Tối 30/8/2011 mình đến truyền thông tại tổ dân phố 33, Khu phố 2 Phường 4 Quận 8. Ca bệnh là bé Nguyễn Gia Huy, 29 tháng tuổi, địa chỉ 23A Đường 16. Chờ mãi đến 19g20 mới có được 12 người dự. Mình bắt đầu buổi truyền thông, nói chính xác hơn đó là buổi nói chuyện về phòng chống bệnh tay – chân – miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH). Mặc dù ít người nhưng người dân hào hứng nghe nên mình ráng nói được 55 phút (theo đồng hồ của bác tổ trưởng). Nội dung vừa TCM vừa SXH. Lúc chào bác tổ trưởng để ra về là 20g25 phút, về đến nhà là 21 giờ. Lúc ở nhà đi vội vì sợ trễ giờ nên chỉ kịp mang theo chai nước suối đang uống dở, còn có 1 phần 5 chai nước suối 500 ml. Trong thời gian chờ đợi mình đã uống cạn nên khi nói chuyện 55 phút khô cả cổ nhưng không hề có được ngụm nước thấm giọng (Rút kinh nghiệm lần sau phải mang theo chai nước đầy). Lúc trao đổi và từ giã bác tổ trưởng, miệng mình đắng chát, mệt, nhưng cũng may là được bác tổ trưởng khen mình nói hay nên có lẽ đó là phần thưởng duy nhất dành cho mình sau buổi tối truyền thông.
Mình hỏi bác tổ trưởng sao mà người dân tham dự ít thế, bác tổ trưởng vô tư trả lời: Mời nhiều chỗ đâu mà ngồi, nên tôi chỉ mời những hộ có trẻ và mời thêm 6 hộ không có trẻ (thực tế nhà bác tổ trưởng có chiếc sân khá rộng).
Theo yêu cầu của UBND Quận là phải mời hết tất cả các hộ dân trong tổ dân phố có ca bệnh và những hộ lân cận, phải mời cho được ít nhất 50 người dự trong 1 lần truyền thông. Thế mới biết tổ 51 khu phố 3 Phường 3 chị Út Bé làm tốt, không có nhà rộng, không có sân, người dân ngồi 2 bên đường đi của con hẻm nhỏ, vậy mà cũng được 30 người tham dự, ngồi nghe hào hứng cho đến lúc trời bất ngờ đổ cơn mưa lớn, cũng là lúc vừa nói đến câu cuối cùng.
Một bất ngờ thú vị là ba của bé Huy dự họp và hỏi những câu hỏi tìm hiểu về bệnh TCM, những câu hỏi của người chưa biết gì về TCM (mặc dù đã dán tờ rơi ngay trước nhà bé Huy). Bất ngờ kế tiếp: ba bé Huy cho rằng bé Huy bị lây bệnh ở trường mẫu giáo, nói chính xác hơn là một nhóm trẻ mầm non tư thục. Hỏi trường nào, ba bé Huy nói rằng xin phép không nói vì trường đó họ yêu cầu được giấu tên để cho họ làm ăn.
Trưa nay 6/9/2011 mình cùng anh Tín (Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Quận 8) và em Giang Trạm y tế Phường 4 đến nhà bé Huy để khảo sát thêm về tình hình vệ sinh, và mình đã khám phá thêm những bất ngờ thú vị:
Điều bất ngờ thứ nhất là: bé Huy đã 2 lần bị bệnh TCM, lần thứ nhất vào tháng 2/2011, và lần này vào tháng 8/2011. Lần thứ nhất bé được đưa đi khám và điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Lần thứ 2 bé được đi khám tại BV Nhi Đồng 1 vào ngày 16/8/2011, được điều trị ngoại trú và tái khám 3 lần, mỗi lần cách nhau 2 ngày. Ngày 26/8/2011 chị Tâm là mẹ bé Huy phát hiện bé có dấu hiệu lừ đừ, quấy khóc, nổi các bóng nước ở vùng mông nên đã đưa bé nhập viện Bệnh viện Nhiệt Đới, tại đây bé được chẩn đoán bệnh Tay-chân-miệng độ 2B. Và cuối cùng mẹ bé Huy đã nói ra cái điều mà ba bé Huy đã hứa giấu tên cho trường làm ăn: bé học ở trường mầm non tư thục Gấu Con, Phường 4 Quận 8. Bây giờ thì bé ở nhà, mẹ bé không cho đi học nữa, bé ở nhà với đứa em gái mới 5 tháng tuổi còn nằm trên võng cho bà nội (bị tai biến không nói được) ru cho bé ngủ.
Điều bất ngờ thứ hai là: nhìn vẻ bề ngoài thì nhà của bé Huy cũng tương đối, nhà có 1 lầu, nhưng khi đi vô phía sau thì phần đuôi nhà nằm trên Rạch Du, nước đen ngòm, bốc mùi hôi thúi. Nhà tắm, nhà vệ sinh tạm bợ, rất mất vệ sinh, thải trực tiếp xuống kênh rạch. Mẹ bé Huy nói rằng bé Huy xài bô. Vâng, xài bô nhưng mà đổ đi đâu, có lẽ là đổ phân và mầm bệnh xuống lòng kênh. Vậy thì lòng kênh Rạch Du này có mầm bệnh Tay-chân-miệng không? Chắc chắn là có vô khối virus TCM. Vậy thì làm sao mà phòng chống dịch TCM thành công ở khu vực này được?! Nhà bé Huy đã đến ngày thứ 8 xử lý ổ dịch nhưng mà sàn nhà lau không sạch, bước chân vô nhà cảm nhận thấy có cát dưới lòng bàn chân. Mình đã truyền thông cho gia đình rằng thì là phòng chống TCM chủ yếu là giữ vệ sinh, thực hiện 3 sạch: sạch bàn tay, sạch nhà cửa, sạch môi trường. Sạch nhà cửa không có nghĩa là chỉ có lau sàn nhà, mà phải làm tổng vệ sinh toàn bộ nhà cửa, mùng mền, chiếu gối, giày dép v.v..
Còn sạch môi trường thì mình đã vận động gia đình nên xây bức tường cách ly với con rạch hôi thối phía sau nhà, nên đào hầm cầu, làm nhà vệ sinh tự hoại và nhà tắm ngay trên phần đất của nhà mình. Chỉ có như vậy mới khắc phục được tình trạng mất vệ sinh. Mình giải thích cho gia đình rằng thì là quan niệm về kiến trúc hiện nay người ta xếp thứ tự ưu tiên thứ nhất là toilet, thứ hai là bếp, thứ ba là phòng ngủ và ưu tiên cuối cùng là phòng khách, bởi vì khách thì 5 thuở 10 thì mới có khách, còn toilet và bếp thì phải sử dụng mỗi ngày.
Mình hỏi các nhà khác thì có nhà vệ sinh không, chị Tâm trả lời: họ cũng dzậy!. Vậy là cần có bàn tay của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Trưa nay vừa về đến nhà là mình móc điện thoại nhắn tin tham mưu ngay cho lãnh đạo. Phải nói rằng các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Quận rất quan tâm, phản ứng rất nhanh, trả lời tin nhắn ngay lập tức, nội dung: “Tôi sẽ chỉ đạo”, “Tôi sẽ kiểm tra”.
Rồi sẽ có một ngày dòng kênh trong xanh trở lại như thuở nào chưa người đến. Con người là chủ thể bảo vệ môi trường và con người cũng là thủ phạm tàn phá, hủy diệt môi trường sống của chúng ta.
Nếu mà có ai nhìn thấy mình viết những dòng này thì thế nào cũng mỉa mai rằng thì là “cha này làm chuyện bao đồng”. Không sao, một ngày mai mình sẽ thấy rằng, việc làm của mình sẽ rất có ý nghĩa, và biết đâu đấy có một ai đó sẽ nói lời cám ơn.
(BS.Thuần – Q8)