Hàng năm, vào mỗi dịp tết đến, xuân về, người người nô nức trang trí nhà cửa, mua sắm chuẩn bị mọi thứ cho một cái tết tươm tất, ấm cúng. Dù ở thành thị hay nông thôn, giàu sang hay nghèo khó, trên bàn thờ tổ tiên hoặc trên bàn tiếp khách, hầu như nhà nào cũng chưng một mâm ngũ quả, thể hiện cho 5 vị Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, 5 yếu tố được cho là đã cấu thành nên vũ trũ và là nét đẹp văn hóa của người Việt từ rất lâu đời.
Mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền của người Việt Nam. Trước là thờ cúng tổ tiên, sau là ước mong năm mới được an khang, thịnh vượng hơn năm trước. Mỗi loại quả khi bày trên ban thờ đều có ý nghĩa riêng, vì vậy các gia đình cần hiểu và nắm rõ để gửi gắm ước nguyện, cầu mong của mình trong năm mới.
Gọi là ngũ quả nhưng thật ra chẳng ai rõ quy định là những loại quả gì mà tùy từng địa phương với đặc trưng về khí hậu, sản vật và quan niệm riêng mà các gia đình chọn lựa các loại trái cây để bày trí cho mâm ngũ quả. Vì mỗi loại quả đều có mùi vị, màu sắc riêng và cũng mang những ý nghĩa nhất định nên dù là loại quả gì, mâm ngũ quả vẫn mang ý nghĩa con cháu dâng lên tổ tiên, ông bà để thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành cho tất cả các thành viên trong gia đình nhân dịp đầu năm mới. Các loại quả khác có màu cam, đỏ, trắng, xanh … thể hiện sự đủ đầy, tươi tắn, ngọt ngào trong những ngày xuân và suốt cả năm. Có thể liệt kê một vài loại quả với những ý nghĩa tương ứng sau đây:
- Quả Phật thủ màu vàng: tượng trưng hành thổ nên được đặt ở giữa, trong lòng nải chuối. Phật thủ là loại quả có mười cánh múi chụm lên như 10 ngón tay nên dân gian gọi là tay Phật. Phật thủ được trưng lên bàn thờ với niềm cầu mong được bàn tay Phật trời ban phúc lộc.
- Chuối xanh: tương ứng với mùa Xuân. Nải chuối như bàn tay ngửa, hứng lấy những gì tinh túy nhất của mùa Xuân để đọng thành quả ngọt; nó còn có ý nghĩa che chở, bảo bọc.
- Bưởi: Mong muốn an khang, thịnh vượng.
- Quả lê hoặc dưa lê: Vị ngọt thanh, ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ. Tượng trưng cho sự thành đạt, thăng tiến.
- Lựu: Nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống.
- Dưa hấu: Căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn.
- Cam, quýt: Tượng trưng cho sự thành đạt.
- Đào: Thể hiện sự thăng tiến.
- Táo: Phú quý, giàu sang.
- Thanh long : Rồng mây hội tụ, thể hiện sự phát tài phát lộc.
- Sung: Gắn với biểu tượng sung mãn, sức khỏe và tiền bạc.
- Đu đủ: Thịnh vượng, đủ đầy.
- Xoài: Cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn.
Do trái cây ngày càng nhiều, loại nào cũng ngon, bổ nên để thể hiện cao nhất lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, đồng thời cũng nhằm thể hiển tính trình bày mỹ thuật trong con mắt thẩm mỹ độc đáo của nhân dân, nên mâm ngũ quả ngày càng phong phú hơn, và người ta cũng không câu kệ cứng nhắc “ngũ quả” nữa mà có thể là bát, cửu, thập quả. Nhiều hơn, nhưng người ta vẫn gọi là “mâm ngũ quả”. Chính màu sắc tươi tắn của các loại trái cây trên mâm ngũ quả làm cho quang cảnh Tết và không gian thờ cúng thêm ấm áp, rực rỡ và hài hòa; thể hiện sinh động ý nghĩa triết học-tín ngưỡng-thẩm mỹ, đồng thời cũng chứa đựng mong ước của con người về một năm mới sum vầy, sung túc.
Quan niệm người dân về mâm ngũ quả ngày Tết của mỗi miền mỗi khác, nhưng tựu trung, mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết vẫn là nơi hội tụ của của nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc và ý nguyện cầu hòa thuận, no đủ, an lành người Việt. Chưng bày mâm ngũ quả trên bàn thờ của gia đình trong những ngày Tết mang ý nghĩa giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt. Chính vì vậy, dù ở phương trời nào, đến ngày Tết cổ truyền người dân Việt vẫn không bỏ qua tục lệ này, như một sự nhắc nhở, cho bản thân và cho con cháu, về cội nguồn của mình.
Bích Ly– UBND Phường 14