Nhà Lý suy tàn từ thời vua Lý Cao Tông (1175-1210), tuy rằng đã có những dấu hiệu từ thời Lý Anh Tông.
Năm 1179, nhà Lý thực hiện bế quan tỏa cảng, làm cho nền kinh tế không phát triển. Mùa hạ, tháng 4 năm 1181 mất mùa, dân chết đói gần một nửa. Năm 1199 mùa thu, nước to, lúa mạ ngập hết, đói to, đã thế nhưng nhà Lý không thấy có đưa ra phương sách nào để cứu giúp dân chúng mà vua còn ngự đi khắp núi sông, còn cho xây dựng rất nhiều cung điện làm hao tốn của cải. Điều này đã dẫn đến sự nổi dậy của dân chúng ở nhiều địa phương.
Năm 1209, vua Cao Tông nghe theo lời gian thần Phạm Du giết oan tướng Phạm Bỉnh Di. Bộ tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc đang trấn thủ Hoan Châu mang quân ra đánh Thăng Long báo thù cho chủ. Vua Cao Tông và thái tử Sảm bỏ chạy lạc mỗi người một nơi. Thái tử Sảm chạy đến nương nhờ gia tộc họ Trần ở duyên hải, nhờ sức họ Trần mang quân về đánh dẹp Quách Bốc. Tuy dẹp được cuộc nổi loạn nhưng từ đó quyền lực chi phối chính trường của họ Trần bắt đầu được hình thành, bắt đầu từ Trần Tự Khánh và sau đó là vai trò lớn của Trần Thủ Độ.
Năm 1210, vua Cao Tông chết, thái tử Sảm lên thay, tức là Lý Huệ Tông. Triều chính hoàn toàn trong tay họ Trần. Kết cục, cuối năm 1225, con gái Thượng hoàng Huệ Tông là Lý Chiêu Hoàng đã bị ép nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, Thượng hoàng Lý Huệ Tông sau đó bị Trần Thủ Độ ép tự tử vào năm 1226. Nhà Lý chấm dứt, nhà Trần thay thế từ đó.
BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY QUẬN 8.
Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Việt Nam tập 3, tác giả Hội đồng khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh –Viện khoa học xã hội tại Tp. Hồ Chí Minh ,NXB Trẻ, năm 2007.
- Tiến trình Lịch sử Việt Nam, tác giả Nguyễn Quang Ngọc, NXB Giáo dục, năm 2009.
- Thế thứ các triều vua Việt Nam, tác giả Nguyễn Khắc Thuần ,NXB Giáo dục, năm 2010.
- Tóm tắt các niên biểu sử Việt Nam, tác giả Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức, NXB Văn hóa – thông tin, năm 2008.
- Hỏi đáp lịch sử Việt Nam tập 2-3, Tác giả Nhóm Nhân văn trẻ, NXB Trẻ, năm 2008.
- Hồn Việt số 32 tháng 2-2010.
- Các nhân vật lịch sử của NXB Giáo dục.