I/ THỜI KỲ XÁC LẬP NỀN TỰ CHỦ (906-938)
Từ cuối thế kỷ IX trở đi, nhà Đường (Trung Quốc) bị tan rã một cách mau chóng, đại thần chỉ lo lập mưu cát cứ, chính trị suy đồi, kỷ cương đổ nát, kinh tế kiệt quệ, đời sống nhân dân bi đát… Đó là điều kiện khách quan thuận lợi cho cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta. Và cuộc khởi nghĩa của Khúc Thừa Dụ đã bùng nổ và thắng lợi nhanh chóng trong bối cảnh đó.
1/ Họ Khúc dựng nền tự chủ ban đầu (906- 930)
Họ Khúc là một họ lớn lâu đời ở Hồng Châu (nay là tỉnh Hải Dương và Hải Phòng). Khúc Thừa Dụ là hào trưởng, tính khoan hòa thương người, được dân chúng suy tôn.
Giữa năm 905, nhân lúc triều đại nhà Đường (Trung Quốc) suy vong, chính quyền đô hộ Giao Châu hoang mang, bất lực, Khúc Thừa Dụ lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền, chiếm được thành Tống Bình (Hà Nội).
Tháng 2 năm 906, trước tình hình rối ren, vua Đường (Trung Quốc) đành phải chấp nhận đề nghị của Khúc Thừa Dụ là phong cho ông chức Tiết Độ xứ Tĩnh Hải (An Nam đô hộ phủ trước đây).
Như vậy trên thực tế, cũng như trên danh nghĩa, Khúc Thừa Dụ nắm toàn quyền kiểm soát trấn Tĩnh Hải, thiết lập một chính quyền tự chủ do ông đứng đầu, thay cho chính quyền đô hộ nhà Đường. Khúc Thừa Dụ đã chấm dứt ách thống trị hơn một ngàn năm của phong kiến phương Bắc, đặt cơ sở ban đầu cho nền độc lập dân tộc.
Tháng 7 năm 907, Khúc Thừa Dụ mất, con là Khúc Hạo tiếp tục sự nghiệp tự chủ và đã thực hiện một số cải cách hệ thống chính quyền tự chủ theo thể chế thống nhất, tập trung quyền lực vào một mối. Điểm nổi bật trong đường lối chính trị của Khúc Hạo là thực hiện “chính sự khoan dung, giản dị, nhân dân được yên vui”. Ông đã cho sửa đổi lại chế độ điền tô, thuế má, lực dịch nặng nề của thời Đường, ra lệnh “bình quân thuế ruộng, tha bỏ lực dịch, lập sổ hộ khẩu, kể rõ quê quán,…”
Trên thực tế, Khúc Hạo đã đặt được nền tảng cho một tổ chức nhà nước mới. Tuy chưa có quốc hiệu, đế hiệu, chưa lập kinh đô, nhưng nhà nước của họ Khúc có cơ sở xã hội vững vàng hơn các thời trước.
Cuộc cải cách được thực hiện trong khoảng 10 năm thì Khúc Hạo mất. Khúc Thừa Mỹ thay cha trong bối cảnh chính trị có xu hướng trở nên phức tạp.
Năm 930, nhà Nam Hán đánh tan quân Khúc Thừa Mỹ.
Khúc Thừa Mỹ đã không giữ được sự nghiệp tự chủ của cha ông. Song các hào trưởng ở Hoan Châu (Nghệ An - Hà Tĩnh), Ái Châu (Thanh Hóa) vẫn tiếp tục giữ được quyền kiểm soát những vùng đất rộng lớn ở đồng bằng sông Mã, sông Cả. Một tướng tài của họ Khúc là Dương Đình Nghệ (còn gọi Dương Diên Nghệ) đã kế nghiệp chủ tướng, giữ vững quyền tự chủ ở phần đất quê hương Ái Châu (Thanh Hóa).
2/ Dương Đình Nghệ và công cuộc khôi phục đất nước (931- 937)
Dương Đình Nghệ, một hào trưởng ở vùng Ái Châu. Ông quy tụ được 3000 nghĩa quân, ngày đêm rèn luyện võ nghệ, luyện tập quân sự, chuẩn bị thời cơ.
Tháng 3 năm 931, Dương Đình Nghệ tiến quân bao vây thành Đại La (trung tâm đầu não của chính quyền thống trị Nam Hán) và chiếm được thành, tiêu diệt cả quân chiếm đóng lẫn quân cứu viện của nhà Nam Hán, giành lại quyền tự chủ cho đất nước.
Sau thắng lợi, Dương Đình Nghệ tự xưng Tiết độ sứ và phong các tướng lĩnh trấn trị các châu khác trong khắp Tĩnh Hải (Giao Châu). Dưới ông có khá nhiều tướng tài như : Đinh Công Trứ; Ngô Quyền …
Tháng 4 năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn, một viên bộ tướng dưới quyền giết để đoạt chức Tiết độ sứ.
3/ Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 :
Được tin, tướng tài và cũng là con rể của Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền kéo quân từ Ái Châu (Thanh Hóa) tiến ra Bắc trừng trị Kiều Công Tiễn. Quá khiếp sợ, Kiều Công Tiễn sai người sang Nam Hán cầu cứu. Lúc bấy giờ Nam Hán là một nước giàu mạnh.
Vua Nam Hán phong con trai là Vạn Vương Hoằng Thao (còn gọi Hoằng Tháo) làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, sau đó đổi thành Giao Vương với hàm ý là phong đất Giao Châu cho Hoằng Thao. Hoằng Thao được giao thống lĩnh quân thủy vượt biển sang Giao Châu, mượn tiếng là giúp Kiều Công Tiễn đánh Ngô Quyền nhưng thực chất là xâm lược nước ta lần thứ hai. Bên cạnh quân chủ lực đó, vua Nam Hán thân chinh dẫn một đạo quân khác đến đóng ở Hải Môn (Quảng Tây – Trung Quốc) yểm trợ.
Mùa đông năm 938, Ngô Quyền chỉ huy quân tiến ra thành Đại La, giết chết Kiều Công Tiễn. Trừ xong cuộc phản loạn, Ngô Quyền bắt tay vào chuẩn bị cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán.
Do nắm vững lộ trình đường thủy của quân Nam Hán, Ngô Quyền vạch kế hoạch tiêu diệt quân chủ lực của Hoằng Thao ở ngay cửa sông Bạch Đằng. Lúc bấy giờ, cửa sông Bạch Đằng còn nằm sâu phía trong nội địa hơn hiện nay. Đó là nơi hiểm yếu, sông rộng hơn cả cây số vì hứng nước khắp cả vùng Đông Bắc đổ ra vịnh Hạ Long. Vùng cửa sông Bạch Đằng vừa rộng lại vừa thấp nên chịu ảnh hưởng của thuỷ triều rất lớn, mức chênh lệch giữa hai con nước có khi đạt đến hơn 3 mét. Những khi thủy triều lên gặp gió chướng, sóng bạc đầu nổi trắng xoá, dâng nước cao ngất một vùng, nên sông có tên là Bạch Đằng. Bờ phía Nam sông Bạch Đằng là dãy núi đá vôi Tràng Kênh cao ngất với nhiều hang động, khe nứt, các thung lũng kín đáo cho việc giấu quân, luyện quân. Sông Bạch Đằng là đường thủy chủ yếu thông thương giữa đồng bằng Giao Châu với biển Đông, là cửa ngõ vùng Đông Bắc. Vì vậy, muốn vào vùng trung tâm đồng bằng Giao Châu thì đội thuỷ quân Nam Hán bắt buộc phải đi qua cửa sông Bạch Đằng.
Lợi dụng địa thế và chế độ thủy triều vùng cửa sông Bạch Đằng, Ngô Quyền cho quân lính và dân binh chặt những cây gỗ cứng và cao to làm thành các cọc nhọn và bọc đầu sắt và đóng xuống sông theo những dãy dài kiên cố ở hai bên cửa sông chỉ chừa lại một lối hẹp giữa dòng khi nước triều xuống. Ngô Quyền còn tập trung một lực lượng lớn mai phục ven sông và trên bờ phía trên bãi cọc một quãng. Phía dưới bãi cọc, bố trí một vài cánh quân nhỏ làm nhiệm vụ khiêu chiến, nghi binh.
Cuối năm 938, Hoằng Thao cho quân ồ ạt tiến vào sông Bạch Đằng, Ngô Quyền cho một toán quân nhỏ với các thuyền nhẹ ra khiêu chiến rồi bỏ chạy. Các chiến thuyền của Hoằng Thao lập tức đuổi theo tiến sâu vào phía cửa sông Bạch Đằng, vượt qua bãi cọc vào lúc thủy triều còn lên cao. Đợi cho chiến thuyền cuối cùng của quân Nam Hán lọt vào trận địa cọc cũng là vừa lúc nước triều rút xuống, theo hiệu lệnh của Ngô Quyền, cánh quân từ thượng nguồn xông ra đánh vỗ mặt thuyền chỉ huy của quân Nam Hán. Đồng thời, cánh quân mai phục hai bên bờ nhất tề xông ra đánh bọc sườn vào đoàn thuyền chiến. Bị sa vào trận địa phục kích, Hoằng Thao vội vàng ra lệnh cho các chiến thuyền rút lui nhưng thủy triều đang xuống mạnh, các hàng cọc nhọn nhô lên, các thuyền Nam Hán to lớn nên không xoay chuyển nhanh được. Trong khi đó, cánh quân chủ lực tấn công thẳng vào và các toán quân nhỏ phía hạ lưu xông ra khóa chặt lối thoát của quân Nam Hán. Do vậy, binh thuyền quân Nam Hán thủng vỡ và bị nhấn chìm xuống lòng sông Bạch Đằng.
Nghe tin bại trận, Hoằng Thao bỏ mạng, vua Nam Hán kinh hoàng và hạ lệnh rút quân từ bỏ ý định xâm lược nước ta. Chiến thắng Bạch Đằng vào năm 938 ghi vào lịch sử chiến công hiển hách, thể hiện tài năng quân sự và ý chí quyết thắng của Ngô Quyền, khẳng định quyền tự chủ của dân tộc ta tiếp tục được giữ vững. Chiến thắng Bạch Đằng cũng nói lên trí tuệ, sự lớn mạnh của nhân dân ta có khả năng đánh thắng địch, không chỉ bằng cách đánh du kích mà ở một mức nào đó bằng cả lối đánh chính quy, không chỉ trên bộ mà cả bằng thủy chiến.
Nhà sử học Ngô Thì Sĩ nhìn lại kỳ công của Ngô Quyền nhận định : “Trận thắng lợi trên sông Bạch Đằng là cơ sở sau này cho việc khôi phục quốc thống. Những chiến công các đời Đinh, Lê, Lý, Trần vẫn còn nhờ vào cái uy danh lẫm liệt để lại ấy… Trận Bạch Đằng này là vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lừng lẫy ở một thời bấy giờ mà thôi đâu”.
II/ NHÀ NGÔ - NHÀ ĐINH - NHÀ TIỀN LÊ (939 - 1009)
1/ Nhà Ngô (939- 965)
Năm 939, sau khi đánh bại cuộc xâm lược lần thứ hai của quân Nam Hán, Ngô Quyền xưng vương, bãi bỏ chế độ Tiết độ sứ, xây dựng triều đình mới, lấy Cổ Loa - kinh đô cũ của nước Âu Lạc thuở xưa (Đông Anh – Hà Nội ngày nay) làm kinh đô.
Ngô Quyền bắt tay xây dựng một Nhà nước độc lập. Ở triều đình trung ương, ông đặt bộ máy quản lý Nhà nước, đặt lại chức tước cho các quan văn võ, quy định lễ nghi triều đình. Ở địa phương, châu, huyện vẫn giữ nguyên, giáp, làng vẫn là đơn vị hành chính, duy trì vai trò quản lý của các hào trưởng, thổ hào. Bên cạnh đó, ông tìm cách liên kết các địa phương, các miền theo những quy định của chính quyền trung ương nhằm ngăn chặn xu hướng phân ly cát cứ. Nhờ cố gắng nên trong thời gian ngắn, cơ cấu quản lý hành chính thống nhất trong cả nước hình thành, mang tính chất của nhà nước quân chủ trung ương tập quyền.
Sáu năm sau, năm 944, Ngô Quyền mất, đất nước rơi vào thời kỳ hỗn loạn, tranh giành ngôi vua, tranh giành cát cứ, nhiều cuộc nổi loạn nổ ra: “Bấy giờ (năm Đinh Mão-965), trong nước không có chủ, 12 sứ quân tranh nhau làm trưởng, không ai chịu thống thuộc ai…”
Trong số các sứ quân không ít người vốn là tướng lĩnh hoặc là dòng dõi của Ngô Quyền, đã góp nhiều công sức xây dựng nhà Ngô. Khi cuộc tranh chấp ngôi báu giữa Dương Tam Kha và các con trai Ngô Quyền nổ ra, họ rời bỏ triều đình, quay về hùng cứ những vùng vốn là đất bản bộ hoặc đất được cấp dưới thời Ngô Quyền. Số ít các sứ quân còn lại là những thổ hào, hào trưởng có thế lực ở địa phương, quyền uy vẫn được giữ nguyên dưới thời Ngô Quyền. Nhiều sứ quân khá mạnh về quân sự, từng là tướng của Ngô quyền, từng tham gia cuộc chiến đấu chống quân Nam Hán hoặc các cuộc chinh phạt, nên có nhiều kinh nghiệm tổ chức chiến đấu, khi lui về trang trại, họ mang theo quân lính bản bộ.
Tình trạng cát cứ và tranh chấp của các lực lượng địa phương kéo dài nhiều năm, tập trung nhất là các năm 965 - 967, làm cho đất nước suy yếu, đời sống nhân dân khó khăn.
2/ Nhà Đinh (968-980)
Đinh Bộ Lĩnh (con trai Đinh Công Trứ), người vùng Hoa Lư - châu Đại Hoàng (Ninh Bình ngày nay). Từ nhỏ, Đinh Bộ Lĩnh đã thể hiện tài năng và trí tuệ của một chỉ huy. Ông tạo dựng uy tín, thu phục lòng người, xây dựng một lực lượng mạnh tại vùng Hoa Lư, củng cố và mở rộng khu vực chiếm giữ của mình. Ông liên kết với sứ quân Trần Lãm, một thế lực cát cứ lớn ở vùng đất phía Nam đồng bằng Bắc bộ, nơi có địa thế hiểm trở. Là người có tài thao lược, Đinh Bộ Lĩnh đã dùng mọi kế sách, tùy mỗi sứ quân mà tính cách đánh thích hợp (bằng quân sự hoặc bằng liên kết, hay dùng mưu dụ hàng, thương thuyết,…). Được sự ủng hộ của nhân dân, ông đánh đâu thắng đó nên được gọi là Vạn Thắng Vương.
Đến năm 967, loạn 12 sứ quân hoàn toàn bị tiêu diệt, đất nước được thống nhất sau giai đoạn chia cắt, loạn ly.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh được suy tôn lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, chọn Hoa Lư (Ninh Bình) làm kinh đô. Năm 970, đặt niên hiệu là Thái Bình, biểu hiện ý thức độc lập tự chủ của nhà Đinh.
Để bảo vệ đất nước, Đinh Tiên Hoàng thành lập đội quân thường trực với số lượng đông. Ông xây cung điện, chế triều nghi, định phẩm hàm quan văn, quan võ, phong cho con là Đinh Liễn là Nam Việt Vương, Lê Hoàn là Thập đạo tướng quân. Ông quản lý toàn bộ dân cư và lãnh thổ. Ruộng đất một phần phân cho quan lại, công thần và hoàng tộc, phần còn lại giao cho làng xã để chia ruộng công theo định kỳ và định suất cho nông dân cày.
Tháng 10 năm 979, Đinh Tiên Hoàng và con trai là Đinh Liễn bị Đỗ Thích giết chết. Nên triều thần cùng tôn con trai thứ của Đinh Tiên Hoàng là Đinh Toàn lên ngôi hoàng đế khi ấy được 6 tuổi. Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được nắm quyền nhiếp chính, xưng là Phó Vương.
Nội bộ nghi ngờ lẫn nhau, dẫn đến tình trạng rối loạn, các tướng lĩnh kéo binh chống lại Lê Hoàn. Song song đó, nhà Tống (Trung Quốc) cũng nhân cơ hội nước ta đang rối loạn mà kéo quân tiến đánh.
3/ Nhà Tiền Lê (980 - 1009)
Trước tình cảnh đó, Dương Thái Hậu - mẹ của Đinh Toàn, giao cho Lê Hoàn chuẩn bị chống quân xâm lược. Quân sĩ tôn Lê Hoàn lên ngôi vua để lãnh đạo quân dân, tổ chức cuộc kháng chiến.
Lê Hoàn lên ngôi, xưng là hoàng đế, tức Đại Hành hoàng đế. Đổi niên hiệu là Thiên Phúc, lập nên nhà Lê (sử gọi là nhà Tiền Lê). Sau khi lên ngôi ông đã thân chinh chỉ huy công cuộc phòng thủ, chỉ huy thắng lợi cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược năm 980 - 981.
Sau cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán năm 938 của Ngô Quyền, cuộc kháng chiến chống Tống năm 980 - 981 của Lê Đại Hành cho thấy nghệ thuật quân sự vào thế kỷ thứ X đã đạt được những đỉnh cao rực rỡ. Sau chiến thắng, Lê Đại Hành chú tâm vào việc xây dựng đất nước.
Vào lúc này, kỹ thuật canh tác lúa nước đã đạt đến trình độ cao. Một hệ thống thuỷ lợi nhằm điều hoà nước trên vùng đồng bằng sông Hồng đã bước đầu được thực hiện. nhiều con sông, kênh được đào vét, một số đê ven sông lớn được hình thành ngăn lũ lụt để sản xuất. Tô thuế của Nhà nước trong thời kỳ Đinh, Tiền Lê tương đối đơn giản, nhẹ nhàng, điều đó đã góp vào việc khuyến khích sản xuất nông nghiệp, tạo sự ổn định đất nước. Năm 968 nhà Đinh cho đúc tiền “Thái Bình Thông bảo”, năm 984 nhà Tiền Lê cho đúc tiền “Thiên Phúc Trấn bảo”. Đây là những đồng tiền đầu tiên được phát hành với danh nghĩa của một nhà nước độc lập. Việc phát hành tiền tệ chứng tỏ nền thương nghiệp đã có sự phát triển, việc mua bán giao lưu hàng hoá tăng. Kinh đô Hoa Lư, là trung tâm văn hoá lớn nhất lớn nhất nước. Có nhiều công trình kiến trúc vừa mang tính cung đình nhưng cũng vừa mang tính đại chúng. Phật giáo rất phát triển. Các nhà sư được triều đình trọng thị và ưu đãi, được mời tham dự các công việc của nhà nứơc và giữ những chức vụ quan trọng. Thời Tiền Lê, Sư Vạn Hạnh rất được vua kính trọng, thường tham khảo ý kiến của ông đối với những việc trọng đại.
Lê Đại Hành làm vua được 24 năm, mất năm 1005, thọ 65 tuổi. Sau khi ông mất, các hoàng tử tranh ngôi. Cuối cùng Lê Long Đĩnh lên ngôi vua. Lê Long Đĩnh không phải là một vị vua tốt, ông thực hiện chính sách dã man (đốt người, xẻo thịt, thả người trôi sông…) với những hành vi phản kháng, khinh mạn các triều thần, đam mê tửu sắc làm cho chính sự đổ nát, lòng người chán nản. Ông ở ngôi được 4 năm thì mất (1005 - 1009).
Cuối triều Tiền Lê, xu hướng cát cứ lại từng lúc nổi dậy. Triều đình áp dụng chính sách quân sự để giữ vững sự thống trị. Cuộc sống của nhân dân trở nên vô cùng khổ sở. Thêm vào đó sự cai trị vô cùng tàn bạo của Lê Long Đĩnh càng làm tăng sự căm phẫn, bất bình, chán ghét nhà Tiền Lê trong dân chúng, binh sĩ, quan lại, tăng sư. Vì vậy, sau khi Lê Long Đĩnh mất, quan lại, tăng sư đã tôn Lý Công Uẩn lên làm vua lập nên triều Lý vào ngày 02 tháng 11 năm Kỷ Dậu (1009).
Lý Công Uẩn, người châu Cổ Pháp (huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh ngày nay). Ông vốn là con nuôi của nhà sư Lý Khánh Vân ở chùa Cổ Pháp, là người thông minh đĩnh ngộ. Lớn lên ông trở thành võ tướng tài ba giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ (Tổng chỉ huy quân đội cấm vệ) trông coi đội quân cấm vệ của triều đình nhà Tiền Lê. Ông đã thu phục được nhân tâm và sự ủng hộ của quan lại, quân sĩ triều đình cùng giới sư sãi. Khi lên ngôi ông chọn niên hiệu là Thuận Thiên, lấy năm Canh Tuất (1010) làm năm mở đầu cho triều đại.
Tháng 7 năm 1010, Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long ở đồng bằng Bắc Bộ bên bờ sông Hồng (Hà Nội ngày nay). Trong “Chiếu dời đô”, Lý Công Uẩn nói “Ở vào nơi trung tâm trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi; ở giữa Nam Bắc, Đông Tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ vì ngập lụt, muôn vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp nước Việt, chỉ nơi này là thắng địa. Thực là chốn hội tụ của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời”. Vua Lý cũng nói rõ mục đích dời kinh đô là nhằm “mưu chọn chỗ ở chính giữa làm kế tục cho con cháu ức muôn đời”.
Việc dời đô về Thăng Long của Lý Công Uẩn là sự kiện quan trọng, dời đô ra vùng trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, đây một vùng đất trù phú, đông dân, nhiều tiềm năng kinh tế, văn hóa đã chứng tỏ dân tộc và đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới, bắt đầu vươn dậy với khí thế Thăng Long – Rồng bay lên và thể hiện sự vươn lên, hưng thịnh của phong kiến Việt Nam.
VIỆC DỜI ĐÔ RA THĂNG LONG CỦA NHÀ LÝ VÀO NĂM 1010
Vùng đất Thăng Long – Hà Nội là một trong vùng đất trải qua trường kỳ lịch sử dân tộc. Thăng Long – Hà Nội là “nơi trung tâm bờ cõi”, “nơi đô thành bậc nhất”, “nơi hội họp của bốn phương”. Hà Nội là kinh đô rất sớm của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam và từ năm 1945 là Thủ đô nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, sau đổi thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày càng thể hiện chính trị sâu sắc hơn tính chất tiêu biểu về văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội của cả nước, thực sự là trái tim của Tổ quốc.
Nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Hà Nội nói riêng, đang nỗ lực hoạt động hướng đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (1010 – 2010), tích cực bảo tồn, phát huy truyền thống vẻ vang Thăng Long – Hà Nội, truyền thống dân tộc, xây dựng Thủ đô không ngừng lớn mạnh trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là trách nhiệm cao cả của mọi người Việt Nam.
NHÀ LÝ DỜI ĐÔ VỀ THĂNG LONG
Trong tình hình rối ren vào cuối nhà Tiền Lê, Lý Công Uẩn đã thu phục được nhân tâm và sự ủng hộ của quan lại, quân sĩ triều đình cùng giới sư sãi. Trong thời cơ ấy, Lý Công Uẩn lên ngôi vua lấy hiệu là Lý Thái Tổ, chọn niên hiệu là Thuận Thiên và lấy năm Canh Tuất (năm 1010) làm năm mở đầu cho triều đại.
Thời Tiền Lê, kinh đô đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình), nơi núi non hiểm trở thích hợp cho việc phòng thủ nên đến khi nhà Lý thành lập, đất nước bước sang thời kỳ phát triển mới. Vì vậy, tháng 7 năm 1010, Lý Công Uẩn quyết định dời đô về Thăng Long ở đồng bằng Bắc Bộ bên bờ sông Hồng.
Sự kiện dời đô ra vùng trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, một vùng đất trù phú, đông dân, nhiều tiềm năng kinh tế, văn hóa đã chứng tỏ dân tộc và đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới, bắt đầu vươn dậy với khí thế Thăng Long – Rồng bay lên.
Thành Thăng Long có chu vi hơn 20 km, được bao bọc bởi các dòng sông : sông Hồng phía Bắc và phía Đông, sông Kim Ngưu cùng sông Tô Lịch ở phía Nam, phía Tây. Năm 1010, vua Lý Thái Tổ cho xây dựng các cung điện trong kinh thành Thăng Long, phía trước dựng điện Càn Nguyên làm chỗ coi chầu, bên tả làm điện Tập Hiền, bên hữu dựng điện Giảng Võ. Mở cửa Phi Long thông với cung Nghênh Xuân, cửa Đan Phượng thông với cửa Uy Viễn, hướng chính Nam dựng điện Cao Minh, đều có thềm rồng, trong thềm rồng có hành lang dẫn ra xung quanh bốn phía. Sau điện Càn Nguyên dựng hai điện Long An, Long Thụy làm nơi vua nghỉ. Bên tả xây điện Nhật Quang, bên hữu dựng điện Nguyệt Minh, phía sau dựng hai cung Thúy Hoa, Long Thụy làm chỗ cho cung nữ. Dựng kho tàng, đắp thành, đào hào. Bốn mặt phía Nam gọi là cửa Đại Hưng, phía Bắc gọi là cửa Diệu Đức. Năm 1011, vua cho xây tiếp cung Đại Thanh ở bên tả, kho Trấn Phúc ở trong thành. Năm 1014, vua cho đắp thành đất ở bốn mặt kinh thành Thăng Long. Việc di dời kinh đô ra Thăng Long và nhu cầu xây dựng các công trình tôn giáo đặc biệt là xây dựng chùa đã tạo điều kiện cho nghệ thuật kiến trúc dưới thời Lý phát triển mạnh mẽ.
Vua Lý Thái Tổ chia đất nước từ 10 đạo thành 24 lộ và đổi châu Cổ Pháp làm phủ Thiên Đức, đổi thành Hoa Lư làm phủ Trường An, phủ Ứng Thiên là Nam Kinh, trấn Chiêu Dương làm châu Vĩnh An. Những nơi xa kinh đô như châu Hoan, châu Ái (từ Thanh Hóa vào đến Quảng Bình) và vùng dân tộc ít người được đổi thành các trại. Dưới lộ có phủ, châu, các đơn vị hành chính cơ sở là hương và giáp. Việc phân chia các đơn vị hành chính từ trung ương tới địa phương của nhà Lý không chỉ thể hiện sự thống nhất của quốc gia mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý đất nước.
Năm 1010, khi mới lên ngôi, Lý Thái Tổ đã xuống chiếu bắt tất cả những kẻ tha phương phải trở về quê quán, lo việc nông. Nhờ vậy, lực lượng sản xuất nông nghiệp ngay từ buổi đầu đã ổn định và bảo đảm. Để phát triển sản xuất nông nghiệp, triều Lý rất chăm lo công tác thủy lợi. Vùng đồng bằng Bắc Bộ là một vựa lúa lớn, tuy nhiên tình trạng lũ lụt của sông Hồng và các sông lớn khác đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Công tác thủy lợi do Nhà nước trung ương đảm nhiệm. Một hệ thống đê dọc các sông lớn đã được hình thành, đầu tiên là những đoạn đê dọc sông Như Nguyệt (sông Cầu) được đắp vào tháng 9 năm 1077. Việc đắp đê được nhà Lý coi trọng và đã ban hành nhiều quy định chặt chẽ. Năm 1103, nhà vua xuống chiếu bắt dân cư trong và ngoài kinh thành Thăng Long đắp đê ngăn nước lụt sông Hồng. Năm 1108, nhà Lý vận động dân đắp đê Cơ Xá dọc sông Hồng quãng ngoài thành Thăng Long nhằm bảo vệ kinh thành. Do Thăng Long là vùng đất hay bị ngập úng, các vua nhà Lý đã cho đào sông Lãnh Kinh vào năm 1189, sông Tô Lịch vào năm 1193 để tiêu nước… Nhìn chung, những công trình thủy lợi dưới thời Lý đã góp phần tích cực cho sản xuất nông nghiệp đạt nhiều hiệu quả lớn lao, ngăn chặn được lũ lụt và tưới tiêu nước cho việc canh tác lúa, hoa màu.
Nghề gốm trong thời Lý được phổ biến rộng rãi khắp nơi nhưng tập trung nhất là Kinh đô Thăng Long vì nơi đây có nhiều chất liệu đất phù hợp cũng như đường giao thông thủy bộ thuận tiên. Việc xây dựng kinh đô Thăng Long trong buổi đầu đòi hỏi một khối lượng gạch, ngói, gốm, sứ khá lớn. Gạch ngói xây dựng cung điện, đền tháp, nhà ở dưới thời Lý có nhiều loại dáng tùy theo yêu cầu của công trình kiến trúc và đáng chú ý là gạch có ghi chữ Hán “Đại Việt quốc quân thành chuyên”, kích thước 30x30 cm, in hình nổi chim phượng hoặc hoa cúc.
Vùng ven kinh đô Thăng Long có nghề làm giấy rất nổi tiếng ở các làng Bưởi, Yên Thái, làng Hồ, làng Nghĩa Đô… đã cung cấp cho cả nước lượng lớn các loại giấy tạo điều kiện cho việc học tập, sáng tác văn chương.
Việc dời kinh đô về Thăng Long đã biến nơi này thành một trung tâm thương nghiệp sầm uất và kích thích hoạt động kinh tế của khu vực đồng bằng sông Hồng. Vị trí của kinh thành Thăng Long như trong Chiếu đời đô đã nói là nơi bốn phương tụ hội vì vậy hoạt động thương nghiệp nơi đây có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ. Thời Lý, ở Thăng Long có 61 phố phường, ngoài một số phường chuyên về sản xuất tiểu thủ công nghiệp, còn lại đa phần là những phường buôn bán trao đổi hàng hóa sản vật từ khắp miền đất nước. Một số chợ có quy mô lớn được hình thành ngay tại kinh đô như các chợ ở phía Đông, chợ Tây, chợ Nam, chợ ở phường Giang Khẩu thường xuyên thu hút đông đảo người đến mua bán. Kinh đô Thăng Long đã trở thành đầu mối thương nghiệp lớn. Đã xuất hiện một tầng lớp thương nhân chuyên nghiệp, giàu có và có thế lực. Để đáp ứng hoạt động thương nghiệp các triều đại nhà Lý đã cho đúc nhiều loại tiền đồng lưu hành trong nước. Nhà nước triều Lý độc quyền chế tác, thành lập các xưởng đúc tiền ở kinh đô Thăng Long (Lý Thái Tổ đúc tiền Thuận Thiên Đại bảo; Lý Thái Tông đúc tiền Càn Phù Nguyên bảo, Minh Đạo Thông bảo; Lý Nhân Tông đúc tiền Thiên Phù Nguyên bảo, Lý Thần Tông đúc tiền Thiên Thuận Thông bảo…)
Kể từ ngày đoàn thuyền ngự của Lý Công Uẩn dừng bên dòng sông Tô Lịch dưới chân thành Đại La mùa thu năm Canh Tuất (năm 1010) mở đầu trang lịch sử mới của vùng đất núi Nùng sông Nhị. Qua bao thăng trầm, hình thành và phát triển, địa danh Thăng Long – Hà Nội đi vào lòng người Việt Nam như một hình tượng thiêng liêng mang hồn đất nước.
Thế giới biết đến Việt Nam qua địa danh Hà Nội – cái tên gợi lên bao tình cảm dạt dào về những cửa ô (ô Cầu Giấy, ô Quan Chưởng, ô Chợ Dừa, ô Đống Mác…), những dãy phố bắt đầu bằng chữ Hàng (Hàng Bông, Hàng Bạc,Hàng Mã, Hàng Khoai, Hàng Đường…), những di tích lịch sử (Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình, cột cờ Hà Nội, thành cổ Hà Nội, Hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, Văn miếu Quốc Tử Giám…) đã tạo sắc diện rất riêng trên mảnh đất này.
BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY
(Tài liệu tham khảo : Lịch sử Việt Nam, tập 2 - 3 của Hội đồng Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh – Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 2007).