CÔNG TRÌNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH CỦA BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY QUẬN 8 “DÂN TA PHẢI BIẾT SỬ TA"
 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
2
7
4
4
7
6
4
Dân ta phải biết sử ta 20 Tháng Mười 2011 3:40:00 SA

IV. CÁC CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG GIẶC NGOẠI XÂM VÀ DẸP LOẠN GIỮ YÊN BỜ CÕI

            1. Cuộc nổi dậy của Nùng Trí Cao.

            Trong số các cuộc nổi dậy của các dân tộc ít người miền núi dưới thời Lý, có cuộc nổi dậy của Nùng Trí Cao là lớn nhất và kéo dài nhiều năm, diễn  ra trên một địa bàn rộng lớn ở Quảng Nguyên (Cao Bằng ngày nay) vùng biên giới Việt – Trung.

Nùng Trí Cao là con của Nùng Tồn Phúc. Năm 1038 Nùng Tồn Phúc đã nổi dậy tự xưng là Chiêu Thánh Hoàng Đế, phong cho vợ là Minh Đức hoàng hậu và con là Điền Nha Vương, đặt châu Thảng Do làm vương quốc riêng là Trường Sinh Quốc.

Năm 1039, Lý Thái Tông tự mình chỉ huy quân lính lên Cao Bằng bắt được Nùng Tồn Phúc và Tri Thông. Còn vợ và con là Nùng Trí Cao trốn thoát. Năm 1041 Nùng Trí Cao trở về Thảng Do triệu tập dân chúng, chống trả nhà Lý. Lý Thái Tông lại thân chinh xuất quân, bắt được Nùng Trí Cao, nhưng sau đó tha cho Nùng trí Cao đồng thời phong cho làm châu mục Quảng Nguyên. Nhưng Nùng Trí Cao vẫn tiếp tục nổi dậy cát cứ và mở rộng thanh thế lên phía Bắc đánh chiếm lãnh thổ nước Tống. Năm 1053, trước sự lớn mạnh nhanh chóng của lực lượng Nùng Trí Cao, vua Tống sai Địch Thanh làm Tuyên phủ sứ xuất quân đi đánh dẹp. Cuộc nổi dậy của Nùng Trí Cao bị thất bại.

            2. Đối với Chămpa.

Năm 1065, quan hệ Việt – Chămpa trở nên xấu đi, do phía Chămpa đơn phương đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao với nhà Lý, tìm cách dựa vào nhà Tống để xâm phạm biên giới Đại Việt. Đây cũng là thời điểm nhà Tống đang chuẩn bị một cuộc xâm lược Đại Việt rất quy mô. Để tránh thế bị động cùng một lúc bị đánh từ hai phía, tháng 3 năm 1069, vua Lý Thánh Tông thân chinh cầm quân đánh vương quốc Chămpa. Hơn 5 vạn quân nhà Lý xuất phát từ Thăng Long với vài trăm chiến thuyền theo đường thủy tiến vào Chămpa. Quân Chămpa phòng thủ sơ sài nên quân nhà Lý nhanh chóng tràn vào được kinh thành Vijaya, nhanh chóng chiếm được thành. Đang đêm vua Rudravarman III của Chămpa đem vợ con và tùy tùng chạy trốn về phía Nam. Lý Thường Kiệt đem quân đuổi theo và bắt được vua Chămpa đưa về Thăng Long.

Tháng 7 năm Kỷ Dậu (1069), đoàn quân Đại Việt đi chinh phạt Chămpa trở về Thăng Long. Vua Lý tha cho vua Chămpa sau khi thỏa thuận cắt ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh sát nhập vào Đại Việt. Từ đó biên giới giữa Đại Việt và Chămpa tạm thời yên ổn.

3. Cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược.

            Vào những năm 70 của thế kỷ XI trong lúc Đại Việt đang phát triển thì nhà Tống bước vào giai đoạn khủng hoảng, phía Bắc bị người Liêu, Hạ xâm lấn, trong nước nông dân nổi dậy ở nhiều nơi. Trước tình thế đó, Tể tướng Vương An Thạch đã khuyên vua Tống sai quân xâm lược nước ta: “Nếu thắng, thế Tống sẽ tăng, các nước Liêu, Hạ sẽ phải kiềng nể”. Thái úy Lý Thường Kiệt biết rõ âm mưu xâm lược của nhà Tống nên đã chủ trương “ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân đi đánh trước để chặn mũi nhọn của giặc”. Năm 1075 Ông cho quân tiến sang đất Tống đánh phá các căn cứ tập kết lương thực, vũ khí của chúng ở Châu Khâm, Châu Liêm, Châu Ung (Quảng Đông, Quảng Tây) rồi chủ động rút quân về nước.

            Năm 1076 nhà Tống xuất quân chinh phạt Đại Việt, do Quách Quỳ chỉ huy. đem theo 9 tướng, 10 vạn quân tinh nhuệ, 1 vạn ngựa chiến và 20 vạn dân phu, hợp với quân Chiêm Thành và quân Chân Lạp sang xâm chiếm nước Đại Việt. Quân nhà Tống tiến theo hai đường thủy, bộ vào Đại Việt. Đường thủy do Hòa Mâu chỉ huy; đường bộ do Quách Quỳ chỉ huy.

Lý Thường Kiệt đã chuẩn bị xây dựng nhiều tuyến phòng thủ, trong đó tuyến phòng thủ ở bờ nam sông Như Nguyệt hay còn gọi là sông Cầu hay sông Nguyệt Đức là quan trọng nhất. Quân Tống đã nhiều lần cố gắng vượt sông nhưng đều thất bại. Quách Quỳ cho đóng quân ở bờ bắc sông Như Nguyệt và chuyển sang phòng ngự nhằm chờ thời cơ. Một đêm quân sĩ chợt nghe ở trong đền Trương tướng quân (Trương Hống và Trương Hát: hai vị tướng đánh giặc giỏi của Triệu Quang Phục) có tiếng đọc to bài thơ thần mà tác giả chính là Lý Thường Kiệt:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Tạm dịch

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận ở sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

           Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

Bài thơ này có tác dụng khích lệ tinh thần chiến đấu của quân Đại Việt, tạo ra lòng tin rằng họ đang được thần linh giúp đỡ, đồng thời làm hoang mang quân nhà Tống. Khi quân nhà Tống đã lâm vào thế yếu Lý Thường Kiệt đã chủ động giảng hòa để “không nhọc tướng tá, khỏi tốn máu mủ, mà bảo tồn được tôn miếu”, đồng thời để  quan hệ Tống-Việt sau đó có thể trở lại bình thường.

BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY QUẬN 8.

 

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Việt Nam tập 3, tác giả Hội đồng khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh –Viện khoa học xã hội tại Tp. Hồ Chí Minh ,NXB Trẻ, năm 2007.

- Tiến trình Lịch sử Việt Nam, tác giả Nguyễn Quang Ngọc, NXB Giáo dục,  năm 2009.

- Thế thứ các triều vua Việt Nam, tác giả Nguyễn Khắc Thuần ,NXB Giáo dục, năm 2010.

- Tóm tắt các niên biểu sử Việt Nam, tác giả Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức, NXB Văn hóa – thông tin, năm 2008.

- Hỏi đáp lịch sử Việt Nam tập 2-3, Tác giả Nhóm Nhân văn trẻ,  NXB Trẻ, năm 2008.

- Hồn Việt số 32 tháng 2-2010.

- Các nhân vật lịch sử của NXB Giáo dục.

 


Số lượt người xem: 7457    
Xem theo ngày Xem theo ngày
Tìm kiếm