1. LÝ THƯỜNG KIỆT
Lý Thường Kiệt vốn tên là Ngô Tuấn, tự là Thường Kiệt, quê ở làng An Xá, huyện Quảng Đức (Cơ Xá, Gia Lâm, Hà Nội) con của ông Ngô An Ngữ. Ông sinh năm Kỷ Mùi (1019) mất năm Ất Dậu (1105 ) hưởng thọ 86 tuổi.
Từng làm quan trải thờ đến ba đời Hoàng đế (gồm Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông và Lý Nhân Tông). Ông liên tiếp được thăng chức bởi những chiến công nổi bật.
Năm 20 tuổi, ông được làm chức quan nhỏ trong một đội kị binh. Khi vua Lý Thánh Tông lên ngôi ông được rời khỏi những chức vụ trong nội cung và đưa ra giúp việc vua tại triều đình. Ông liên tục lập được nhiều chiến công trong các trận đánh với Chămpa và lập công lớn trong trận đánh quân Tống ở sông Như Nguyệt (năm 1077). Khi vua Lý Nhân Tông lên ngôi ông làm phụ quốc Thái úy. Vì những chiến công hiển hách, ông được vua Lý nhận làm con nuôi và đổi tên sang họ Lý là Lý Thường Kiệt.
Trong quân sự ông là bậc đại danh tướng, là linh hồn của những chiến công lớn nhất lịch sử nước nhà trong thế kỷ XI .Trong chính trị, ông là đấng đại danh thần, là chỗ dựa tin cậy và vững chắc của nhà Lý, nhất là dưới sự trị vì của Hoàng đế Lý Nhân Tông (1072-1127). Trong lịch sử văn học ông là cây đại bút tác giả của Nam Quốc sơn hà – áng hùng thi có giá trị như bản tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của nước nhà.
2. TÔ HIẾN THÀNH
Tô Hiến Thành tên húy là Phi Diên, người làng Hạ Mỗ, huyện Ô Diên nay là thôn Hạ Mỗ xã Hồng Thái, Đan Phượng, Hà Tây. Là người khẳng khái, trung trực và liêm khiết làm quan đến Thái phó rồi Thái úy đời vua Lý Anh Tông.
Ông lập nhiều chiến công trong việc trấn áp các cuộc nổi dậy của các tộc người ở Tây Nam và quân Chămpa xâm lấn. Ông được giao trách nhiệm đảm đương việc nước, rèn luyện quân sĩ, mọi việc nhất nhất được chấn chỉnh.
Năm 1175, vua Lý Anh Tông lập Long Cán làm Thái tử. Khi sắp mất vua Lý Anh Tông đã gọi riêng ông đến bên long sàng di huấn cho ông làm Thái sư phụ chính, căn dặn ông phải hết lòng phò tá Thái tử Cán ở ngôi vua. Vua Anh Tông mất, ông làm đúng di huấn của vua Anh Tông, dốc sức phò tá vua mới còn nhỏ tuổi. Vợ vua Anh Tông là Hoàng Thái hậu muốn bỏ Thái tử Cán mà lập Thái tử Long Xưởng là người vì hư đốn, đã bị truất quyền nối ngôi. Ông cương quyết không nghe, quyết làm theo di huấn của tiên đế.
Năm 1177, vua mới 3 tuổi lên ngôi, một mình ông phải lo mọi việc nghiêm chỉnh, công bằng, mọi người đều quy phục. Suốt thời kỳ làm quan trong triều, ông luôn giữ tính cương trực, trọng nghĩa khinh tài, một lòng trung thành vì dân, vì nước. Trước những xáo động dữ dội do bọn quí tộc phong kiến thối nát gây nên, ông vẫn vững như cột đá, mưu trí chống đỡ, giữ cho việc nước việc dân khỏi bị bọn gian thần lũng đoạn.
Khi ông lâm bệnh sắp mất có tham tri chính sự Võ Tán Đường sớm tối lo hầu hạ, còn quan Gián nghị đại phu là Trần Trung Tá vì bận việc nước không hề đến thăm, nhưng khi Thái hậu hỏi “Ông mất thì ai sẽ nối nghiệp ông?” ông trả lời không do dự “Gián nghị đại phu Trần Trung Tá”. Thái hậu ngạc nhiên nói rằng “Võ Tán Đường hết lòng phục dịch tướng công sao tướng công không tiến cử lại đi tiến cử Trần Trung Tá là người ít ra vào thăm viếng tướng công?”. Ông đáp “Xem trong triều chỉ có Trần Trung Tá là người làm được việc lớn nên tôi tiến cử, nếu Thái hậu hỏi người giỏi việc hầu hạ tôi sẽ tiến cử Võ Tán Đường”. Tháng 6 năm Kỷ Hợi (1179 ) Tô Hiến Thành qua đời.