SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
2
7
6
0
3
5
9
Giới thiệu 17 Tháng Giêng 2014 5:00:00 CH

Nhiều nghĩa cử cao đẹp cuối năm

Có thể nói chưa có nơi đâu hoạt động từ thiện nhiều như ở Thành phố Hồ Chí Minh, việc chăm lo cho người nghèo, cơ nhỡ không còn là chuyện riêng của các tổ chức chính trị, xã hội mà ngày càng có nhiều nhóm thiện nguyện chung tay góp sức cùng Thành phố chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh, góp phần tạo hình ảnh Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

 

Bữa cơm đến với người già neo đơn

Theo chân các bạn đoàn viên chúng tôi rong ruổi trên các con đường hẻm của phường 11, quận 8 để mang cơm đến cho các cụ già neo đơn. Thấy chúng tôi Bà Tám cười móm mém, ánh mắt vui mừng như đón những đứa cháu của mình. Các bạn đoàn viên dìu bà vào nhà, trong tích tắc các bạn dọn cơm ra, người thì quét cái nhà, người rửa đống bát chén hôm qua cho cụ, rồi nhanh chóng đi tiếp để giao cơm cho các cụ khác khi cơm còn nóng. Cứ như thế đã nhiều năm trôi qua, việc mang cơm đến cho các cụ già neo đơn được duy trì đều đặn ngày 2 bữa. Không chỉ có thế, mỗi khi giao cơm cho các cụ, các bạn đều để ý xem tình hình sức khỏe cụ thế nào, nếu thấy các cụ có vẻ mệt hay bệnh, thì sau đó có bạn đến chở các cụ đi khám bệnh. Một tháng hai lần các bạn lại tổ chức bữa ăn dinh dưỡng cho các cụ, gồm cơm với đầy đủ thịt, cá, rau, có khi là phở bò, cháo hoặc hủ tiếu … để cho các cụ có đủ dinh dưỡng và ăn ngon miệng hơn.  Nhân dịp tết Giáp Ngọ, Đoàn Phường tổ chức bữa cơm “Sum vầy ngày xuân” do chính tay các bạn đoàn viên nấu, mời các cụ đến dự trong không khí ấm áp, nghĩa tình, đoàn phường cũng tặng 16 phần quà cho các cụ.

Bà Mai, hàng xóm của Bà Tám, cho biết “Bà Tám tuổi già, chân đau không thể tự nấu cơm hay đi mua cơm. Mỗi ngày, hàng xóm cũng thường xuyên dòm ngó, giúp đỡ Bà tám, nhưng ai cũng có công việc, vì vậy mà từ ngày có các cháu đoàn viên mang cơm cho Bà cả xóm ai cũng thấy cảm kích trước tấm lòng của những bạn trẻ”. Còn Bà tám khi gặp chúng tôi thì rưng rưng nước mắt “các cháu như là người thân của tui, ngày nào cũng đến mang cơm, thăm hỏi”.

Không chỉ có các đoàn viên thanh niên phường 11 đem cơm cho các cụ mà nhiều đoàn phường khác cũng thực hiện như phường 8, 13, 14. Hầu như không có người già neo đơn nào trên địa bàn quận 8 không được mang cơm đến mỗi bữa, những phần cơm này được phân phát từ một ngôi chùa cũng trên địa bàn quận 8.   

 

 

 

 

Nơi nương tựa của những mảnh đời bất hạnh

 

Chùa Lâm Quang, phường 14, quận 8, sáng nào cũng có trên 20 người tình nguyện đến đây để nấu cơm cho các cụ già neo đơn đang ở tại chùa và cả ở bên ngoài. Chùa bắt đầu nuôi dưỡng các cụ già từ năm 1995, từ mười mấy cụ được Ni sư Thích nữ Huệ Tuyến, cũng là Trụ trì chùa mang về từ vỉa hè, bến xe, chợ. Đến nay số cụ ở đây đã tăng lên đến 135 cụ, trong đó có 32 cụ bệnh tật nặng hoặc già yếu nằm một chỗ.

Với 15 ni sư, 14 người làm công quả thường xuyên, mỗi bữa các cô nấu trên 230 suất cơm chay, trong đó, 135 suất ăn cho các cụ tại chùa, phần còn lại, nhà chùa chia cho những đoàn viên, thanh niên đến lấy cơm mang cho các cụ già neo đơn ở tại các khu dân cư. Không chỉ có đoàn viên thanh niên của quận 8 đến mang cơm cho người già mà còn có đoàn viên thanh niên quận 6, sinh viên các trường Đại học đến lấy cơm mang cho các cụ già neo đơn ở khắp các nơi trong Thành phố.

Ngoài việc lo bữa ăn ngày 2 cữ cho các cụ già tại chùa, mỗi ngày các ni sư và những người làm công quả còn tắm rửa, thay tã, thay gường nằm cho 32 cụ nằm tại chỗ. Vì vậy mà tuy nằm một chỗ nhưng các cụ luôn luôn sạch sẽ, nhờ được chăm sóc tốt các cụ kéo dài được tuổi thọ lâu hơn.

Cảm kích trước tấm lòng của các ni sư, nhiều nhà hảo tâm, phật tử kể cả kiều bào ở nước ngoài đã gởi tiền về chùa, cùng chung tay chăm lo cho các cụ, số tiền đóng góp tuy nhiều nhưng không ổn định, vì vậy mà trước đây các ni sư còn làm nhang, nay thì đi nấu cúng đám chay cho những gia đình nào có nhu cầu để tăng thêm thu nhập lo cho các cụ.  

Tết này, các cụ tại chùa được tặng mỗi người 1 bộ đồ mới để đón xuân. Nhà chùa cũng cùng với địa phương chăm lo 400 phần quà Tết cho những gia đình nghèo trên địa bàn phường 14, 15 quận 8.  

 

 

 

 Chiếc chăn ấm đêm đông

 

23g tối ngày 12/1/2013, các thành viên trong nhóm “Vòng tay nhân ái” bắt đầu tập trung tại công viên 23/9, chuẩn bị phân chia 200 phần quà gồm 1 chiếc mền, 2 cái áo, vài hộp sửa, thức ăn cho từng nhóm nhỏ, rồi chia nhau rong ruổi trên những đường phố về đêm. Họ đi đến từng ngóc ngách của chợ tìm những người “ngủ thớt thịt”, Bác chạy xích lô, người lượm bọc, người bán hàng rong ở khu vực Chợ Ông Lãnh, Chợ Bà Chiểu, đường Trần Quang Khải …  hễ gặp bất kỳ người sống lang thang, cơ nhỡ, không nhà cửa là mang quà đến tặng. Món quà không phải là lớn nhưng nó ấm lòng người nhận trong đêm đông lạnh giá.

  Nhận được những phần quà họ đều xúc động, có người nghẹn ngào đến  rưng rưng nước mắt, không phải vì của được cho, mà vì họ được sẻ chia, được cảm nhận tình người trong mỗi con người Việt Nam. Bác Năm người ngủ trên chiếc xích lô đã nói với chúng tôi “Mấy ngày nay trời lạnh quá, được các cô chú cho mền tôi thật cảm động”.

Không chỉ có những hoạt động từ thiện tại Thành phố Hồ Chí Minh mà hầu như tháng nào các thành viên trong nhóm cũng đi làm việc thiện tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, cứu trợ đồng bào lũ lụt. Thành viên trong nhóm là nhóm những người đến từ nhiều nơi, nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng có chung một tấm lòng nhân ái, họ quen biết nhau qua mạng xã hội facebook. Kinh phí cho mỗi lần làm công tác thiện nguyện từ vài chục triệu đến vài trăm triệu. Số tiền này được quyên góp từ  thành viên của nhóm, vận động mạnh thường quân và cộng đồng mạng trên facebook.

Anh Trần Vũ, thành viên của nhóm cho biết “Xã hội phát triển sẽ luôn luôn có 2 mặt, mặt tốt và mặt xấu, việc làm của chúng tôi ngoài việc giúp đỡ những người nghèo, khó khăn, cơ nhỡ, chúng tôi còn mong muốn mọi người thấy rằng xã hội mình còn nhiều điều tốt đẹp, nhiều người sống nhân ái. Lấy cái tốt đẹp để xua tan cái xấu. Vào ngày 25 tháng chạp này, nhóm sẽ tiếp tục đi tặng quà cho những người mù bán vé số”.

Chứng kiến cảnh các bạn đoàn viên mang cơm cho các cụ già, các ni sư, người làm công tác thiện nguyện, chúng tôi càng thấm thía ý nghĩa của tình thân, của gia đình. Ai cũng mong muốn có gia đình, một mái nhà, nhưng có những mảnh đời không may mắn, số phận bắt họ sống lang thang, cơ nhỡ, cô đơn đến lúc tuổi già thì tấm lòng của những người như các bạn đoàn viên, của ni sư và những người làm công tác thiện nguyện đã thắp sáng ngọn nến yêu thương của con người với con người, xua tan mọi cái xấu, vẽ nên những điều kỳ diệu của cuộc sống. 

 

 

 

(Ngọc Diễm – BTG QUQ8)

 

 


Số lượt người xem: 6082    
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm