SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
2
7
5
4
1
9
4
Kiến thức quản lý tài chính 11 Tháng Chín 2015 2:00:00 CH

Cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP (Cập nhật đến ngày 31 tháng 8 năm 2015)

PHÒNG TÀI CHÍNH - KẾ HOẠCH QUẬN 8

                              

HƯỚNG DẪN

Cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP

(Cập nhật đến ngày 31 tháng 8 năm 2015)

___________________________

 

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Căn cứ xếp loại đơn vị sự nghiệp

Mức tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên = Tổng số nguồn thu sự nghiệp : Tổng số chi hoạt động thường xuyên x 100 %.

a) Đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động: Đơn vị có mức tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên bằng hoặc lớn hơn 100%; đơn vị đã tự bảo đảm chi phí hoạt động từ nguồn thu sự nghiệp, từ nguồn ngân sách nhà nước do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước đặt hàng.

b) Đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động: Là đơn vị có mức tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên từ trên 10% đến dưới 100%.

c) Đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động: Đơn vị có mức tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên từ 10% trở xuống; đơn vị sự nghiệp không có nguồn thu.

2. Đơn vị sự nghiệp có hoạt động dịch vụ phải đăng ký, kê khai, nộp đủ các loại thuế và các khoản khác (nếu có), được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật.

3. Về xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ

Đơn vị có trách nhiệm xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ làm căn cứ để cán bộ, viên chức thực hiện và Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát chi.

Nguyên tắc, nội dung và phạm vi xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ:

a) Quy chế chi tiêu nội bộ thảo luận rộng rãi dân chủ, công khai trong đơn vị và có ý kiến thống nhất của tổ chức công đoàn đơn vị.

b) Quy chế chi tiêu nội bộ phải gửi cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan tài chính cùng cấp để theo dõi, giám sát thực hiện; gửi Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để làm căn cứ kiểm soát chi.

c) Nội dung quy chế chi tiêu nội bộ bao gồm các quy định về chế độ, tiêu chuẩn, định mức, mức chi thống nhất trong đơn vị, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao, phù hợp với hoạt động đặc thù của đơn vị, sử dụng kinh phí tiết kiệm có hiệu quả và tăng cường công tác quản lý.

d) Đối với nội dung chi thuộc phạm vi xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ (chi quản lý, chi nghiệp vụ thường xuyên) đã có chế độ tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định (trừ một số tiêu chuẩn, định mức và nội dung chi quy định tại tiết e), thủ trưởng đơn vị sự nghiệp được:

- Đối với đơn vị tự bảo đảm chi phí hoạt động và đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động: Thủ trưởng đơn vị được quyết định mức chi quản lý và chi nghiệp vụ cao hơn hoặc thấp hơn mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

- Đối với đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động: Thủ trưởng đơn vị quyết định mức chi không vượt quá mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

đ) Đối với những nội dung chi, mức chi cần thiết cho hoạt động của đơn vị, trong phạm vi xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa ban hành, thì thủ trưởng đơn vị có thể xây dựng mức chi cho từng nhiệm vụ, nội dung công việc trong phạm vi nguồn tài chính của đơn vị.

e) Đối với một số tiêu chuẩn, định mức và mức chi đơn vị sự nghiệp phải thực hiện đúng các quy định của nhà nước:

- Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.

- Tiêu chuẩn, định mức về nhà làm việc.

- Tiêu chuẩn, định mức trang bị điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động.

- Chế độ công tác phí nước ngoài.

- Chế độ tiếp khách nước ngoài và hội thảo quốc tế ở Việt Nam.

- Chế độ quản lý, sử dụng kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia.

- Chế độ sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ đột xuất được giao.

- Chế độ chính sách thực hiện tinh giản biên chế (nếu có).

- Chế độ quản lý, sử dụng vốn đối ứng dự án, vốn viện trợ thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.

- Chế độ quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, kinh phí mua sắm, sửa chữa lớn tài sản cố định phục vụ hoạt động sự nghiệp theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

g) Thủ trưởng đơn vị căn cứ tính chất công việc, khối lượng sử dụng, tình hình thực hiện năm trước, quyết định phương thức khoán chi phí cho từng cá nhân, bộ phận, đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc sử dụng như: sử dụng văn phòng phẩm, điện thoại, xăng xe, điện, nước, công tác phí; kinh phí tiết kiệm do thực hiện khoán được xác định chênh lệch thu, chi và được phân phối, sử dụng theo chế độ quy định.

h) Thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ, đơn vị phải bảo đảm có chứng từ, hoá đơn hợp pháp, hợp lệ theo quy định, trừ các khoản thanh toán văn phòng phẩm, công tác phí được thực hiện chế độ khoán theo quy chế chi tiêu nội bộ, khoản thanh toán tiền cước sử dụng điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động hàng tháng theo hướng dẫn tại Thông tư số 29/2003/TT-BTC ngày 14/4/2003 của Bộ Tài chính.

II. ĐƠN VỊ TỰ ĐẢM BẢO TOÀN BỘ VÀ TỰ ĐẢM BẢO MỘT PHẦN KINH PHÍ

1. Về nguồn tài chính

a) Kinh phí do ngân sách nhà nước cấp.

b) Nguồn thu sự nghiệp; gồm:

- Phần được để lại từ số thu phí, lệ phí theo quy định của nhà nước.

- Thu từ hoạt động dịch vụ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn và khả năng của đơn vị, như:

+ Sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo: Thu từ hợp đồng đào tạo với các tổ chức trong và ngoài nước; thu từ các hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thực hành thực tập, sản phẩm thí nghiệm; thu từ các hợp đồng dịch vụ khoa học và công nghệ và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

+ Sự nghiệp Y tế, Đảm bảo xã hội: Thu từ các hoạt động dịch vụ về khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, y tế dự phòng, đào tạo, nghiên cứu khoa học với các tổ chức; cung cấp các chế phẩm từ máu, vắc xin, sinh phẩm; thu từ các hoạt động cung ứng lao vụ (giặt là, ăn uống, phương tiện đưa đón bệnh nhân, khác); thu từ các dịch vụ pha chế thuốc, dịch truyền, sàng lọc máu và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

+ Sự nghiệp Văn hóa, Thông tin: Thu từ bán vé các buổi biểu diễn, vé xem phim, các hợp đồng biểu diễn với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; cung ứng dịch vụ in tráng lồng tiếng, phục hồi phim; thu từ các hoạt động đăng, phát quảng cáo trên báo, tạp chí, xuất bản, phát thanh truyền hình; thu phát hành báo chí, thông tin cổ động và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

+ Sự nghiệp Thể dục, thể thao: Thu hoạt động dịch vụ sân bãi, quảng cáo, bản quyền phát thanh truyền hình và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

+ Sự nghiệp kinh tế: Thu tư vấn, thiết kế, quy hoạch, dịch vụ nông lâm, thuỷ lợi, thuỷ sản, giao thông, công nghiệp, xây dựng, địa chính, địa chất và các ngành khác; các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

- Thu khác (nếu có).

- Lãi được chia từ các hoạt động liên doanh, liên kết, lãi tiền gửi ngân hàng từ các hoạt động dịch vụ.

c) Nguồn vốn viện trợ, quà biếu, tặng, cho theo quy định của pháp luật.

d) Nguồn khác, gồm:    

- Nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng và vốn huy động của cán bộ, viên chức trong đơn vị.

- Nguồn vốn tham gia liên doanh, liên kết của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

2. Về nội dung chi

a) Chi thường xuyên:

- Chi hoạt động thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Chi hoạt động thường xuyên phục vụ cho công tác thu phí và lệ phí.

- Chi cho các hoạt động dịch vụ.

b) Chi không thường xuyên: Chi đào tạo bồi dưỡng cán bộ, viên chức; chi thực hiện các nhiệm vụ do nhà nước đặt hàng (điều tra, quy hoạch, khảo sát, nhiệm vụ khác) theo giá hoặc khung giá do nhà nước quy định; chi thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao;  chi thực hiện tinh giản biên chế theo chế độ do nhà nước quy định (nếu có); chi đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị, sửa chữa lớn tài sản cố định thực hiện các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chi cho các hoạt động liên doanh, liên kết; các khoản chi khác theo quy định (nếu có).

3. Về tiền lương, tiền công và thu nhập tăng thêm

a) Tiền lương, tiền công:

- Đối với những hoạt động thực hiện chức năng nhiệm vụ nhà nước giao; hoạt động thu phí, lệ phí thì tính theo tiền lương cấp bậc, chức vụ.

- Đối với những hoạt động cung cấp sản phẩm do nhà nước đặt hàng, tính theo đơn giá quy định hoặc tính theo tiền lương cấp bậc, chức vụ do nhà nước quy định.

- Đối với các hoạt động dịch vụ đơn vị có thành lập tổ chức sự nghiệp trực thuộc để hoạt động dịch vụ và tổ chức hạch toán riêng áp dụng theo chế độ tiền lương của doanh nghiệp nhà nước tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ, Nghị định số 206/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ.

Đối với các hoạt động dịch vụ, đơn vị không thành lập tổ chức sự nghiệp trực thuộc và hạch toán riêng doanh thu, chi phí tính theo tiền lương cấp bậc, chức vụ do nhà nước quy định.

b) Thu nhập tăng thêm:

Nhà nước khuyến khích các đơn vị sự nghiệp tăng thu, tiết kiệm chi, tinh giản biên chế, tăng thêm thu nhập cho người lao động trên cơ sở hoàn thành nhiệm vụ được giao, sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách; căn cứ kết quả tài chính trong năm, đơn vị quyết định tổng mức thu nhập tăng thêm trong năm như sau:

- Đối với đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động, được quyết định tổng mức thu nhập tăng thêm trong năm theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị, sau khi đã thực hiện trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

- Đối với đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động, được quyết định tổng mức thu nhập tăng thêm trong năm, nhưng tối đa không quá 02 lần quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ trong năm do nhà nước quy định, sau khi đã thực hiện trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

Quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ làm cơ sở để tính tổng thu nhập tăng thêm trong năm của đơn vị, bao gồm:

- Tiền lương ngạch bậc và phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có): Tính trên cơ sở hệ số lương, hệ số phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của người lao động trong đơn vị (lao động trong biên chế và lao động hợp đồng từ 1 năm trở lên) và mức tiền lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định.

- Tiền lương tăng thêm của người lao động do nâng bậc theo niên hạn hoặc nâng bậc trước thời hạn (nếu có).

Quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ trong năm của đơn vị nêu trên không bao gồm khoản tiền công trả theo hợp đồng vụ việc.

Việc chi trả thu nhập tăng thêm cho từng người lao động trong đơn vị (lao động trong biên chế và lao động hợp đồng từ 1 năm trở lên) theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị và bảo đảm nguyên tắc người nào có hiệu suất công tác cao, đóng góp nhiều cho việc tăng thu, tiết kiệm chi thì được trả nhiều hơn.

c) Khi nhà nước điều chỉnh các quy định về tiền lương, nâng mức lương tối thiểu; khoản tiền lương cấp bậc, chức vụ tăng thêm theo chế độ nhà nước quy định do đơn vị tự bảo đảm từ các khoản thu sự nghiệp và các khoản khác theo quy định của Chính phủ. Trường hợp sau khi đã sử dụng các nguồn trên, nhưng vẫn không bảo đảm đủ tiền lương tăng thêm theo chế độ nhà nước quy định, phần còn thiếu sẽ được ngân sách nhà nước xem xét, bổ sung.

4. Về sử dụng kết quả hoạt động tài chính trong năm

Hàng năm sau khi trang trải các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp khác theo quy định; phần chênh lệch thu lớn hơn chi (thu, chi hoạt động thường xuyên và nhiệm vụ nhà nước đặt hàng), đơn vị được sử dụng theo trình tự như sau:

- Trích tối thiểu 25% số chênh lệch thu lớn hơn chi để lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

- Trả thu nhập tăng thêm cho người lao động.

- Trích lập Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập. Đối với Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi mức trích tối đa hai quỹ không quá 3 tháng tiền lương, tiền công và thu nhập tăng thêm bình quân trong năm.

Trường hợp chênh lệch thu lớn hơn chi bằng hoặc nhỏ hơn một lần quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ trong năm, đơn vị được quyết định sử dụng như sau:

- Trả thu nhập tăng thêm cho người lao động.

- Trích lập các quỹ: Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp (không khống chế mức trích tối thiểu 25% chênh lệch thu lớn hơn chi), Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập. Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi: mức trích tối đa hai quỹ không quá 3 tháng tiền lương, tiền công và thu nhập tăng thêm bình quân trong năm.

5. Về sử dụng các quỹ

a) Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp: Đầu tư, phát triển nâng cao hoạt động sự nghiệp; bổ sung vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc; chi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, trợ giúp thêm đào tạo, huấn luyện nâng cao tay nghề năng lực công tác cho cán bộ, viên chức; góp vốn liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để tổ chức hoạt động dịch vụ.

Thủ trưởng đơn vị quyết định sử dụng quỹ theo quy chế chi tiêu nội bộ. Đối với việc đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa tài sản, thẩm quyền thực hiện theo Quyết định số 10/2010/QĐ-UBND ngày 04/02/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố.

b) Quỹ dự phòng ổn định thu nhập để bảo đảm thu nhập cho người lao động.

c) Quỹ khen thưởng: Dùng để thưởng định kỳ, đột xuất cho tập thể, cá nhân trong và ngoài đơn vị theo hiệu quả công việc và thành tích đóng góp vào hoạt động của đơn vị. Mức thưởng do thủ trưởng đơn vị quyết định theo quy chế chi tiêu nội bộ.

d) Quỹ phúc lợi: Xây dựng, sửa chữa các công trình phúc lợi, chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể của người lao động trong đơn vị; trợ cấp khó khăn đột xuất, kể cả trường hợp nghỉ hưu, nghỉ mất sức; chi thêm cho người lao động trong biên chế thực hiện tinh giản biên chế. Thủ trưởng đơn vị quyết định sử dụng theo quy chế chi tiêu nội bộ.

6. Thực hiện chi đối với thu nhập tăng thêm, trích lập quỹ

a) Đối với khoản thu nhập tăng thêm

- Trong năm, căn cứ vào mức chênh lệch thu lớn hơn chi hàng quý xác định được; đơn vị rút dự toán (thanh toán) để chi trả thu nhập tăng thêm theo quý. Kho bạc Nhà nước thanh toán theo mức thủ trưởng đơn vị đề nghị đảm bảo trong phạm vi dự toán được giao nhưng tối đa không quá 60% số chênh lệch thu lớn hơn chi đơn vị xác định được theo quý và thực hiện hạch toán thực chi tiểu mục 6404 (chi chênh lệch thu nhập thực tế so với lương ngạch bậc, chức vụ).

 - Kết thúc năm ngân sách, trước ngày 31/01 năm sau, đơn vị tự xác định số chênh lệch thu lớn hơn chi và kinh phí chi thu nhập tăng thêm của năm trước theo quy chế chi tiêu nội bộ gửi Kho bạc Nhà nước đề nghị thanh toán tiếp thu nhập tăng thêm cho người lao động. Trên cơ sở văn bản đề nghị của đơn vị, Kho bạc Nhà nước thanh toán phần thu nhập tăng thêm không vượt quá mức thu nhập tăng thêm đối với từng loại đơn vị sự nghiệp.

Sau khi quyết toán của đơn vị được phê duyệt:

- Trường hợp số chênh lệch thu lớn hơn chi dành để chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động cao hơn số đơn vị tự xác định, căn cứ vào quy chế chi tiêu nội bộ và đề nghị của đơn vị, Kho bạc Nhà nước thanh toán tiếp phần chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động của đơn vị và thực hiện hạch toán vào niên độ ngân sách năm sau.

- Trường hợp số chênh lệch thu lớn hơn chi dành để chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động thấp hơn số đơn vị tự xác định thì số đã chi trả thu nhập tăng thêm vượt so với số quyết toán được duyệt, đơn vị sử dụng Quỹ dự phòng ổn định thu nhập (nếu có) để bù đắp, trường hợp sau khi dùng quỹ dự phòng ổn định thu nhập để bù đắp vẫn còn thiếu hụt thì trừ vào chênh lệch thu lớn hơn chi phần dành để chi trả thu nhập tăng thêm của năm sau, trường hợp năm sau không có chênh lệch thu lớn hơn chi thì trừ vào quỹ tiền lương của đơn vị.

b) Đối với việc trích lập các quỹ

- Hàng quý, căn cứ vào kết quả tài chính thực hiện trong quý, đơn vị tự xác định số chênh lệch thu lớn hơn chi trong quý gửi Kho bạc Nhà nước đề nghị trích lập các quỹ theo quy định (đối với quý IV được thực hiện trong tháng 01 của năm sau để phù hợp với việc quyết toán ngân sách nhà nước các cấp).

- Căn cứ vào Giấy rút dự toán của đơn vị, Kho bạc Nhà nước chuyển tiền từ tài khoản dự toán sang tài khoản tiền gửi các quỹ của đơn vị nhưng tối đa không vượt quá 60% số chênh lệch thu lớn hơn chi còn lại trong quý của đơn vị sau khi đã chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức theo quy định. Kho bạc Nhà nước hạch toán thực chi mục 7950 (tiểu mục 7951 chi lập quỹ dự phòng ổn định thu nhập, tiểu mục 7952 chi lập quỹ phúc lợi, tiểu mục 7953 chi lập quỹ khen thưởng và tiểu mục 7954 chi lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp).

Sau khi quyết toán của đơn vị được phê duyệt:

- Trường hợp số chênh lệch thu lớn hơn chi dành để trích lập các quỹ cao hơn số đơn vị tự xác định, căn cứ vào quy chế chi tiêu nội bộ và đề nghị của đơn vị, Kho bạc Nhà nước thực hiện trích tiếp các quỹ cho đơn vị.

- Trường hợp số chênh lệch thu lớn hơn chi dành để trích lập các quỹ nhỏ hơn số đơn vị tự xác định thì số đã trích vượt so với số quyết toán được duyệt, đơn vị sử dụng các quỹ tương ứng để bù đắp, trường hợp sau khi sử dụng các quỹ tương ứng để bù đắp mà vẫn còn thiếu hụt thì trừ vào số chênh lệch thu lớn hơn chi năm sau của đơn vị. Căn cứ vào quyết định của cơ quan có thẩm quyền và đề nghị của đơn vị, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục thu hồi giảm chi ngân sách nhà nước.

III. ĐƠN VỊ DO NGÂN SÁCH BẢO ĐẢM TOÀN BỘ KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG

Các nội dung tự chủ tương tự đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ và đơn vị tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động. Chỉ khác nhau ở nội dung cơ bản sau đây:

1. Thu nhập tăng thêm

Đơn vị được quyết định tổng mức thu nhập tăng thêm trong năm cho người lao động, nhưng tối đa không quá 01 lần quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ trong năm do nhà nước quy định. 

2. Về sử dụng kinh phí tiết kiệm

Hàng năm sau khi trang trải các khoản chi phí, nộp thuế và các khoản nộp khác theo quy định; phần kinh phí tiết kiệm chi, chênh lệch thu lớn hơn chi của hoạt động dịch vụ (nếu có), đơn vị được sử dụng theo trình tự như sau:

- Trả thu nhập tăng thêm.

- Chi khen thưởng định kỳ, đột xuất cho tập thể, cá nhân trong và ngoài đơn vị.

- Chi phúc lợi, trợ cấp khó khăn, đột xuất cho người lao động, kể cả các trường hợp nghỉ hưu, nghỉ mất sức trong năm; chi thêm cho người lao động trong biên chế thực hiện tinh giản biên chế.

- Chi tăng cường cơ sở vật chất của đơn vị.

- Có thể lập Quỹ dự phòng ổn định thu nhập.

3. Về xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ

Đối với nội dung chi thuộc phạm vi xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ (chi quản lý, chi nghiệp vụ thường xuyên), thủ trưởng đơn vị quyết định mức chi không vượt quá mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

IV. NGUỒN CẢI CÁCH TIỀN LƯƠNG

Nguồn cải cách tiền lương của đơn vị bao gồm:

- Tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngân sách được giao.

- Nguồn học phí: Tối thiểu 40% số thu học phí.

- Nguồn viện phí: Tối thiểu 35% số thu viện phí sau khi trừ chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hoá chất, vật tư thay thế, vật tư tiêu hao.

- Nguồn thu sự nghiệp khác (thu dịch vụ, hoạt động liên doanh, liên kết và các khoản thu khác): 40% số thu sau khi trừ chi phí liên quan.

- Số dư nguồn cải cách tiền lương năm trước (từ tiết kiệm 10% chi thường xuyên và số dư các nguồn cải cách tiền lương của học phí, viện phí, thu sự nghiệp khác).

Các đơn vị hiện đang quản lý học phí, viện phí, nguồn thu sự nghiệp khác (số phải dành chi cải cách tiền lương và số chi cho hoạt động) chung tài khoản tiền gửi, do đó lưu ý theo dõi chặt chẽ số phải dành chi cải cách tiền lương, sử dụng không hết phải chuyển sang năm sau, không sử dụng cho mục đích khác.

* Văn bản pháp lý:

- Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

- Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

- Thông tư số 113/2007/TT-BTC ngày 24 tháng 9 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006.

- Thông tư số 81/2006/TT-BTC ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kiểm soát chi đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính.

- Thông tư số 172/2009/TT-BTC ngày 26 tháng 8 năm 2009 của Bộ Tài chính sửa đổi một số điểm của Thông tư số 81/2006/TT-BTC ngày 06/9/2006.

_________________________________________

 

 


Số lượt người xem: 9586    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm