1. Tổ chức bộ máy nhà nước.
Bộ máy triều đình gồm 2 bộ phận: Bộ phận trung khu và các cơ quan chức năng. Còn ở địa phương, nhà Trần tổ chức chính quyền 3 cấp: phủ lộ, huyện châu, hương xã. Nhà Trần đổi 24 lộ thời Lý thành 12 lộ vào thế kỷ XIV, nhà Trần còn đặt thêm 3 phủ là Lâm Bình (Quảng Bình, Quảng Trị); Thái Nguyên (Bắc Cạn, Thái Nguyên, Cao Bằng); Lạng Giang (Bắc Giang , Lạng Sơn).
Đứng đầu các quan lại có Tam Thái (Thái Úy, Thái Phó, Thái Bảo), và Tam Thiếu (Thiếu Úy, Thiếu Phó,Thiếu Bảo) như thời nhà Lý, ngoài ra nhà Trần còn đặt thêm ba chức tam tư (Tư đồ, Tư mã, Tư không). Các quan trong triều được chia làm hai Ban là Ban văn và Ban võ.
Cấp lộ có chức An phủ chánh sứ và phó sứ, thông phán, trấn phủ, thông thường thân vương của triều đình giữ các chức vụ này.
Cấp huyện có các chức tri huyện và chủ bạ.
Cấp xã có các chức đại tư xã (hoặc tiểu tư xã), xã trưởng, xả giám.
Dân chúng trong nước được chia ra làm 3 hạng: hạng tiểu hoàng nam (từ 18 tuổi đến 20 tuổi), hạng đại hoàng nam (từ 20 tuổi đến 60 tuổi) và hạng lão (trên 60 tuổi), hàng năm chính quyền hương – xã kiểm tra nhân khẩu để báo lên trên.
2. Chế độ ruộng đất. Có 2 hình thức là ruộng công và ruộng tư:
Ruộng công: Có hai bộ phận ruộng công, gồm ruộng đất do triều đình trực tiếp quản lý và ruộng đất công của thôn làng gồm: Ruộng quốc khố, sơn lăng, ruộng tịch điền, ruộng công làng xã.
Ruộng tư gồm: Thái ấp, điền trang, ruộng tư của địa chủ, ruộng đất tiểu nông.
3. Kết cấu xã hội thời Trần (gồm 4 cấp bậc).
* Vua –Thái thượng hoàng:
- Nhà nước Trần với bộ máy trung ương hoàn chỉnh (phỏng theo nhà Tống) là một tổ chức nhà nước trung ương tập quyền theo chế độ quân chủ.
- Vào thời Trần chế độ quân chủ này có điểm đặc biệt, khác với các thời trước, quyền lực tuyệt đối thuộc về một cặp Vua – Thái thượng hoàng.
- Chế độ Thái thượng hoàng là đặc trưng cho chế độ phong kiến nhà Trần.
* Quý tộc - Quan liêu.
- Quý tộc nắm giữ những chức vụ cao trong triều đình, có ruộng phong, có trang ấp, có phủ đệ và gia nô.
- Quan liêu đóng vai trò thừa hành bộ máy nhà nước. Quan liêu là những nho sĩ, không được phong đất đai, thái ấp và không có gia nô,… Là thành phần điều khiển bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương.
- Con cháu của các hoàng tộc có chức vụ có quyền “thế tập”.
- Ngoài ra còn có một nét đặc trưng ở chế độ phong kiến thời Trần: chế độ hôn nhân đồng tộc.
* Bình dân.
- Có số lượng đông đảo và đa dạng nhất, gồm nông dân, thợ thủ công, thương nhân, nho sĩ, tăng nhân…
* Gia nô – Nô tỳ.
Gồm 2 loại, một là làm việc trong các trang ấp của các quý tộc gọi là “gia nô” hay “tư nô”, một loại làm việc trong các cơ sở đồn điền của nhà nước.
BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY QUẬN 8.
Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Việt Nam tập 3, tác giả Hội đồng khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh –Viện khoa học xã hội tại Tp. Hồ Chí Minh ,NXB Trẻ, năm 2007.
- Tiến trình Lịch sử Việt Nam, tác giả Nguyễn Quang Ngọc, NXB Giáo dục, năm 2009.
- Thế thứ các triều vua Việt Nam, tác giả Nguyễn Khắc Thuần ,NXB Giáo dục, năm 2010.
- Tóm tắt các niên biểu sử Việt Nam, tác giả Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức, NXB Văn hóa – thông tin, năm 2008.
- Hỏi đáp lịch sử Việt Nam tập 2-3, Tác giả Nhóm Nhân văn trẻ, NXB Trẻ, năm 2008.
- Hồn Việt số 32 tháng 2-2010.
- Các nhân vật lịch sử của NXB Giáo dục.