Quản lý quỹ tiền mặt
- Thực hiện đúng quy trình thu, chi tiền mặt và công khai quy trình tại đơn vị.
- Quy trình thu tiền:
(1) Người được giao nhiệm vụ thu tiền, thu bằng biên lai thu tiền hoặc biên laithu phí, lệ phí.
(2) Cuối ngày, người được giao nhiệm vụ thu tiền phải căn cứ liên lưu để lập bảng kê biên lai thu tiền, nộp cho kế toán. Kế toán kiểm tra, lập phiếu thu.
(3) Thủ trưởng đơn vị ký duyệt phiếu thu.
(4) Phiếu thu chuyển thủ quỹ làm thủ tục nhập quỹ, thủ quỹ ghi số tiền thực tế nhập quỹ bằng chữ vào phiếu thu trước khi ký tên.
- Quy trình chi tiền mặt:
(1) Căn cứ đề nghị của người nhận tiền (trừ các khoản lương và có tính chất lương), kế toán kiểm tra, lập phiếu chi.
(2) Thủ trưởng đơn vị ký duyệt phiếu chi.
(3) Phiếu chi chuyển thủ quỹ làm thủ tục xuất quỹ, người nhận tiền phải ghi số tiền đã nhận bằng chữ vào phiếu chi, ký và ghi rõ họ tên.
- Chỉ xuất quỹ chi khi đã có phiếu chi do thủ trưởng đơn vị, kế toán ký duyệt; nếu tạm ứng thì phải có giấy đề nghị tạm ứng được thủ trưởng đơn vị và phụ trách kế toán ký duyệt. Khi chi tiền mặt cho đại diện của một tổ chức cần lưu giữ giấy giới thiệu. Trường hợp xuất quỹ nộp tiền vào tài khoản và ngân sách nhà nước thì phải có giấy nộp tiền vào kho bạc có đầy đủ thủ tục (hoặc ngân hàng trong trường hợp được mở tài khoản tại ngân hàng) để chứng minh việc đã nộp.
- Việc kiểm kê quỹ tiền mặt được tiến hành định kỳ vào cuối tháng, cuối quý, cuối năm và đột xuất, khi bàn giao quỹ. Khi tiến hành kiểm kê phải có Ban kiểm kê, trong đó thủ quỹ và phụ trách kế toán là thành viên, sử dụng Biên bản kiểm kê quỹ theo quy định của chế độ kế toán. Hàng tháng, thủ trưởng đơn vị kiểm tra và ký duyệt vào sổ quỹ tiền mặt của thủ quỹ.
- Thực hiện kiểm kê tiền mặt đột xuất (không báo trước) ít nhất một lần trong một quý. Gửi biên bản kiểm kê đột xuất về Phòng Tài chính – Kế hoạch chậm nhất ngày đầu quý sau, nếu không gửi xem như không tổ chức kiểm kê tiền mặt đột xuất.
Quản lý tiền gửi
- Khoá sổ tiền gửi hàng tháng; đối chiếu số dư tiền gửi kho bạc, ngân hàng giữa sổ kế toán với bảng xác nhận số dư của kho bạc, ngân hàng.
- Kiểm tra số dư tiền gửi kho bạc, ngân hàng, bằng cách đối chiếu chứng từ thu chi từ tài khoản tiền gửi (giấy báo nợ, giấy báo có, giấy nộp tiền vào tài khoản, uỷ nhiệm chi…).
- Kiểm tra các sổ tiết kiệm do đơn vị đứng tên thay cho các hộ dân, cá nhân (theo quy định) chưa chịu nhận tiền bồi thường và các trường hợp khác.
Quản lý nguồn thu sự nghiệp (phí, lệ phí, thu dịch vụ, thu khác), tài trợ, viện trợ
- Xây dựng quy trình thu, nộp các khoản thu giữa các bộ phận thu và bộ phận kế toán của đơn vị: Cách thức nộp tiền, thời gian nộp, chứng từ thu, nộp và các yếu tố ghi trên chứng từ, thanh toán biên lai thu.
- Thường xuyên đối chiếu, kiểm tra số thu của đơn vị: Nghĩa vụ thu, nộp, thanh toán nợ; đối chiếu thu, nộp giữa các bộ phận của đơn vị; đối chiếu số thu với mức thu quy định, số phải thu, số đã thu; việc thu, nộp và thanh toán biên lai thu phải kịp thời.
- Chấp hành đúng quy định về sổ sách kế toán; quản lý tài chính của nhà nước, bảo đảm thủ tục thu, nộp, sử dụng các nguồn tài chính (ngân sách, thu sự nghiệp, thu dịch vụ, thu khác, thu tài trợ, viện trợ, quỹ cơ quan, thu hộ)
- Xây dựng quy chế quản lý thu phí, lệ phí, hoạt động sự nghiệp có thu, hoạt động dịch vụ theo nguyên tắc quản lý thống nhất, bảo đảm đầy đủ chứng từ kế toán; xác định đầy đủ các yếu tố chi phí; lập dự toán, theo dõi tiến độ thu, báo cáo tình hình thực hiện, quyết toán theo quy định.
- Công khai mức thu, số thu các khoản thu phí, lệ phí; cho thuê mặt bằng, hoạt động sự nghiệp có thu; thu đóng góp của nhân dân.
* Đối với các khoản thu dịch vụ (như cho thuê mặt bằng; dịch vụ về khám, chữa bệnh…), phải thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định.
Từ ngày 01/01/2009, tỷ lệ tính thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán căn cứ Quyết định 16333/CT-QĐ (về việc ban hành biểu tỷ lệ giá trị gia tăng tính trên doanh thu) và Quyết định 16334/CT-QĐ ngày 30/12/2008 (về việc ban hành biểu tỷ lệ thu nhập chịu thuế tính trên doanh thu) của Cục Thuế thành phố.
Ví dụ: đối với việc cho thuê mặt bằng, thuế giá trị gia tăng = doanh thu x 38% x 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp = doanh thu x 35% x 25%.
Quy định việc sử dụng mặt bằng vào hoạt động dịch vụ của đơn vị sự nghiệp
Thực hiện theo Công văn số 4200/UBND-TC ngày 30/3/2010 của Ủy ban nhân dân quận 8.
1. Nguyên tắc
- Chỉ sử dụng một phần diện tích để trực tiếp tổ chức hoạt động dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ hoặc phục vụ, hỗ trợ cho hoạt động của đơn vị, trên cơ sở khai thác quỹ nhà, đất của đơn vị để nâng cao hiệu quả sử dụng.
- Trong trường hợp sử dụng mặt bằng vào hoạt động giữ xe, dịch vụ ăn uống (căn tin) mà không có đủ nhân lực trực tiếp tổ chức, đơn vị có thể giao khoán cho tổ chức, cá nhân khai thác mặt bằng theo hình thức ngắn hạn và nộp cho đơn vị một khoản thu để bổ sung vào nguồn kinh phí hoạt động.
- Đối với việc sử dụng mặt bằng vào hoạt động dịch vụ của các hạng mục thuộc trụ sở làm việc trong thời gian ngắn, không liên tục (hội trường, phòng họp, phòng hội thảo, phòng thí nghiệm...), sau khi bàn bạc trong tập thể lãnh đạo, thảo luận thống nhất trong đơn vị, thủ trưởng đơn vị quyết định và công khai mức thu, báo cáo mức thu về Phòng Tài chính - Kế hoạch quận 8, đồng gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 8 (đối với khối giáo dục) để theo dõi. Mức thu phải được niêm yết tại trụ sở đơn vị và thu theo mức thu đã quyết định.
2. Quản lý số tiền thu được từ sử dụng mặt bằng vào hoạt động dịch vụ
- Đơn vị hạch toán riêng và sử dụng để thanh toán các chi phí có liên quan, nộp thuế và nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước theo quy định; số còn lại bổ sung vào nguồn kinh phí hoạt động.
- Chi phí liên quan đến việc sử dụng mặt bằng vào hoạt động dịch vụ bao gồm: chi phí khấu hao tài sản cố định; chi phí quản lý; chi phí khác có liên quan.
3. Công khai việc sử dụng mặt bằng vào hoạt động dịch vụ
- Đơn vị phải thực hiện công khai phương thức sử dụng; tổ chức, cá nhân nhận khoán; giá khoán nộp; quản lý, sử dụng các khoản thu.
- Hình thức công khai, thời hạn công khai, chế độ báo cáo công khai thực hiện theo Quyết định số 115/2008/QĐ-TTg ngày 27/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 07/2009/TT-BTC ngày 15/01/2009 của Bộ Tài chính (Biểu 02B).
4. Tổ chức thực hiện
a) Đơn vị lập phương án sử dụng mặt bằng vào hoạt động dịch vụ, bao gồm các tiêu chí tùy theo đặc điểm hoạt động như: phương thức khai thác (tự tổ chức hoặc giao khoán); dự kiến tổng thu, chi phí, nộp thuế; giá khoán nộp và thời hạn khai thác trong trường hợp giao khoán; hình thức lựa chọn trong trường hợp giao khoán (trực tiếp bằng lời nói của các tổ chức, cá nhân đăng ký; bỏ phiếu; gửi hồ sơ tham gia; hình thức khác); mức thu theo quy định trong trường hợp Nhà nước có quy định giá (ví dụ như phí trông giữ xe…), sử dụng chứng từ thu (biên lai, hóa đơn, tem, vé...) theo quy định của cơ quan thuế; các vấn đề khác.
b) Thủ trưởng đơn vị quyết định thành lập hội đồng xem xét phương án, đồng thời làm nhiệm vụ hội đồng xét chọn tổ chức, cá nhân khai thác mặt bằng trong trường hợp giao khoán. Thành phần hội đồng bao gồm lãnh đạo, phụ trách kế toán, đại diện ban chấp hành công đoàn cơ sở, ban thanh tra nhân dân, các thành viên khác, mời cấp ủy tham gia. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc công khai, dân chủ, có ghi biên bản họp (nêu rõ giá khoán nộp khởi điểm trong trường hợp giao khoán) và thủ trưởng đơn vị quyết định phê duyệt phương án.
c) Trường hợp đơn vị tự tổ chức hoạt động dịch vụ
- Xây dựng quy chế quản lý hoạt động dịch vụ theo nguyên tắc quản lý thống nhất; thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm về mọi mặt hoạt động thu chi.
- Quy định việc trích khấu hao tài sản, chi phí duy tu và sửa chữa.
- Khi xây dựng dự toán và trong quá trình hoạt động dịch vụ, đơn vị phải xác định đầy đủ các yếu tố chi phí, bảo đảm nguyên tắc bù đắp được chi phí và có tích lũy.
d) Trường hợp giao khoán cho tổ chức, cá nhân khai thác mặt bằng để tổ chức giữ xe, dịch vụ ăn uống (căn tin)
- Thông báo công khai phương án đã được quyết định, niêm yết tại trụ sở để lựa chọn tổ chức, cá nhân khai thác mặt bằng, thời gian từ khi thông báo công khai đến ngày tổ chức xét chọn tối thiểu là 30 ngày.
- Trường hợp giá khoán nộp dự kiến từ 100 triệu đồng (Một trăm triệu đồng) trở lên (tính cho cả thời hạn khai thác) thì thực hiện theo phương thức đấu giá do đơn vị tự tổ chức, thông báo công khai mời tham gia trên báo của thành phố ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ba ngày, bảo đảm thời gian từ khi thông báo công khai đến ngày tổ chức xét chọn tối thiểu là 30 ngày.
- Việc tiếp nhận và quản lý hồ sơ tham gia khai thác mặt bằng theo chế độ quản lý hồ sơ mật.
- Việc xét chọn tổ chức, cá nhân tham gia khai thác mặt bằng được tiến hành công khai ngay sau thời điểm hết hạn, phải có từ hai tổ chức, cá nhân trở lên tham gia; thông tin nêu trong từng hồ sơ tham gia được công bố công khai trong buổi xét chọn, được ghi lại trong biên bản có chữ ký xác nhận của các thành viên trong hội đồng. Nếu chỉ có một tổ chức hoặc cá nhân tham gia thì hội đồng xem xét lựa chọn nhưng giá khoán nộp phải ít nhất bằng giá khoán nộp dự kiến theo phương án đã được quyết định.
- Việc xét chọn được thực hiện bằng một trong các hình thức: trực tiếp bằng lời nói của các tổ chức, cá nhân đăng ký; bỏ phiếu; gửi hồ sơ tham gia; hình thức khác.
- Căn cứ kết quả xét chọn của hội đồng; thủ trưởng đơn vị quyết định lựa chọn tổ chức, cá nhân được giao khoán; tiến hành thương thảo, ký hợp đồng.
- Hợp đồng được lập theo quy định của Bộ luật dân sự ngày 14/6/2005, lưu ý tổ chức, cá nhân được giao khoán phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, nộp thuế và nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước, bảo đảm giá dịch vụ theo quy định trong trường hợp Nhà nước có quy định giá (ví dụ như phí trông giữ xe…), sử dụng chứng từ thu (biên lai, hóa đơn, tem, vé...) theo quy định của cơ quan thuế; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phạt vi phạm hợp đồng.
5. Các trường hợp cho thuê kho, bãi; sử dụng đất để liên doanh, liên kết; giao khoán sử dụng mặt bằng có thời hạn từ 02 năm trở lên và các trường hợp khác phải báo cáo Ủy ban nhân dân quận 8 chấp thuận trước khi thực hiện.
6. Đối với hợp đồng cho thuê mặt bằng đang thực hiện thì được tiếp tục cho đến hết hạn hợp đồng. Sau khi hết hạn hợp đồng, đơn vị thực hiện đúng theo hướng dẫn nêu trên.
Thu, chi tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước
Thông tư số 33/2006/TT-BTC ngày 17 tháng 4 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý thu, chi tiền mặt qua hệ thống Kho bạc Nhà nước.
- Khi có phát sinh các khoản thu ngân sách nhà nước bằng tiền mặt (như phí, lệ phí,…), các đơn vị phải có trách nhiệm nộp đầy đủ, kịp thời số tiền mặt đã thu vào Kho bạc Nhà nước theo chế độ quy định; đơn vị không được tọa chi tiền mặt, trừ trường hợp được để lại chi theo chế độ quy định.
- Khi thanh toán tiền mua hàng hoá, dịch vụ với các đơn vị, tổ chức, cá nhân khác có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước, các đơn vị giao dịch phải thanh toán bằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, trừ trường hợp thanh toán nhỏ có giá trị không vượt quá 5 triệu đồng đối với một khoản chi thì được thanh toán bằng tiền mặt.
Quy định về quản lý, sử dụng hoa hồng
Thông tư số 76/2006/TT-BTC ngày 22 tháng 8 năm 2006 của Bộ Tài chính. hướng dẫn thực hiện Nghị định số 68/2006/NĐ-CP ngày 18/7 /2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
a) Nếu nhận được khoản hoa hồng phải kê khai, nộp lại đầy đủ, kịp thời cho cơ quan, tổ chức và được quản lý và sử dụng như sau:
- Đối với hoa hồng nhận được bằng tiền được coi như nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp, kinh phí giao tự chủ, được quản lý, sử dụng như kinh phí hoạt động thường xuyên của cơ quan, tổ chức.
- Đối với khoản hoa hồng nhận được bằng hiện vật, phải quản lý, sử dụng theo chế độ quản lý tài sản hiện hành. Các khoản hoa hồng nhận được bằng hiện vật mà cơ quan, tổ chức không có nhu cầu sử dụng phải thực hiện bán đấu giá công khai để thu tiền và quản lý, sử dụng theo quy định như đối với hoa hồng bằng tiền.
b) Cơ quan, tổ chức phải công khai việc kê khai, nộp lại, quản lý, sử dụng các khoản hoa hồng. Việc công khai các khoản hoa hồng là một nội dung công khai tài sản, tài chính của cơ quan, tổ chức, được thực hiện dưới các hình thức sau:
- Đối với các khoản hoa hồng nhận được bằng tiền phải công khai trong báo cáo tài chính của cơ quan, tổ chức.
- Đối với các khoản hoa hồng nhận được bằng hiện vật phải công khai trong báo cáo công khai về quản lý, sử dụng tài sản của cơ quan, tổ chức.
Quy chế quản lý quà tặng
Thực hiện theo Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức.
Đối với phường
- Trích nộp kịp thời số 95% Quỹ Phòng chống lụt bão về quận, phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường theo đúng số thu thực tế phát sinh.
- Kiểm tra, phê duyệt dự toán, quyết toán đối với các hoạt động sự nghiệp có hạch toán kế toán độc lập.
Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh
Điều 11 Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh theo Quyết định số 11/2008/QĐ- BGDĐT ngày 28/3/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp từ đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh theo nghị quyết cuộc họp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện học sinh lớp.
- Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo nghị quyết của cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện học sinh trường.
- Kinh phí phục vụ cho việc tổ chức các hoạt động chăm sóc, động viên, giáo dục học sinh có từ các nguồn dưới đây:
+ Đóng góp kinh phí của cha mẹ học sinh cho Ban đại diện cha mẹ học sinh theo nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc.
+ Nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác.
- Quản lý và sử dụng kinh phí của Ban đại điện cha mẹ học sinh:
+ Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp chủ trì phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được đóng góp, tài trợ, hiện vật được biếu tặng và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp thống nhất ý kiến.
+ Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất với hiệu trưởng để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí huy động được và chỉ sử dụng sau khi được toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến.
- Việc thu chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, báo cáo công khai tình hình thu chi và quyết toán kinh phí tại các cuộc họp cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.
Sử dụng nguồn thu viện phí
Thông tư liên tịch số 13/2006/TTLT-BYT-BTC-BLĐTB&XH ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Khoản thu một phần viện phí, kể cả viện phí do cơ quan Bảo hiểm Xã hội thanh toán cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế là nguồn thu của ngân sách nhà nước, được để lại toàn bộ cho cơ sở khám chữa bệnh sử dụng để phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Đơn vị được chủ động sử dụng nguồn tài chính này theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Lưu ý sử dụng tối thiểu 35% số thu để lại theo chế độ (sau khi trừ chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hoá chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế) để tạo nguồn cải cách tiền lương.
- Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện thu một phần viện phí có trách nhiệm mở sổ theo dõi, phản ánh và tổng hợp đầy đủ, chính xác nguồn thu một phần viện phí, tổ chức hạch toán, kế toán, báo cáo quyết toán theo quy định.
- Việc thu tiền viện phí phải sử dụng hoá đơn, biên lai theo mẫu do Bộ Tài chính ban hành.
- Các khoản chi từ nguồn thu một phần viện phí được hạch toán, quyết toán vào các mục, tiểu mục chi tương ứng của mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
- Việc ghi thu - ghi chi viện phí thực hiện theo các quy định hiện hành.
Quản lý tiền, hàng viện trợ
Thông tư số 82/2007/TT-BTC ngày 12/7/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước.
Hồ sơ bàn giao tài chính, tài sản
1. Thủ trưởng đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ, tài liệu bàn giao cho người tiếp nhận nhiệm vụ. Việc bàn giao phải lập thành biên bản, bao gồm các nội dung:
- Tồn quỹ tiền mặt thực tế, kèm Biên bản kiểm kê quỹ theo Mẫu C34-HD của Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp.
- Số dư từng khoản thu tại tài khoản dự toán, tài khoản tiền gửi.
- Toàn bộ tài sản cố định, kèm Biên bản kiểm kê tài sản cố định theo Mẫu C53- HD của Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp.
- Vật tư, công cụ, sản phẩm, hàng hóa (nếu có, trong trường hợp có theo dõi qua kho) kèm Biên bản kiểm kê vật tư, công cụ, sản phẩm, hàng hóa theo Mẫu C23-HD của Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp.
- Các khoản công nợ, tạm ứng, phải thu, phải trả (nếu không có, ghi “Không có”).
- Việc ký duyệt các chứng từ, sổ sách trước khi bàn giao: Ghi rõ “Đã thực hiện đầy đủ”, trường hợp chưa thực hiện đầy đủ thì ghi rõ nguyên nhân, ý kiến của người bàn giao và người nhận bàn giao.
- Các vấn đề tài chính, tài sản cần tiếp tục theo dõi, vấn đề khác có liên quan.
2. Thời hạn bàn giao chậm nhất là ngày người nhận bàn giao tiếp nhận nhiệm vụ theo quyết định bổ nhiệm (trừ trường hợp đặc biệt phải báo cáo Ủy ban nhân dân quận 8 xem xét). Trường hợp không được bàn giao theo quy định, người tiếp nhận nhiệm vụ có trách nhiệm báo cáo về Ủy ban nhân dân quận 8.
3. Hồ sơ bàn giao gửi về Phòng Nội vụ, Phòng Tài chính - Kế hoạch quận 8 chậm nhất trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày ký biên bản bàn giao. Các trường học gửi thêm 01 bộ hồ sơ về Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 8.
4. Đối với các chợ, các đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân phường, giao Ủy ban nhân dân phường hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện.
5. Đối với việc bàn giao phụ trách kế toán (hoặc kế toán trưởng), giao Thủ trưởng đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường tổ chức thực hiện, lưu giữ biên bản bàn giao theo quy định.
Nội dung hợp đồng theo Bộ luật Dân sự năm 2005
- Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
- Nội dung của hợp đồng dân sự (Điều 402):
Tuỳ theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thoả thuận về những nội dung sau:
1. Đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm;
2. Số lượng, chất lượng;
3. Giá, phương thức thanh toán;
4. Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
5. Quyền, nghĩa vụ của các bên;
6. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
7. Phạt vi phạm hợp đồng;
8. Các nội dung khác.
- Phụ lục hợp đồng (Điều 408): Kèm theo hợp đồng có thể có phụ lục để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng. Trong trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.
* Lưu ý: Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế đã được bãi bỏ.
Luật Thuế Thu nhập cá nhân có hiệu lực từ ngày 01/01/2009
Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công, bao gồm (trích):
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công; trừ phần tiền lương làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương làm việc ban ngày, làm trong giờ theo quy định của pháp luật.
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công, phụ cấp quốc phòng, an ninh, phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm, phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật, trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động, các khoản trợ cấp khác do Bảo hiểm xã hội chi trả, trợ cấp giải quyết tệ nạn xã hội.
c) Tiền thù lao dưới các hình thức.
d) Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hội đồng quản lý và các tổ chức.
đ) Các khoản lợi ích khác mà đối tượng nộp thuế nhận được bằng tiền hoặc không bằng tiền.
e) Tiền thưởng, trừ các khoản tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế, tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.