|
|
|
|
|
|
|
Đình Phong Phú
|
|
Mặt trước đình Phong Phú
I Sơ nét:
Đình Phong Phú tọa lạc tại số 46 đường Phong Phú, phường 12, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh; tên đường Phong Phú được đặt từ thời Pháp thuộc đến nay. Đình Phong Phú được xây dựng sau khi thôn Phong Phú được thành lập.
Trang trí trên mái đình
II. Lịch sử di tích:
Khi triều Nguyễn lập địa bàn tỉnh Gia Định (1836), Phong Phú là một thôn thuộc tổng Tân Phong Hạ, huyện Tân Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Thôn Phong Phú được thành lập khoảng thời gian từ năm 1816 – 1833. Đình Phong Phú cũng được xây dựng trong thời gian này để thực hiện chức năng là nhà việc và là nơi thờ phụng các vị thần linh theo tín ngưỡng của nhân dân trong vùng. Lúc đầu, đình tọa lạc bên bờ kênh Đôi, đến khoảng năm 1917, đình được dời đến vị trí hiện nay.
Các vị thần thánh được thờ trong đình:
- Thần thành hoàng bổn cảnh: vị Thần phù hộ cho dân thông Phong Phú.
- Tả ban Hữu ban: các vị phò tá của Thần thành hoàng bổn cảnh.
- Chú sinh nương nương: năm vị nữ thần tượng trương cho ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ).
- Quan thánh đế quân: tức Quan vũ hay Quan Vân trường, là biểu tượng các đức trí, nhân, dũng , nghĩa.
- Phúc đức chính thần: thần bảo hộ đất đai.
Bộ cột gỗ ở chính điện
Khám thờ Hữu ban
III. Khảo tả di tích:
Đình Phong Phú thuộc loại di tích kiến trúc nghệ thuật, diện tích khoảng 600 m2 . Các thành phần kiến trúc võ ca, tiền điện, chính điện được xây dựng theo kiểu nhà năm gian, tiếp nối nhau trên một trục dọc, riêng nghĩa từ xây theo kiểu nhà ba gian, nằm bên trái chính điện. Võ ca và mỗi điện thờ đề có nóc mái riêng, lợp ngói ống, đỡ lấy lớp mái này là bộ cột, kèo, rui làm bằng gỗ.
Trước võ ca là khoảng sân nhỏ đặt bàn thờ Thiên phụ địa mẫu đối diện với bức phù điêu Thần Hổ tên vách mặt tiền. Bên trên phù điêu Thần Hổ có hàng chữ “Đình Phong Phú”.
Tiền điện bày ba hương án ở gian giữa và hai gian bên; hương án giữ thờ Thần hoàng, hai bên trái phải là án thờ Tả ban, Hữu ban.
Chính điện là nơi được bài trí trang trọng nhất trong đình. ở ba cửa võng trước chính điện trang trí ba bao lam chạm trổ các đề tài mẫu đơn –trĩ, mai – điểu… Trên các thân cột treo các cặp liễn đối chạm chìm chữ Hán, sơn son thếp vàng. Gần cuối chính điện có năm khám thờ bày thành một hàng ngang. Khám thờ Thần Thành hoàng bổn cảnh được bày ở gian giữa. Khám thờ Tả ban và Hữu ban đặt ở hai bên trái phải gian thờ Thần. Hai bên ngoài sát vách tường bên trái là nơi thờ Chúa sinh nương nương đối xứng với gian thờ Ngũ hành nương nương ở sát vách tường bên phải.
Bên trái chính điện có cửa vào gian nghĩa từ, nơi thờ các vị có công với làng xã, đình miếu. Ở giữa nhà nghĩa từ là bàn thờ và tượng Địa tạng vương Bồ tát.
IV. Các hiện vật trong di tích:
- Khám thờ, bài vị, long vị, tượng thần (gỗ - thạch cao).
- Khám thờ, bài vị thờ tả ban, hữu ban (gỗ).
- Khám thờ, bộ tượng Chúa sinh nương nương (gỗ, thạch cao)
- Bộ tượng 12 Mụ bà (thạch cao).
- Khám thờ, tượng thờ Ngũ hành nương nương (gỗ).
- Binh khí, bát bủu, đỉnh trầm, lư hương – liễn đối, hoành phi, phù điêu (gỗ).
Khám thờ Thần Thành hoàng bổn cảnh
Chạm khắc trên bài vị thờ Thần Thành hoàng bổn cảnh
Hàng năm, đình có 15 lễ hội, cúng tế nhưng lễ Kỳ Yên (ngày 17 tháng giêng) được tổ chức long trọng nhất.
V. Giá trị của di tích:
Đình Phong Phú được xây dựng cách nay đã gần hai trăm năm, mang nhiều giá trị lịch sử - văn hóa, nổi bật nhất là giá trị kiến trúc nghệ thuật.
Đỉnh trầm mắt tre
Tuy được dời đến vị trí hiện đại vào đầu thế kỷ XX, đình Phong Phú vẫn giữ được kiến trúc nhà gỗ năm gian, mái ngói và kết cấu mặt bằng truyền thống của đình làng Nam Bộ. Nội thất đình được bài trí trang nghiêm, hài hòa với các khám thờ, bao lam, hoành phi, liễn đối,… sơn son thiếp vàng, chạm khắc tinh xảo với các đề tài mẫu đơn – trĩ, mai – điểu, trúc – hạc và các câu đối mang nội dung ca ngợi thần thánh, cầu mong làng xã bình yên, thịnh vượng,… Các hiện vật bằng đồng như đỉnh trầm hình trái đào, đỉnh trầm mắt tre, bộ binh khí, bộ bát bửu thể hiện nghệ thuật đúc đồng đầu thế kỷ XX.
Việc thờ cúng ở đình Phong Phú thể hiện sự hiện diện của người Hoa trong cộng đồng dân cư tại khu vực. Các vị thần thánh như Quan thánh đế quân, Chúa sinh nương nương được thờ ở chính diện thể hiện sự biến chuyển giao lưu tín ngưỡng của cư dân.
Ngoài Ban trị sự quản lý đình Phong Phú, còn có Hội Bảo thọ để giúp đỡ việc ma chay, tang chế khi những người cao tuổi họ qua đời. Hoạt động này mang ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Vì lịch sử đình Phong Phú gắn liền với lịch sử thôn Phong Phú, nên việc nghiên cứu những biến chuyển đổi thay của đình Phong Phú cũng giúp hiểu thêm về những thay đổi về hành chính, địa lý của thôn Phong Phú xưa.
Quang cảnh buổi Lễ trao và nhận bằng di tích kiến nghệ thuật đình Phong Phú
VI. Cơ sở pháp lý bảo vệ di tích:
Để bảo vệ và phát huy giá trị di tích đình Phong Phú, ngày 27/4/2009 Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định số 1766/QĐ-UBND về xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh thành phố. Đình Phong Phú được khoanh vùng bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa Việt Nam.
VII. Những tư liệu bổ sung – tham khảo:
Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc văn – NXB Giáo dục 1998.
Nguyễn Đình Đầu, Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn – Gia Định, NXB thành phố Hồ Chí Minh 1994.
|
|
Số lượt người xem:
44112
|
|
|
|
|
|
|
|
Object reference not set to an instance of an object.
|
|
|