THÀNH TÂY ĐÔ (THÀNH NHÀ HỒ)
Thành Tây đô được xây vào năm 1397 dưới sự chỉ đạo của Hồ Quý Ly, ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Xưa kia vùng đất này là Động An Tôn (Thanh Hóa) nên còn gọi là Thành An Tôn. Tòa thành được Hồ Quý Ly cho xây từ trước khi đoạt ngôi nhà Trần.
Thành xây xong, Hồ Quý Ly cho đổi trấn Thanh Hóa thành trấn Thanh Đô và buộc vua Trần Thuận Tông bỏ Thăng Long dời đô về đây (1397). Năm sau Hồ Quý Ly ép vua phải nhường ngôi cho con là Trần Án, mới ba tuổi. Trần Án lên ngôi tại thành An Tôn. Từ đó Thành An Tôn được xem như kinh đô mới và được đổi tên là Tây Đô.
Năm 1400, sau khi cướp ngôi nhà Trần Hồ Quý Ly lên làm vua và đóng đô ở đây. Tây Đô được đổi tên thành Quốc Đô. Tên Thành Nhà Hồ mới xuất hiện sau này, từ khi triều đại nhà Hồ được xem là triều đại chính thống trong lịch sử.
Thành nhà Hồ được xây với một bình đồ gần vuông. Chiều dài (Bắc và Nam) có 90m, chiều rộng (Đông và Tây) hơn 700m. Nét đặc sắc của các bức tường thành này là phần ốp bằng những khối đá xanh ở bên ngoài. Các khối đá được đẻo vuông vức, phần nhiều có chiều dài là 1.4m, rộng 0.7m và dày 1m. Riêng ở phía Tây có những khối đá rất to, dài đến 5.1m, cao và dày 1.2m, nặng hơn 15 tấn. Các khối đá được xếp theo hình chữ công chồng lên nhau, tạo nên độ dốc thẳng đứng ở mặt ngoài, gây trở ngại cho kẻ địch muốn vượt thành.
Thành Nhà Hồ được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào đợt đầu tiên, năm 1962. Ngày 27 tháng 6 năm 2011 Thành Nhà Hồ được Unesco công nhân di sản văn hóa thế giới.