BÀI DỰ THI: “DÂN TA PHẢI BIẾT SỬ TA”
TRẦN NHỰT CHINH
Sinh năm 1978
Đơn vị công tác: Ủy ban nhân dân Phường 14 Quận 8.
Phần Trắc nghiệm: 1-D; 2-D, 3-B, 4-B, 5-A, C-6, 7-A, 8-A , 9-C, 10-D, 11-B, 12-C, 13-B, 14-C, 15-A.
Phàn câu hỏi mở: Tôi chọn câu 2 về hiến kế làm sao cho việc học tập lịch sử của học sinh trong trường học sinh động và dể tiếp thu.
Người lớn đã nhiều phen phải thở dài ngao ngán khi con em mình say mê phim dã sử Trung Quốc, Hàn Quốc hơn là những anh hùng áo vải, những cuộc khởi nghĩa của Bà Trưng, Bà Triệu được lưu danh muôn đời. Nguyên nhân do đâu? Một giáo sư Sử học kể lại: "Tôi từng dự giảng ở một trường THPT có tiếng tại Hà Nội, nhưng giáo viên như một chiếc máy nói từng bài, từng bài "nhồi" kiến thức, còn học sinh thì ra sức học thuộc lòng một cách... vô cảm. Hình thức tiếp cận môn sử giờ đơn điệu quá!".
Phó giáo sư Phạm Xanh thì ngậm ngùi nói: "Sử học là nền tảng của tri thức công dân, nhưng hiện nay thi tốt nghiệp phổ thổng năm có sử, năm thì không, học sinh nếu không thi khối C sẽ bỏ bẵng môn này từ năm lớp 11. Một số nước giáo dục phát triển mạnh như Pháp, Malaysia, lịch sử là môn thi tốt nghiệp bắt buộc. Họ cho rằng lịch sử rất gần với chính trị, văn hóa và đạo đức, họ muốn học sinh của họ khi ra nước ngoài sẽ tự tin với kiến thức sử học dân tộc dày dặn. Tôi thấy "đau" khi nhìn một học sinh cấp I của Nga vanh vách kể chuyện hồng quân Liên Xô". (trích bài Nổi buồn khi chấm môn sử - Báo Công an nhân dân).
Cần phải có cách nhìn, cách nghĩ và một phương pháp dạy học mới cho bộ môn Lịch sử. Không chỉ đợi đến kết quả của kỳ thi đại học năm nay chúng ta mới giật mình và gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh việc học và dạy môn lịch sử hiện nay ở nhà trường phổ thông mà ngay từ nhiều năm trước phụ huynh, học sinh và cả giáo viên cũng đều cảm thầy rất buồn khi môn Lịch sử thực sự bị xem là một môn phụ trong chương trình học ở phổ thông. Năm nào không thi tốt nghiệp môn Sử thì lập tức môn học bị xếp qua một bên, nhà trường sẽ chỉ chạy bài cho hết chương trình theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thời gian tập trung chủ yếu cho các môn Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ.
Tuy nhiên chúng ta không thể trách nhà trường, mà nên nhìn nhận thấy một vấn đề thực tại trong xã hội là hầu như đa số người dân Việt hiện nay rất mù mờ về lịch sử dân tộc. Vì sao vậy? Theo tôi có rất nhiều nguyên nhân, nhưng tôi chỉ xin nêu ra một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, các thông tin báo chí, truyền hình, rất ít truyền tải những kiến thức lịch sử dân tộc đến công chúng dưới các hình thức. Đã thế hàng ngày các kênh đài truyền hình, các tạp chí... luôn chiếu và bình luận những phim dã sử Trung Quốc, Hàn Quốc... vì vậy mà người dân Việt Nam bây giờ rành lịch sử Trung Quốc hơn lịch sử Việt Nam.
Hiện nay, đang có bộ truyện tranh "thần đồng đất Việt" được các em thiếu nhi rất yêu thích, đó cũng là một cách gián tiếp giáo dục lịch sử cho các em. Một chi tiết các em đọc trong truyện nhiều khi còn đọng lại trong trí nhớ lâu hơn là bài học phải học thuộc lòng trên lớp.
Thứ hai, cách dạy và học ở phổ thông không phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện nay. Cần phải cải cách phương pháp giảng dạy. Thay vì dạy chay, học chay, giáo viên cần phải sử dụng thật nhiều các phương tiện giảng dạy hiện đại như đầu máy, tivi, máy vi tính .. chiếu các phim ảnh tư liệu lịch sử để học sinh xem và ghi nhớ. Chen vào các bài giảng nên có những câu chuyện lịch sử để giờ học thêm sinh động, sẽ cuốn hút học sinh hơn.
Học sử cũng nên học bằng cách dã ngoại, mắt thấy tai nghe thì người học dễ tiếp nhận hơn là ngồi nhà học gạo học vẹt như cái máy. Ví dụ học về chiến thắng Điện Biên Phủ, giáo viên cần có sa bàn, chiếu phim tài liệu, nên cho các em đến các viện bảo tàng vừa tham quan vừa nghe giảng. Tốt hơn nữa là cho các em đi du lịch đến Điện Biên để tận mắt các em thấy vùng rừng núi Điện Biên như thế nào. Cách dạy này không phải là mới, ở các nước phương Tây người ta áp dụng từ rất lâu.
Thứ ba là cách tổ chức thi. Chúng ta nên sử dụng các hình thi trắc nghiệm, câu hỏi thi nên cô đọng vào các sự kiện, các biến cố lịch sử. Không nên hỏi theo kiểu dàn trải bắt học sinh phải học thuộc lòng như vẹt. Xã hội ngày càng phát triển, dung lượng kiến thức ngày càng nhiều mà bộ não của học sinh thì không thể dung nạp hết tất cả kiến thức một cách chi tiết, tỉ mỉ. Khi giảng khi nói chuyện thì giáo viên nên nói nhiều, nhưng sau đó cần cô đọng kiến thức, chốt lại những điểm trọng tâm.
Thứ tư, là người rất yêu lịch sử nên tôi cũng thấy cám cảnh cho vị trí của môn Sử học hiện nay. Một so sánh nhỏ để thấy các kênh đài truyền hình hiện nay tổ chức rất nhiều cuộc thi, rất nhiều trò chơi hấp dẫn, với rất nhiều giải thưởng cao, có những cuộc chơi người chơi chỉ cần may mắn nói đúng một câu đơn giản là có thể ôm giải thưởng cả chục triệu đồng về nhà. Vậy mà cuộc thi "Theo dòng lịch sử" của VTV1 tổ chức, một cuộc thi rất hay, rất trí tuệ và đặc biệt rất có ý nghĩa, đó là một cách giáo dục lịch sử rất thiết thực, lại có giá trị phần thưởng cho người thắng cuộc quá khiêm tốn, không xứng đáng với những kiến thức và lòng nhiệt tình, say mê của người tham gia cuộc thi. Điều quan trọng là không kích thích được mọi người quan tâm và tham dự cuộc chơi.
Qua cuộc thi “Dân ta phải biết sử ta”, tôi cũng có vài ý nhỏ xin đóng góp, với mong muốn làm sao nhanh chóng tìm ra một giải pháp tốt nhất để cứu vãn tình trạnh hổng hụt kiến thức lịch sử trong nhà trường phổ thông hiện nay.