CÔNG TRÌNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH CỦA BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY QUẬN 8 “DÂN TA PHẢI BIẾT SỬ TA"
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
2
7
4
6
3
0
3
Dân ta phải biết sử ta 19 Tháng Mười 2011 2:45:00 SA

III. NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT

            Nói đến những thành tựu nổi bật trong 175 năm trị vì đất nước của Triều Trần phải kể đến 3 lần chiến thắng quân Mông – Nguyên xâm lược. Đồng thời tiếp nối những thành tựu của triều Lý trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, pháp luật … nhà Trần đã phát triển hơn nữa trên các lĩnh vực này và để lại dấu ấn sâu sắc.     

            1. Về giáo dục

Sau khi thành lập không lâu, nhà Trần bắt đầu thực hiện chế độ khoa cử để chọn người tài giúp nước. Lúc đầu chỉ có những người trong hoàng tộc mới được giữ các chức quan cấp triều đình nhưng từ đời vua Trần Anh Tông, những người tài đức cũng được tuyển dụng vào giữ các chức vụ quan trọng này.

            + Năm 1232, nhà Trần mở khoa thi đầu tiên, đặt ra học vị Thái học sinh.  

            + Năm 1247, triều đình đặt lệ thi lấy Tam khôi gồm 3 người đỗ đầu là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa và quy định cứ 7 năm mở 1 khoa thi. Sau đó triều đình mở kỳ thi Đình để phân hạng cao thấp cho thái học sinh.

            + Năm 1305, Nhà Trần đặt thêm học vị Hoàng Giáp. 

+ Năm 1396, Trần Thuận Tông ban chiếu quy định cách thức thi Hương và coi đó là một trong hai khoa thi chính thức của thi cử Nho học. Người đỗ ở trường Hương được cấp bằng Hương cống hay Cống sĩ.

            Lần đầu tiên, Nhà nước thành lập Quốc sử viện chuyên lo việc biên soạn lịch sử nước nhà. Sự kiện quan trọng nhất của sử học đời Trần là việc Bảng nhãn Lê Văn Hưu biên soạn bộ “Đại Việt sử ký” gồm 30 quyển, hoàn tất vào năm 1272. Đây là bộ sử đầu tiên của dân tộc ta.

            2. Về pháp luật

            Kế thừa bộ luật Hình thư của triều Lý, đồng thời nghiên cứu pháp luật của Trung Hoa, Triều Trần đã xây dựng nền luật pháp riêng cho mình.

            Năm 1230 Trần Thái Tông cho ban hành “Quốc triều thông chế”, sau đó qua vài lần bổ sung lại cho ban hành Quốc triều hình luật” (hay còn gọi là Hình Thư thời Trần) bộ luật này do Trương Hán Siêu và Nguyễn Trung Ngạn biên soạn. Cơ quan pháp luật của triều Trần được tăng cường và hoàn thiện hơn.

            3. Về Văn hóa – nghệ thuật – kiến trúc.

            “Hịch Tướng sỹ” được Trần Quốc Tuấn viết năm 1284, ngoài ý nghĩa của một áng văn chính luận, thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước, còn có ý nghĩa to lớn về tư liệu lịch sử.

            Văn học chữ Nôm xuất hiện và bắt đầu có những đóng góp cho văn học nước ta, những cây bút nổi bật trong thời Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trương Hán Siêu, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trung Ngạn …

            Triều Trần, Phật giáo đã chi phối mạnh mẽ xã hội lúc bấy giờ. Chùa chiền được dựng lên khắp nơi, số người xuất gia tu hành rất đông, trong đó có nhiều người là hoàng tộc, kể cả Vua và Thái thượng hoàng. Vua Trần Nhân Tông là người đã lập ra phái thiền Trúc Lâm Yên Tử.

            4. Về khoa học, kỹ thuật, quân sự.

            4.1. Khoa học quân sự

            Thời Trần nổi bật với những thành tựu về khoa học quân sự mà đứng đầu là Trần Hưng Đạo Vương với “Binh thư yếu lược”, để lại cho đời sau một bài học vô giá về kinh nghiệm chống xâm lăng, đập tan những đội quân ăn cướp tàn bạo và thiện chiến, bên cạnh tinh thần chiến đấu và trình độ võ nghệ cũng như thiết bị kỹ thuật, tướng sỹ còn phải được trang bị những tri thức về binh pháp.    

Trong chiến tranh, nhà Trần có thể tập hợp lực lượng đông đảo như vậy là do thực hiện chế độ “Ngụ binh ư nông” có thể xem đây là sự kết hợp giữa kinh tế và quốc phòng, kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và tổ chức vũ trang của thời đại đó.

4.2. Khoa học y học

Do nhu cầu của cuộc chiến tranh vệ quốc, y học có điều kiện phát triển rất mạnh. Trong triều đình cơ quan Thái y viện hoạt động rất hiệu quả. Y học nước ta lúc này trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành tựu của nền y học khác, nhất là của Trung Hoa. Lúc này có những nhà y học nổi tiếng như Nguyễn Bá Tĩnh (Tuệ Tĩnh), Phạm Bân.

4.3. Khoa học Thiên văn và lịch pháp

Đặng Lộ là người đã chế tạo ra một dụng cụ để quan sát thiên văn và khảo sát khí tượng, gọi là “Lung linh nghi” . Tuy nhiên nhà thiên văn và lịch pháp lớn nhất giai đoạn này vẫn là Đại tư đồ Trần Nguyên Đán (ông ngoại của Nguyễn Trãi). Trần Nguyên Đán là tác giả của “Bách thế thông khảo” (tác phẩm khảo cứu về lịch pháp nước ta từ các thế kỷ trước công nguyên đến đầu thế kỷ XV).

BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY QUẬN 8.

 

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Việt Nam tập 3, tác giả Hội đồng khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh –Viện khoa học xã hội tại Tp. Hồ Chí Minh ,NXB Trẻ, năm 2007.

- Tiến trình Lịch sử Việt Nam, tác giả Nguyễn Quang Ngọc, NXB Giáo dục,  năm 2009.

- Thế thứ các triều vua Việt Nam, tác giả Nguyễn Khắc Thuần ,NXB Giáo dục, năm 2010.

- Tóm tắt các niên biểu sử Việt Nam, tác giả Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức, NXB Văn hóa – thông tin, năm 2008.

- Hỏi đáp lịch sử Việt Nam tập 2-3, Tác giả Nhóm Nhân văn trẻ,  NXB Trẻ, năm 2008.

- Hồn Việt số 32 tháng 2-2010.

- Các nhân vật lịch sử của NXB Giáo dục.

 


Số lượt người xem: 39143    
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm