1. Cuộc kháng chiến chống quân Mông cổ lần thứ I - năm 1258
Trước khi cho quân tràn xuống Đại Việt, Vua Mông Cổ phái sứ giả sang dụ triều đình nhà Trần hàn phục. Vua Trần Thái Tông không chút nao núng, cho bắt giam sứ giả, rồi đặt dân cả nước trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Tháng 1 năm 1258 Mông Cổ mang 3 vạn quân men theo Sông Hồng tiến vào nước Đại Việt. Vua Trần Thái Tông đích thân dẫn quân ra trận. Trước sức mạnh của quân Mông Cổ, Vua Trần Thái Tông có ý định dốc hết lực lượng để đánh trận quyết định với quân Mông Cổ, Lê Tần khuyên vua tạm thời rút lui để bảo toàn lực lượng, chờ cơ hội chắc thắng để đánh trận quyết định.
Khi quân Mông Cổ tiến vào được Thăng Long. Quân dân theo lệnh của triều đình đã thực hiện “vườn không nhà trống”, rút về Thiên Mạc (Hà Nam). Đóng quân nơi “vườn không nhà trống”, vừa thiếu lương thực, vừa bị bao vây bên ngoài, giặc lâm vào tình thế khốn quẩn. Đúng lúc đó, quân Đại Việt mở cuộc phản công. Trận đánh quyết định đã diễn ra tại khu vực Đông Bộ Đầu (nay là Long Biên – Hà Nội). Ngày 24/1/1258 ba vạn quân Mông Cổ bị đánh bật ra khỏi Thăng Long. Thắng lợi lần thứ nhất này vừa chứng tỏ khí phách hiên ngang của quân, dân Đại Việt, vừa thể hiện nghệ thuật tổ chức chiến đấu của vua quan nhà Trần.
2. Cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ 2 - Năm 1285
Sau chiến thắng quân Mông – Nguyên lần thứ nhất, để củng cố lại lực lượng binh sỹ và tập trung phát triển sản xuất trong nước, nhà Trần đã duy trì chính sách hòa hoãn mềm dẻo với Mông cổ, đấu tranh ngoại giao bền bỉ.
Năm 1271, Vua Mông Cổ là Hốt Tất Liệt lập ra nhà Nguyên.
Đầu năm 1258, Hốt tất Liệt quyết định huy động nửa triệu quân sang xâm lược Đại Việt. Tổng chỉ huy quân xâm lăng lần này là Thoát Hoan (con trai của Hốt Tất Liệt) và tướng Toa Đô, chia làm 2 hướng tấn công. Thoát Hoan vượt qua cửa ải Lạng Sơn tiến xuống Đại Việt, Toa Đô theo hướng từ Chămpa đánh thốc lên. Đây là lần xâm lược Đại Việt với quy mô lớn nhất của nhà Nguyên.
Tướng chỉ huy chống quân Nguyên của ta lúc này là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Sau nhiều đợt rút lui để tránh thế mạnh của các đạo quân Nguyên, dùng chiến thuật “vườn không nhà trống” để quân địch không có lương ăn và bị bệnh dịch do không hợp thủy thổ bản địa, nhà Trần tổ chức phản công vào cuối xuân, đầu hè năm 1285. Với những chiến thắng ở Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, quân Trần đại thắng, bắt giết được Toa Đô. Thoát Hoan thu tàn quân chạy về phía Bắc.
Thắng lợi năm 1285 khẳng định vị thế của Đại Việt và củng cố lòng tin của người Việt có thể đương đầu được với đạo quân hùng mạnh của Mông Nguyên liền kề phía Bắc.
3. Cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ 3 (1287 - 1288)
Bị thất bại thảm hại, nhưng nhà Nguyên vẫn chưa chịu từ bỏ ý đồ xâm lăng Đại Việt. Tháng 12 năm 1287, Hốt Tất Liệt quyết định huy động nửa triệu quân, nhiều thuyền chiến, cùng tiếp tế lương thảo sang đánh báo thù. Tổng chỉ huy đạo quân xâm lăng là tướng bại trận Thoát Hoan, chúng chia làm ba đạo quân tiến vào Đại Việt.
Đạo quân thứ nhất do Thoát Hoan chỉ huy chia thành 2 cánh. Cánh thứ nhất qua Sơn Động (Bắc Giang ngày nay), cánh thứ hai qua Ải Chi Lăng rồi vào Vạn Kiếp.
Đạo quân thứ hai do Ái Lỗ cầm đầu, vào Trùng Khánh (Cao Bằng ngày nay), men theo Sông Hồng, tiến xuống Bạch Hạc (Phú Thọ ngày nay), rồi xuống Vạn Kiếp.
Đạo quân thứ ba do Ô Mã Nhi và Phó tướng Phàn Tiếp được giao chỉ huy đạo quân thủy binh. Từ Khâm Châu (Trung Quốc) vượt biển, theo cửa sông Bạch Đằng vào Vạn Kiếp.
Về phía ta, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn một lần nữa được cử làm Quốc công tiết chế, thống lĩnh toàn bộ đội quân Đại Việt, trực tiếp dẫn quân chặn đánh 2 đạo quân phía Bắc là Thoát Hoan và Ái Lỗ. Vùng duyên hải Đông Bắc do Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư chỉ huy, có nhiệm vụ chặn đánh đạo quân thủy của Ô Mã Nhi.
Ngày 25/12/1287, quân Nguyên bắt đầu tràn vào lãnh thổ Đại Việt.
Ngày 2/1/1288 đạo quân của Thoát Hoan tiến vào đến Vạn Kiếp, không lâu sau đó quân của Ái Lỗ cũng hợp nhau ở đây.
Cuối tháng 12/1287, thủy binh của Ô Mã Nhi và đoàn thuyền chở lương thực của Trương Văn Hổ vào duyên hải Đại Việt, tiến về Vân Đồn. Trần Khánh Dư lập tức tập kích vào đoàn thuyền lương thực của Trương Văn Hổ ở Vân Đồn, Trương Văn Hổ phải bỏ chạy. Trong trận Vân Đồn ta làm tiêu hao sinh lực địch không nhiều, nhưng đã làm cho địch không còn lương thực và tinh thần của địch sa sút nghiêm trọng.
Tháng 2/1288 Từ Vạn Kiếp quân Nguyên tấn công vào Thăng Long.
Nhà Trần tiếp tục chủ động áp dụng chiến thuật tránh thế mạnh, triệt lương thảo, “vườn không nhà trống”.
Quân Nguyên vừa thiếu lương thực, vừa sa sút tinh thần, ý chí xâm lăng của Thoát Hoan và các tướng giặc lung lay, chúng quyết định rút quân về nước.
Phía ta đã chuyển bị phục kích giặc ở sông Bạch Đằng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn kế thừa kinh nghiệm của Ngô Quyền cũng đóng cọc chờ con nước và bố trí các thuyền chứa đầy lửa để đâm vào thuyền giặc. Giữa tháng 4 năm 1288, quân Nguyên bại trận tại sông Bạch Đằng, ta bắt sống Nguyên soái Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ. Thoát Hoan một lần nữa chạy trốn về phía Bắc.
Sau thất bại lần thứ ba ở Đại Việt, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt vẫn chưa muốn đình chiến. Sang các năm sau, vua Nguyên tiếp tục muốn điều binh sang nhưng chưa gặp thời cơ thuận tiện. Tới năm 1294 lại định điều binh lần nữa thì Hốt Tất Liệt băng hà. Cháu nội là Nguyên Thành Tông lên ngôi không muốn gây chiến với Đại Việt nữa. Việc chiến tranh với nhà Nguyên từ đó mới chấm dứt.
4. Triều Trần sau chiến thắng Mông – Nguyên.
Nửa sau thế kỷ XIV xã hội Đại Việt lâm vào khủng hoảng trầm trọng, sản xuất ngày càng trì trệ, đời sống nông nô, nô tì bị bần cùng hóa. Mất mùa, đói kém liên tiếp xảy ra, nông dân nổi dậy khởi nghĩa khắp nơi.
Bắt đầu từ đời Vua Trần Dụ Tông, triều đình ngày một sa sút, nhiều đại thần tham nhũng, vua thì ăn chơi, xa xỉ, trụy lạc, nội bộ triều đình lục đục.
Bên ngoài Chămpa nhiều lần gây xung đột, chiến tranh với Đại Việt, đem quân vào đánh phá Thăng Long. Vua Trần Duệ Tông đích thân đi chinh phạt Chămpa, đến Chà Bàn thì lâm nạn. Chỉ đến khi Vua Chămpa Chế Bồng Nga tử trận (1390), chiến tranh mới tạm yên.
Cuối thời Trần, thượng hoàng Nghệ Tông nắm quyền bính trong tay quyết định mọi việc nhưng lại quá tin dùng Lê Quý Ly (tức Hồ Quý Ly). Hồ Quý Ly càng ngày càng lộng quyền. Năm 1394, vua Trần Nghệ Tông mất, Hồ Quý Ly nắm lấy cả quyền hành rồi sai người vào đất Thanh Hoá xây thành Tây Đô. Sau khi công việc xong xuôi, Hồ Quý Ly bắt Vua Trần Thuận Tông dời kinh thành về Tây Đô rồi lập mưu ép Vua Trần Thuận Tông nhường ngôi cho con là Thiếu Đế khi đó mới có 3 tuổi lên ngôi. Hồ Quý Ly lên làm phụ chính sai người giết Thuận Tông.
Tháng 2 năm 1400 Hồ Quý Ly truất phế Vua Thiếu Đế, tự xưng Vua. Nhà Trần chấm dứt từ đó.
BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY QUẬN 8.
Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Việt Nam tập 3, tác giả Hội đồng khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh –Viện khoa học xã hội tại Tp. Hồ Chí Minh ,NXB Trẻ, năm 2007.
- Tiến trình Lịch sử Việt Nam, tác giả Nguyễn Quang Ngọc, NXB Giáo dục, năm 2009.
- Thế thứ các triều vua Việt Nam, tác giả Nguyễn Khắc Thuần ,NXB Giáo dục, năm 2010.
- Tóm tắt các niên biểu sử Việt Nam, tác giả Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức, NXB Văn hóa – thông tin, năm 2008.
- Hỏi đáp lịch sử Việt Nam tập 2-3, Tác giả Nhóm Nhân văn trẻ, NXB Trẻ, năm 2008.
- Hồn Việt số 32 tháng 2-2010.
- Các nhân vật lịch sử của NXB Giáo dục.