưng Apple bằng chính công nghệ của NeXT.

 

Ôi, tuyệt vời làm sao! Ôi kỳ diệu làm sao! Vậy là vận may đã mỉm cười trên gương mặt khát khao và đam mê của ông. Có được điều kỳ diệu này cũng là do ngay từ khi còn rất trẻ ông đã luôn chúc cho chính mình bằng câu nói in trên bìa sau của cuốn sách mà ông tôn thờ: “Hãy luôn khát khao, hãy luôn dại khờ”.

Và tại buổi lễ tốt nghiệp của trường đại học Standford năm 2005, Steve Jobs đã chúc các bạn sinh viên bằng chính câu nói ấy,  “Hãy luôn khát khao, hãy luôn dại khờ”.  Ấn tượng khó phai về Steve Jobs ngay từ lời mở đầu trong bài diễn văn của mình: “Tôi chưa hề tốt nghiệp đại học”.

Cuộc đời sinh viên của ông cũng lắm đắng cay từ miếng ăn giấc ngủ:

- Ông đã phải đi bán từng cái vỏ chai Coca để kiếm tiền mua cơm, hàng tuần chỉ có chiều Chủ nhật mới được ăn một bữa cơm ngon bằng cách đi bộ 7 dặm đến “ăn chùa” tại đền Hare Krishna.

- Ông đã phải ngủ lăn lóc dưới sàn nhà trong các phòng ký túc xá của bạn bè.

Vậy mà con người ấy đã làm nên điều phi thường, thật đáng ngưỡng mộ biết bao!

Đời sinh viên của ông cũng rất gần gũi với đời sinh viên Việt Nam đấy chứ: “Thằng đi đạp xe, thằng đi dạy thêm, thằng đi tiếp thị, thằng làm quán cơm, tối về 1 gói mì tôm…”.

Đắng cay khổ cực nhưng không hề làm Steve Jobs mất niềm tin. Vâng, niềm tin, sự đam mê và lòng khao khát lao động sáng tạo giúp cho Steve Jobs đã thành công lại càng thành công rực rỡ hơn vào giai đoạn cuối. 

Qua câu chuyện kể của Steve Jobs khiến cho tất cả chúng ta phải suy ngẫm và học tập. Trước hết là sự coi trọng việc học tập của người mẹ đối với con cái. Còn Steve Jobs dù trong hoàn cảnh khó khăn về tài chánh do cha mẹ nghèo ông đã không tiếp tục theo học đại học, nhưng ông đã mở lối đi riêng: học chuyên sâu một môn học mà ông đam mê. Cũng chính vì sự đam mê này mà ông đã bất ngờ thành công một cách ngoạn mục. Xuyên suốt câu chuyện kể của ông là nghị lực phi thường, là niềm tin mãnh liệt và sự lao động cần cù và sáng tạo. Tất cả những điều đó là nguồn động viên cổ vũ cho chúng ta và cho những ai đam mê với trào lưu “xã hội học tập”.

Người viết bài cảm nhận này xin chúc cho những ai đang say mê học tập bằng chính câu chúc của Steve Jobs: Hãy luôn sống khát khao, hãy luôn sống dại khờ.

(BS. Thuần – Phòng Y tế Q8)

 


Số lượt người xem: 7718    
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm