Nhà Minh có ý đồ xâm lược Đại Việt từ lâu. Việc Hồ Quý Ly chiếm đoạt ngôi vua của nhà Trần là một cái cớ để nhà Minh tiến hành ý đồ đó. Tháng 4 năm Bính Tuất (1406), nhà Minh sai Hoàng Quan và Hoàng Trung đem 10 vạn quân ở Quảng Tây sang, mượn cớ đưa con cháu nhà Trần là Trần Thiêm Bình về làm vua. Qua một số trận giao tranh nhỏ, Nhà Hồ thắng trận, quân Minh phải giao nộp Trần Thiêm Bình mới được rút lui.
Cuối năm 1406, quân Minh vượt Lạng Sơn đánh về Thăng Long. Đầu năm 1407 chúng vượt sông Hồng đánh vào thành Đa Bang.
Ngày 20/1/1407, thành Đa Bang thất thủ, tuyến phòng ngự của ta bị phá vỡ, giặc tràn vào Thăng Long, cướp bóc của cải, phá hoại cung điện, nhà cửa. Sau đó quân Minh rút về Hàm Tử (Hưng Yên).
Về phía nhà Hồ, dù có sự chuẩn bị về mặt quân sự trước đó, nhưng do quân giặc đông, thế mạnh, đồng thời lúc này nhà Hồ không được lòng dân nên không đoàn kết được sức mạnh tổng thể của dân tộc, vì vậy Tướng Hồ Nguyên Trừng, Hồ Đỗ, Hồ Xạ và một bộ phận nhân dân dù đã chiến đấu rất anh dũng, quyết liệt nhưng cuối cùng cũng thất thủ ở Hàm Tử. Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương dẫn các tướng và quan lại vượt biển trở về Tây Đô (Thanh Hóa).
Tháng 5/1407, quân Minh tấn công Tây Đô. Hồ Quý Ly cùng quần thần chạy vào Nghệ An. Cuối cùng, quân Minh bắt được vua quan nhà Hồ ở cửa biển Kỳ La, Cao Vọng (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Như vậy cuối tháng 6/1407, cuộc kháng chiến của quân nhà Hồ hoàn toàn thất bại, đất nước rơi vào ách đô hộ của nhà Minh.
BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY QUẬN 8.
Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Việt Nam tập 3, tác giả Hội đồng khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh –Viện khoa học xã hội tại Tp. Hồ Chí Minh ,NXB Trẻ, năm 2007.
- Tiến trình Lịch sử Việt Nam, tác giả Nguyễn Quang Ngọc, NXB Giáo dục, năm 2009.
- Thế thứ các triều vua Việt Nam, tác giả Nguyễn Khắc Thuần ,NXB Giáo dục, năm 2010.
- Tóm tắt các niên biểu sử Việt Nam, tác giả Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức, NXB Văn hóa – thông tin, năm 2008.
- Hỏi đáp lịch sử Việt Nam tập 2-3, Tác giả Nhóm Nhân văn trẻ, NXB Trẻ, năm 2008.
- Hồn Việt số 32 tháng 2-2010.
- Các nhân vật lịch sử của NXB Giáo dục.