SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
8
4
0
3
1
6
Tin Kinh tế - Quản lý tài chính 14 Tháng Mười Một 2018 2:00:00 CH

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ THUẾ

Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đối với Hộ kinh doanh (HKD)

I. Các kênh thông tin hỗ trợ từ cơ quan Thuế:

  HKD liên hệ trực tiếp với Chi cục Thuế Quận 8 khi cần tại Địa chỉ: 1079 Phạm Thế Hiển, Phường 5,Quận 8;

Điện thoại:

Đội Thuế Liên phường 1: 028.38504575

Đội Thuế Liên phường 2: 028.38520409

Đội Thuế Liên phường 3: 028.38520410

Đội Tuyên truyền hỗ trợ:  028.38506081

 

II. Nội dung công việc thực hiện đối với HKD

Căn cứ pháp lý

Căn cứ theo Luật Quản lý Thuế và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Căn cứ Thông tư số 95/2016/TT-BTC ngày 28/6/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế;

Căn cứ QĐ số 02/2018/QĐ-UBND 18/01/2018 Của UBND TP.HCM v/v ban hành quy chế liên thông nhóm thủ tục đăng ký HKD và đăng ký thuế trên địa bàn TP. HCM.

 

1. Quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan (HĐTV Thuế, BQL chợ..)

(Trích: LUẬT QUẢN LÝ THUẾ CỦA QUỐC HỘI KHOÁ XI, KỲ HỌP THỨ 10 SỐ 78/2006/QH11 NGÀY 29 THÁNG 11 NĂM 2006)

 Điều 7. Nghĩa vụ của người nộp thuế    

1. Đăng ký thuế, sử dụng mã số thuế theo quy định của pháp luật.

2. Khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế.

3. Nộp tiền thuế đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm.

4. Chấp hành chế độ kế toán, thống kê và quản lý, sử dụng hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

5. Ghi chép chính xác, trung thực, đầy đủ những hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, khấu trừ thuế và giao dịch phải kê khai thông tin về thuế.

6. Lập và giao hoá đơn, chứng từ cho người mua theo đúng số lượng, chủng loại, giá trị thực thanh toán khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ theo quy định của pháp luật.

7. Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế, số hiệu và nội dung giao dịch của tài khoản mở tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; giải thích việc tính thuế, khai thuế, nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.

8. Chấp hành quyết định, thông báo, yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế theo quy định của pháp luật.

9. Chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật trong trường hợp người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền thay mặt người nộp thuế thực hiện thủ tục về thuế sai quy định.

Điều 9. Quyền hạn của cơ quan quản lý thuế

1. Yêu cầu người nộp thuế cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế, số hiệu, nội dung giao dịch của các tài khoản được mở tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và giải thích việc tính thuế, khai thuế, nộp thuế.

2. Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế và phối hợp với cơ quan quản lý thuế để thực hiện pháp luật về thuế.

3. Kiểm tra thuế, thanh tra thuế.

4. Ấn định thuế.

5. Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế.

6. Xử phạt vi phạm pháp luật về thuế theo thẩm quyền; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế.

7. Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm pháp luật về thuế theo quy định của pháp luật.

8. Ủy nhiệm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân thu một số loại thuế vào ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ.

Điều 11. Trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc quản lý thuế

1. Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định nhiệm vụ thu ngân sách hằng năm và giám sát việc thực hiện pháp luật về thuế.

2. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo các cơ quan có liên quan tại địa phương phối hợp với cơ quan quản lý thuế lập dự toán thu ngân sách nhà nước và tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn;

b) Kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thuế;

c) Xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện pháp luật về thuế theo thẩm quyền.

Điều 16. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khác trong việc tham gia quản lý thuế

1. Cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế.

2. Phối hợp thực hiện các quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế.

3. Tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về thuế.

4. Yêu cầu người bán hàng, người cung cấp dịch vụ phải giao hoá đơn, chứng từ bán hàng hoá, dịch vụ đúng số lượng, chủng loại, giá trị thực thanh toán khi mua hàng hoá, dịch vụ.

Điều 30. Nguyên tắc khai thuế và tính thuế

  1. Người nộp thuế phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong tờ khai thuế theo mẫu do Bộ Tài chính quy định và nộp đủ các loại chứng từ, tài liệu quy định trong hồ sơ khai thuế với cơ quan quản lý thuế.

2. Người nộp thuế tự tính số thuế phải nộp, trừ trường hợp việc tính thuế do cơ quan quản lý thuế thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 71. Trách nhiệm của người nộp thuế trong việc cung cấp thông tin

1. Cung cấp đầy đủ thông tin trong hồ sơ thuế.

2. Cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.

3. Thông tin cung cấp cho cơ quan quản lý thuế phải đầy đủ, chính xác, trung thực, đúng thời hạn.

Điều 72. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin về người nộp thuế

1. Các cơ quan sau đây có trách nhiệm cung cấp thông tin về người nộp thuế cho cơ quan quản lý thuế:

a) Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cơ quan cấp giấy phép thành lập và hoạt động có trách nhiệm cung cấp thông tin về nội dung giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy chứng nhận thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân cho cơ quan quản lý thuế trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động hoặc giấy chứng nhận thay đổi đăng ký kinh doanh; cung cấp thông tin khác theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế;

b)  Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý thuế về số tiền thuế đã nộp, đã hoàn của người nộp thuế.

2. Các cơ quan sau đây có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế:

a) Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng ...

b) Cơ quan quản lý nhà nước về nhà, đất ...

c) Cơ quan công an ...

d) Cơ quan chi trả thu nhập ...

đ) Cơ quan quản lý thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin về chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh của Việt Nam và nước ngoài; thông tin về quản lý thị trường.

3. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan về người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.

4. Thông tin cung cấp, trao đổi được thực hiện bằng văn bản hoặc dữ liệu điện tử.

5. Chính phủ quy định chi tiết việc cung cấp thông tin, quản lý thông tin về người nộp thuế.

 

2. Đăng ký Thuế đối với HKD mới thành lập

Hồ sơ ban đầu:

a. Giấy Đề nghị đăng ký HKD (theo mẫu quy định tại TT 20/2015/TT-BKHĐT

b. Tờ khai đăng ký thuế ( Mẫu 03-ĐK-TCT  TT95/2016/TT-BTC)

c. Bản sao có chứng thực hoặc kèm bản chính của Thẻ Căn cước Công dân (hoặc CMND) còn hiệu lực.

Tiếp nhận hồ sơ: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND Quận.

Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND Quận sẽ chuyển thông tin qua mạng điện tử đến CCT.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, CCT cấp Giấy CN ĐKT và chuyển bản chính đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND Quận.

3. Về Mức nộp Lệ phí Môn bài

Đối tượng nộp

Doanh thu

Mức thu/ năm

Cá nhân kinh doanh, hộ cá thể kinh doanh

Doanh thu trên 500 triệu đồng/ năm

1.000.000

Doanh thu từ 300 đến 500 triệu đồng/ năm

500.000

Doanh thu từ 100 đến 300 triệu đồng/ năm

300.000

 

Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh hoặc mới thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm;

Nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.

Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nhưng không kê khai lệ phí môn bài thì phải nộp mức lệ phí môn bài cả năm, không phân biệt thời điểm phát hiện là của 6 tháng đầu năm hay 6 tháng cuối năm.

 

4. Miễn giảm thuế

Căn cứ pháp lý:

Khoản 11 Điều 21 và Điều 46 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý thuế; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/ND-CP ngày 22/07/2013 của Chính phủ;

Khoản 11 Điều 6 Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15 tháng 06 năm 2015 của Bộ Tài chính;

Điểm l Khoản 1 Điều 11 Nghị định 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.

Các trường hợp giảm thuế khoán:

NNT gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo

NNT tạm ngừng, nghỉ kinh doanh

Hộ nộp thuế khoán có mức doanh thu bằng hoặc dưới mức doanh thu không phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo phương pháp khoán.

Trường hợp miễn giảm thuế do tạm ngừng, nghỉ kinh doanh

Hồ sơ: Gửi Thông báo tạm ngừng, nghỉ kinh doanh và Văn bản đề nghị miễn giảm thuế theo mẫu 01/MGTH đến cơ quan thuế trong khoảng thời gian 15 (mười lăm) ngày trước khi tạm ngừng, nghỉ kinh doanh.

Xác định số thuế Hộ nộp thuế khoán được miễn, giảm do tạm ngừng, nghỉ kinh doanh:

+ Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán nghỉ liên tục từ trọn 01 (một) tháng (từ ngày mùng 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng đó) trở lên được giảm 1/3 số thuế khoán phải nộp của quý;

+ Nếu nghỉ liên tục trọn 02 (hai) tháng trở lên được giảm 2/3 số thuế khoán phải nộp của quý,

+ Nếu nghỉ trọn quý được giảm toàn bộ số thuế khoán phải nộp của quý. + Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán ngừng/nghỉ kinh doanh không trọn tháng thì không được giảm thuế khoán phải nộp của tháng.

Trường hợp có đơn đề nghị miễn, giảm thuế do nghỉ kinh doanh nhưng thực tế vẫn kinh doanh thì việc xử lý hành vi vi phạm như sau:

Trường hợp thời điểm kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh vẫn thực tế kinh doanh đang trong giai đoạn cơ quan thuế xem xét để ra quyết định miễn, giảm thuế thì cơ quan thuế thông báo cho hộ kinh doanh lý do không được miễn giảm mẫu 04/MGTH và yêu cầu nộp đủ thuế theo quy định.

Trường hợp thời điểm kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh vẫn kinh doanh sau khi cơ quan thuế ra quyết định miễn giảm thuế thì hành vi của hộ kinh doanh được xác định là hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Trường hợp này, ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận (số thuế đã được miễn, giảm) còn bị xử phạt theo số lần tính trên số tiền thuế trốn, gian lận thuế.

 

 

5. Thủ tục khóa mã số thuế đối với hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh

Căn cứ TT 95/2016/TT-BTC ngày 28/06/2016 về việc Hướng dẫn Đăng ký Thuế (Gọi tắt là TT 95/2016)

Lưu ý: HKD  khi chấm dứt hoạt động kinh doanh, việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế chỉ chấm dứt đối với hoạt động kinh doanh của hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh (gọi tắt là HKD). Mã số thuế của đại diện hộ kinh doanh không bị chấm dứt hiệu lực và được sử dụng để thực hiện nghĩa vụ thuế của cá nhân đó.

Các nghĩa vụ HKD phải hoàn thành trước khi chấm dứt hiệu lực MST:

Theo Điểm b, Khỏan 3, Điều 16, Mục 3, Chương II, TT95/2016.

+ Nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn nếu HKD có sử dụng hoá đơn;

+ Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định tại Điều 40, Điều 41, Điều 43 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 của Bộ Tài chính.

Thời hạn và địa điểm nộp hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế

Theo Điểm b, Khỏan 4, Điều 16, Mục 3, Chương II, TT95/2016.

 Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hoạt động, HKD có trách nhiệm gửi hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp để làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế.

 Hồ sơ chấm dứt hiệu lực MSTcủa HKD

Theo Khỏan 3, Điều 17, Mục 3, Chương II, TT95/2016. Hồ sơ gồm:

- Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế mẫu số 24/ĐK-TCT (đính kèm)

- Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc thông báo mã số thuế (bản gốc); hoặc công văn giải trình mất Giấy chứng nhận đăng ký thuế hoặc thông báo mã số thuế;

- Bản sao Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký HKD đối với hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân kinh doanh (nếu có).

Xử lý hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế của HKD và trả kết quả

Theo Điểm b, Khỏan 1, Điều 18, Mục 3, Chương II, TT95/2016/TT-BTC

+ Trường hợp HKD hoàn thành nghĩa vụ về thuế, Cơ quan thuế ban hành Thông báo người nộp thuế chấm dứt hiệu lực mã số thuế mẫu số 18/TB-ĐKT trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày người nộp thuế đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế với cơ quan thuế.

+ Nếu HKD chưa hòan tất nghĩa vụ thuế: Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế nhận được hồ sơ chấm dứt hiệu lực mã số thuế của HKD, cơ quan thuế ban hành Thông báo người nộp thuế ngừng hoạt động và đang làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế (mẫu số 17/TB-ĐKT) gửi cho người nộp thuế. Đồng thời chuyển trạng thái của người nộp thuế về trạng thái "NNT ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế" trên Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế đối với hoạt động kinh doanh.

 

6. HƯỚNG DẪN KÊ KHAI CHO THUÊ TÀI SẢN

Căn cứ pháp lý:

Căn cứ theo Thông tư  92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 có hiệu lực từ ngày 30/7/2015.

Căn cứ theo Quy trình 2469/QĐ-TCT ngày 31/12/2015 Quy trình quản lý thuế đối với họat động cho thuê tài sản của cá nhân.

1. Đối tượng áp dụng:

Cá nhân cho thuê tài sản: là hộ gia đình, cá nhân (có đăng ký kinh doanh hoặc không có đăng ký kinh doanh) có phát sinh doanh thu từ hoạt động cho thuê tài sản bao gồm: cho thuê nhà, mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng, kho bãi không bao gồm dịch vụ lưu trú; cho thuê phương tiện vận tải, máy móc thiết bị không kèm theo người điều khiển; cho thuê tài sản khác không kèm theo dịch vụ.

Người nộp thuế: là cá nhân có tài sản cho thuê. Trường hợp cá nhân có tài sản cho thuê ủy quyền hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng thuê để bên thuê tài sản hoặc tổ chức, cá nhân khác khai thuế và nộp thuế thay thì nghĩa vụ thuế vẫn được xác định cho cá nhân có tài sản cho thuê.

Mã số thuế: là mã số do cơ quan thuế cấp cho người nộp thuế. Để đảm bảo tính duy nhất, mã số thuế được cấp dựa trên thông tin về chứng minh nhân dân của người nộp thuế.

Hướng dẫn kê khai:

Theo điều 4 Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 (có hiệu lực từ ngày 30/7/2015): " Doanh thu tính thuế đối với hoạt động cho thuê tài sản được xác định như sau:

- Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động cho thuê tài sản là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của số tiền bên thuê trả từng kỳ theo hợp đồng thuê và các khoản thu khác không bao gồm khoản tiền phạt, bồi thường mà bên cho thuê nhận được theo thỏa thuận tại hợp đồng thuê.

- Doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động cho thuê tài sản là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của số tiền bên thuê trả từng kỳ theo hợp đồng thuê và các khoản thu khác bao gồm khoản tiền phạt, bồi thường mà bên cho thuê nhận được theo thỏa thuận tại hợp đồng thuê.

- Trường hợp bên thuê trả tiền thuê tài sản trước cho nhiều năm thì doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân xác định theo doanh thu trả tiền một lần."

Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu

- Tỷ lệ thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động cho thuê tài sản là 5%

- Tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động cho thuê tài sản là 5%

Xác định số thuế phải nộp

Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT  x Tỷ lệ thuế GTGT 5%

Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN 5%

Như vậy:

Nếu tổng số tiền cho thuê nhà > 100triệu/năm hoặc > 8,4 triệu/tháng thì cá nhân cho thuê nhà phải nộp thuế Môn bài, thuế GTGT và thuế TNCN.

+ Hồ sơ khai thuế cho thuê nhà bao gồm:

- NNT được CQT cung cấp mẫu tờ khai, tài liệu hướng dẫn khai thuế và tài liệu về chính sách thuế đối với hoạt động cho thuê tài sản tại Bộ phận “một cửa” hoặc trên Trang thông tin điện tử của ngành Thuế (http://kekhaithue.gdt.gov.vn).

 - Tờ khai theo mẫu số 01/TTS (Ban hành ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính).

- Phụ lục theo mẫu số 01-1/BK-TTS ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC;

- Bản chụp Hợp đồng thuê tài sản, Phụ lục hợp đồng (nếu là lần khai thuế đầu tiên của Hợp đồng hoặc Phụ lục hợp đồng).

-à Hiện nay tờ khai đã được thực hiện khai online trên trang : http://kekhaithue.gdt.gov.vn.

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế

- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với cá nhân khai thuế theo kỳ hạn thanh toán  chậm nhất là ngày thứ 30 (ba mươi) của quý tiếp theo quý bắt đầu thời hạn cho thuê.

- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với cá nhân khai thuế một lần theo năm chậm nhất là ngày thứ 90 (chín mươi) kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.

Thời hạn nộp thuế

Thời hạn nộp thuế là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. 

 

7. Quản lý và Cưỡng chế nợ thuế.

Căn cứ Điểm 3, Mục 2, Phần 2 Quy trình quản lý nợ ban hành kèm QĐ 1401/QĐ-TCT ngày 28/7/2015 của Tổng cục Thuế:

1. Đối với khoản nợ từ 01 đến 30 ngày, kể từ ngày hết hạn nộp thuế:

a) Công chức quản lý nợ hoặc công chức tham gia thực hiện quy trình thực hiện đôn đốc bằng điện thoại. Trường hợp thủ trưởng cơ quan thuế giao nhiệm vụ đôn đốc nợ cho bộ phận kiểm tra thuế, quản lý các khoản thu từ đất, trước bạ và thu khác, quản lý thuế thu nhập cá nhân… thì các bộ phận này thực hiện đôn đốc bằng điện thoại.

b) Trường hợp đã được sự đồng ý của NNT và điều kiện về cơ sở hạ tầng thuận lợi, có thể đôn đốc qua hình thức nhắn tin và gửi thư điện tử cho chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện theo pháp luật của NNT thông báo về số tiền thuế nợ.

2. Đối với khoản nợ từ ngày thứ 31 trở lên, kể từ ngày hết hạn nộp thuế, công chức quản lý nợ và công chức tham gia thực hiện quy trình thực hiện:

a) Lập thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp theo mẫu số 07/QLN (ban hành kèm theo quy trình) trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế; các khoản nợ thuế của NNT tại Thông báo 07/QLN bao gồm các khoản nợ mới phát sinh từ 01 ngày trở lên.

b) Sau khi lãnh đạo cơ quan thuế phê duyệt, bộ phận quản lý nợ hoặc bộ phận được giao nhiệm vụ quản lý nợ gửi Thông báo 07/QLN cho NNT, không in Bảng kê kèm theo Thông báo 07/QLN.

Trường hợp NNT đề nghị thì gửi Thông báo 07/QLN kèm theo bảng kê qua thư điện tử (Email) cho NNT.

3. Đối với khoản tiền thuế nợ quá thời hạn nộp từ 61 ngày hoặc trước 30 ngày tính đến thời điểm hết thời gian gia hạn nộp thuế, thời gian không tính tiền chậm nộp: công chức thuộc bộ phận quản lý nợ thực hiện xác minh thông tin để thực hiện cưỡng chế nợ thuế theo quy định của pháp luật.

3. Đối với khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế; khoản tiền thuế nợ đã quá thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn không tính tiền chậm nộp; NNT có hành vi bỏ địa chỉ kinh doanh, tẩu tán tài sản; NNT không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế: bộ phận quản lý nợ trình thủ trưởng cơ quan thuế ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp cưỡng chế phù hợp.

Căn cứ Điều 92 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11ngày 29/11/2006 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế do Quốc hội ban hành quy định về trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế:

1. Người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế đã quá chín mươi ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, nộp tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế theo quy định.

2. Người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền phạt vi phạm pháp luật về thuế khi đã hết thời hạn gia hạn nộp tiền thuế.

3. Người nộp thuế còn nợ tiền thuế, tiền phạt có hành vi phát tán tài sản, bỏ trốn.

Căn cứ Điều 93 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11ngày 29/11/2006 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế do Quốc hội ban hành quy định về biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế:

a) Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; yêu cầu phong toả tài khoản;

b) Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập;

c) Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật để thu đủ tiền thuế, tiền phạt;

d) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ;

đ) Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu;

e) Thu hồi mã số thuế; đình chỉ việc sử dụng hoá đơn;

g) Thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

CHI CỤC THUẾ QUẬN 8


Số lượt người xem: 1566    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm