SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
8
4
8
8
2
7
Tin Đời sống - Y tế - Môi trường - Văn minh đô thị 09 Tháng Tám 2022 8:40:00 SA

Triển khai Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 07 tháng 7 năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (thay thế Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ) có hiệu lực từ ngày 25 tháng 8 năm 2022.

Nghị định số 45/2022/NĐ-CP có 4 Chương, 78 Điều quy định về các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính như: Cảnh cáo; phạt tiền, các hình thức phạt bổ sung và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, cụ thể:

- Các hành vi vi phạm các quy định về đăng ký môi trường, giấy phép môi trường, đánh giá tác động môi trường phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 tỷ đồng và đình chỉ thi công hoặc tước quyền sử dụng giấy phép môi trường để khắc phục vi phạm.

- Các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 250 triệu đồng.

- Vi phạm các quy định về quản lý chất thải; vi phạm quy định về bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp làng nghề, phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

- Vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường và nguy hại vào môi trường, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 1 tỷ đồng; phạt từ 01 triệu đồng đến 1 tỷ đồng áp dụng đối với cá nhân vi phạm các quy định về thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường thông thường và nguy hại vào môi trường, tùy theo mức độ vi phạm.

- Vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện, nguyên liệu, phế liệu; nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; hoạt động lễ hội, du lịch và khai thác khoáng sản, phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 1 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động, tịch thu sản phẩm.

- Vi phạm các quy định về thực hiện phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoát, sự cố chất thải; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; bảo vệ tầng ô-dôn, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 500 triệu đồng và đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm, đình chỉ hoạt động của cơ sở.

- Vi phạm về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; vi phạm các quy định về thực hiện quan trắc môi trường; quản lý thông tin, dữ liệu môi trường, phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 1 tỷ đồng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, tước quyền sử dụng giấy phép (nếu có).

- Các hành vi cản trở trong hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tram xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 80 triệu đồng.

Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền quy định đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền với cùng hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.

Bên cạnh đó, Nghị định đã quy định cụ thể thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với các cơ quan có liên quan trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như: Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường/xã có quyền phạt tiền đến 5 triệu đồng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 10 triệu đồng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận/huyện có quyền phạt tiền đến 100 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 1 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính...

Đồng thời, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại Chương III Nghị định này được thực hiện các biện pháp nghiệp vụ theo chức năng và nhiệm vụ được giao để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; trường hợp phát hiện cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt của mình thì phải lập biên bản vụ việc và phối hợp với cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Điều 8 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về việc sử dụng kết quả, dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật trong việc phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:

1. Việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được thực hiện theo Nghị định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính. Kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật được so sánh với nồng độ tối đa cho phép của các thông số môi trường trong quy chuẩn kỹ thuật hiện hành để xác định hành vi vi phạm hành chính.

2. Ngoài dữ liệu do cơ quan, người có thẩm quyền trực tiếp thu thập được từ việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được sử dụng kết quả thử nghiệm, hiệu chuẩn, giám định, kiểm định, đo đạc, phân tích mẫu môi trường và dữ liệu do các cá nhân, tổ chức sau đây cung cấp để phát hiện, xác định hành vi vi phạm hành chính:

- Tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức giám định, kiểm định, quan trắc môi trường được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thành lập, có đủ năng lực thực hiện và được cơ quan có thẩm quyền chỉ định theo quy định của pháp luật chuyên ngành;

- Kết quả thu được bằng thiết bị, hệ thống quan trắc tự động, liên tục khí thải, nước thải của cá nhân, tổ chức đã được thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp phải lắp đặt và truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, giám sát.

Để bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ môi trường và tuân thủ các quy định của nhà nước, đề nghị toàn thể nhân dân thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường, để môi trường xung quanh chúng ta luôn “xanh, sạch, đẹp và thân thiện môi trường” góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mỗi người đều có thể làm cho thế giới sạch hơn, bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn xã hội./.

(Đính kèm Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 của Chính phủ)

 

Phòng Tài nguyên – Môi trường Quận 8


Số lượt người xem: 1052    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm