Trưng Trắc là chị, Trưng Nhị là em. Hai Bà Trưng thuộc dòng tộc Lạc Việt, con vị Lạc tướng ở Mê Linh (nay là huyện Phúc Thọ - Hà Tây).
Trưng Trắc là người can đảm, dũng lược. Vào mùa xuân, năm 40, Trưng Trắc và Trưng Nhị nổi lên đánh phá quận Giao Chỉ. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng giành được thắng lợi trên phạm vi lãnh thổ lớn rộng, không chỉ ở đất Âu Lạc mà còn ảnh hưởng đến khắp vùng Lĩnh Nam. Hai Bà Trưng đã lật đổ được ách thống trị của nhà Đông Hán, tự lập nhà nước mới, đóng đô ở Mê Linh. Nhà nước của Trưng Vương đã được củng cố lại cơ cấu quyền lực dựa trên nền tảng những Lạc tướng ở huyện trong đó mục tiêu quan trọng hàng đầu là củng cố và tăng cường lực lượng vũ trang để chống trả mưu toan quay lại thôn tính đất nước Âu Lạc của nhà Đông Hán.
Nhớ đến khí phách của Hai Bà Trưng, những câu kể trong sách Đại Nam quốc sử diễn ca như sau :
“Bà Trưng quê ở Châu Phong,
Giận quân hung bạo, thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền,
Phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân.
Ngàn tây nổi áng phong trần,
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên.
Hồng quần nhẹ bước chinh yên,
Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thùy.
Đô kỳ đóng cõi Mê Linh,
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.”
Thiên Nam ngữ lục cũng ghi lại nghĩa khí “đền nợ nước trả thù nhà” của Hai Bà như sau :
“Một xin rửa sạch quốc thù,
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng.
Ba kẻo oan ức lòng chồng,
Bốn xin vẹn vẹn sở công lênh này”.
BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY
(Tài liệu tham khảo : Lịch sử Việt Nam, tập 3 của Hội Đồng Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh – Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 2007).