Trong giai đoạn Triều Lý, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội có nhiều bước phát triển, trong đó phải kể đến những thành tựu nổi bật sau:
1. Về giáo dục:
Năm 1070, Vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu, ban đầu đây là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và các bậc hiền tài và cũng là nơi học tập của các Hoàng Thái tử, mục đích khuyến khích nhân dân trong nước chăm chỉ học hành.
Năm 1076 Vua Lý Nhân Tông tiếp tục cho xây Quốc Tử Giám ngay giữa kinh thành, từ đây nền giáo dục đại học nước ta được khai sinh.
Chế độ khoa cử ở Đại Việt đã có từ thời nhà Lý. Năm 1075 nhà Lý mở khoa thi Minh kinh bác sĩ Nho học đầu tiên, để tuyển chọn người tài giỏi ra làm quan.
Năm 1195, nhà Lý mở khoa thi Tam giáo (Nho, Phật, Đạo), loại thi này còn tồn tại đến đầu thời Trần.
2. Về Luật pháp:
Bộ Luật Hình thư được xem là bộ luật đầu tiên của nước ta, được ban hành vào năm 1042, dưới triều Vua Lý Thái Tông. Nhìn chung Hình thư và các luật lệnh khác ở triều Lý ra đời là bước tiến trong tổ chức quản lý nhà nước thời Lý. Tuy nhiên hiệu lực của nó cũng còn nhiều hạn chế.
3. Văn hóa – nghệ thuật – kiến trúc:
Thế kỷ đầu tiên của thời Lý đã để lại trong di sản dân tộc 3 áng thơ văn cô đúc mà gây được một ấn tượng phi thường, đó là tờ Chiếu dời đô, bài văn Lộ Bố và bài thơ Nam Quốc Sơn Hà.
Nghệ thuật múa rối nước cũng bắt đầu xuất hiện ở thời Lý, được phục vụ trong các dịp lễ hội của cung đình.
Nhiều công trình kiến trúc như Đình, Chùa nổi tiếng được xây dựng còn tồn tại đến ngày nay và được công nhận di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như Đình Đình Bảng (Bắc Ninh – là đình lớn nhất và đẹp nhất nước), chùa Một Cột, chùa Thầy, chùa Phật Tích. Đặc biệt Hoàng thành Thăng Long là điểm nhấn nổi bật nhất không chỉ về nghệ thuật kiến trúc mà còn mang giá trị về chính trị sâu sắc.
4. Tiền tệ
Thời Lý đã xuất hiện việc trao đổi bằng tiền trong nội thương và ngoại thương, tiền tệ đã có vai trò quan trọng trong xã hội.
BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY QUẬN 8.
Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Việt Nam tập 3, tác giả Hội đồng khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh –Viện khoa học xã hội tại Tp. Hồ Chí Minh ,NXB Trẻ, năm 2007.
- Tiến trình Lịch sử Việt Nam, tác giả Nguyễn Quang Ngọc, NXB Giáo dục, năm 2009.
- Thế thứ các triều vua Việt Nam, tác giả Nguyễn Khắc Thuần ,NXB Giáo dục, năm 2010.
- Tóm tắt các niên biểu sử Việt Nam, tác giả Hà Văn Thư, Trần Hồng Đức, NXB Văn hóa – thông tin, năm 2008.
- Hỏi đáp lịch sử Việt Nam tập 2-3, Tác giả Nhóm Nhân văn trẻ, NXB Trẻ, năm 2008.
- Hồn Việt số 32 tháng 2-2010.
- Các nhân vật lịch sử của NXB Giáo dục.