Khi nói với nguồn gốc của trò chơi thả diều, người Rumani thường kể lại câu chuyện sau :
Tại làng nọ, có một người nghèo mà ai cũng gọi là Cob - Một tên gọi không mấy thân thiện - Người ta gọi ông bằng cái tên ấy vì hàm răng sún và đôi chân khập khiểng của ông, đi đến đâu, ông cũng trở thành trò đùa cho mọi người, nhưng ông vẫn bình thản, không hề than thân trách phận hoặc tỏ ra giận dữ, buồn phiền khi bị chọc ghẹo.
Cả đời ông chỉ băn khoăn một điều là chưa làm được việc gì lớn lao cho người khác nên tự an ủi “Ít ra mình cũng làm cho họ vui" mỗi khi ông bị đem ra làm trò cười.
Cho đến một hôm, ông nghĩ ra một món quà, đó là cánh diều bay lơ lửng trên không trung như ước mơ của ông, thế là ông đi nhặt những gì cần thiết, miệt mài cắt, xén, sơn, vẽ ... và hoàn thành một cánh diều óng ả, sáng chói như một đĩa bay. Khi cánh diều gặp gió bay cao, cả dân làng kéo nhau ra cánh đồng ngắm nhìn một cách thích thú và nhìn ông trìu mến.
Lặng lẽ điều khiển con diều bay cao cho mọi người chiêm ngưỡng, ông Cob mĩm cười và thầm nghĩ: Đây là quà tặng của con người khốn khổ nhất trong ngôi làng mang lại cho đồng loại của mình.
Lời cuối:
Một tác giả nào đó đã nói: “Trái tim không phải là món hàng để mua bán, mà là món quà để trao tặng, một trái tim không biết trao tặng là một trái tim chết". Sự giàu có và nghèo nàn có thể phân biệt thành giai cấp cung bậc, nhưng mỗi người đều chỉ có một trái tim, do đó, quà tặng xuất phát từ trái tim đều vô giá. Giá trị của món quà không nằm ở giá trị tiền bạc mà ở trái tim được gửi gắm qua món quà. Một ánh mắt, một nụ cười, một lời an ủi, một bàn tay nâng đỡ ... đó là những “trái tim" mà con người có thể trao tặng cho nhau.
(Sưu tầm)