SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
7
7
1
8
0
7
Thông báo 25 Tháng Mười Một 2018 8:35:00 SA

NỘI DUNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN THÁNG 11

1.     Các cải tiến của ngành điện trong dịch vụ khách hàng

EVNHCMC đang thực hiện tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu của khách hàng thông qua dịch vụ trực tuyến, dịch vụ trực tuyến đó bao gồm các hình thức như sau:

-          Gọi điện đến Tổng đài Chăm sóc Khách hàng 1900545454 để được điện thoại viên giải đáp thắc mắc và tiếp nhận yêu cầu của khách hàng;

-          Gửi yêu cầu đến website chăm sóc khách hàng https://cskh.hcmpc.vn

-          Gửi yêu cầu đến email chăm sóc khách hàng cskh@hcmpc.com.vn

-          Gửi yêu cầu qua ứng dụng chăm sóc khách hàng trên thiết bị di động (EVNHCMC CSKH)

-          Gửi yêu cầu qua trang thông tin một cửa điện tử của Thành phố Hồ Chí Minh https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn

-          Đăng ký và nhận thông tin về điện qua tin nhắn SMS, Zalo

2.     Tuyên truyền về cài đặt và sử dụng ứng dụng APP CSKH

EVNHCMC đang triển khai ứng dụng Chăm sóc khách hàng qua thiết bị di động có kết nối internet (EVNHCMC CSKH). Ứng dụng có các chức năng như sau:

1. Chủ động cung cấp thông tin về điện đến Khách hàng:

a. Thông báo mất điện để bảo trì lưới điện;

b. Thông báo các trương hợp mất điện do sự cố;

c. Thông báo tiền điện phát sinh;

d. Thông báo tình trạng thanh toán tiền điện;

e. Gửi hóa đơn điện tử.

2. Tra cứu thông tin sử dụng điện:

a. Lịch ghi điện, lịch thu tiền điện, thời hạn thanh toán tiền điện;

b. Điện năng tiêu thụ hàng tháng và tiền điện tương ứng;

c. Tiến độ xử lý các yêu cầu của Khách hàng;

d. Biểu đồ phụ tải đối với khách hàng có điện kế đo xa;

e. Thông số vận hành đối với khách hàng có điện kế đo xa;

f. Hóa đơn điện tử;

g. Các điểm thu tiền điện trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.

3. Yêu cầu các dịch vụ điện

a. Dịch vụ cấp điện mới;

b. Dịch vụ hợp đồng mua bán điện (Ký kết, thay đổi, bổ sung thông tin, thay đổi giá điện...);

c. Dịch vụ điện kế (Di dời, kiểm tra, kiểm định);

d. Dịch vụ báo chỉ số (khi khách hàng có nhu cầu);

e. Dịch vụ đăng ký nhận hóa đơn điện tử qua email;

f. Dịch vụ thanh toán tiền điện trực tuyến;

g. Dịch vụ khác theo nhu cầu khách hàng.

4. Hướng dẫn về thủ tục và sử dụng điện

a. Các thủ tục về điện;

b. Thông tin về giá bán điện;

c. Tư vấn, tiết kiệm điện.

Để cài đặt ứng dụng EVNHCMC CSKH, khách hàng chỉ cần:

-          Bước 1: Vào các kho ứng dụng App Store, CH Play tương ứng với hệ điều hành của thiết bị di động;

-          Bước 2: Tìm kiếm với từ khóa EVNHCMC CSKH

-          Bước 3: Cài đặt ứng dụng

-          Bước 4: Sau khi cài đặt ứng dụng, khách hàng chỉ cần cập nhật thông tin khách hàng một lần duy nhất để có thể sử dụng ứng dụng EVNHCMC CSKH

3.     Tuyên truyền về sử dụng trang Zalo page EVN HCMC

“Trang EVNHCM trên Zalo” được phân loại trên Zalo vào nhóm “official account”. Khi tìm thấy trang này, cần bấm “follow account” (theo dõi trang) đó để có thể dùng được những chức năng chính như: theo dõi lịch ghi điện và thu tiền của khách hàng để khách hàng có thể lên kế hoạch thanh toán tiền điện đúng hạn dù ở bất cứ đâu.

Trang EVNHCMC trên Zalo còn hỗ trợ thêm một số thông tin như giá bán điện, điểm thu tiền, hình thức thanh toán có thể áp dụng, hướng dẫn các thủ tục khác nhau, hỗ trợ rất nhiều tài khoản ngân hàng trong và ngoài nước để khách hàng có thể thanh toán tiền điện trực tuyến.

Cách dùng:

  1. Chạy Zalo > tab Danh bạ > Official Account
  2. Bấm nút "Tìm thêm official account"
  3. Bấm nút tìm kiếm, gõ chữ "EVN"
  4. Chọn vào EVN HCMC > nhấn nút "Gửi tin nhắn"
  5. Bấm vào nút “Tra cứu”, chọn bất kì tính năng nào bạn muốn
  6. Bạn sẽ được yêu cầu nhập mã khách hàng (dạng PExxxxxxxxx). Việc nhập mã này chỉ thực hiện ở lần đầu tiên tham gia theo dõi “Trang EVNHCMC trên Zalo”
  7. Sau đó sử dụng các chức năng khác như bình thường.
  8. Nếu gặp vướng mắc, quý khách chọn “Hỗ trợ” để được giải đáp.

4. Chương trình ưu đãi khi lắp đặt điện mặt trời nối lưới

Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân cũng như thể hiện vai trò tiên phong của Tổng công ty trong việc sử dụng điện mặt trời, bên cạnh chương trình ưu đãi của Công ty CP ĐT&PT Năng lượng Mặt Trời Bách Khoa (SolarBK), Tổng công ty tiếp tục hợp tác với 02 nhà cung cấp để triển khai chương trình ưu đãi hỗ trợ lắp đặt điện mặt trời đó là: Công ty CP TM XD Công nghệ Việt Long (Việt Long) và Công ty Cổ phần Đầu tư Điện Xanh (Điện Xanh), Công ty CP Mặt Trời Đỏ (Red Sun), với ưu đãi như sau:

- Bán trả góp lãi suất 0%, thời gian trả góp tối đa 3 năm, số tiền trả góp từng tháng cố định.

Bên cạnh đó, Tổng công ty tiếp tục phối hợp với các nhà cung cấp này để đẩy mạnh triển khai các hoạt động truyền thông về lợi ích của điện mặt trời đến người dân Thành phố.

5. Công tác tiếp cận điện năng

Vào lúc 20h00 ngày 31/10/2018, nhóm nghiên cứu Doing Business đã công bố báo cáo Doing Business 2019 đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh 2018 của 190 quốc gia. Theo đó, mặc dù thứ hạng về năng lực cạnh tranh của quốc gia là 69/190, có giảm 01 bậc nhưng tổng điểm của Việt Nam tăng từ 66,77 lên 68,36, trong đó, có 01 cải cách được đánh giá cao và được ghi nhận là chỉ số tiếp cận điện năng. Cụ thể, chỉ số tiếp cận điện năng năm nay là 87,94/100 (tăng 9,28 điểm so với năm trước), xếp hạng 27/190 (tăng 37 bậc so với năm trước) và xếp thứ 04/10 quốc gia trong khối ASEAN (tăng 03 bậc so với năm trước, chỉ đứng sau Malaysia, Thái Lan và Singapore). Đây được xem là chỉ số có mức cải thiện tốt nhất trong số 10 chỉ số của nền kinh tế theo đánh giá của Doing Business, góp phần duy trì đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Nếu xét riêng về số thủ tục và thời gian thực hiện của ngành điện thì Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN. Ngoài ra, trong báo cáo của Doing Business cũng ghi nhận Việt Nam tiếp tục cải thiện rất nhiều trong năm vừa qua với những cải cách của EVN trong việc cung cấp các dịch vụ điện năng trực tuyến với chất lượng đảm bảo.

Để góp phần có được kết quả vượt bậc về cải thiện thủ tục cấp điện, cung cấp điện ổn định và minh bạch giá điện như đánh giá của nhóm nghiên cứu Doing Business, thời gian vừa qua EVN nói chung và EVNHCMC nói riêng đã liên tục quyết liệt triển khai thực hiện hàng loạt các giải pháp như:

1.    Phối hợp với các Sở Công Thương, Giao thông Vận tải xây dựng Thỏa thuận liên ngành quy định thực hiện song song các thủ tục của cơ quan nhà nước (Sở Công thương và Sở Giao thông vận tải) với thời gian tối đa không quá 05 ngày làm việc.

2.    Hiệu chỉnh quy trình cấp điện qua lưới điện trung áp theo hướng EVNHCMC chủ động thực hiện và chịu toàn bộ chi phí đầu tư công trình cấp điện cho các khách hàng thuộc các lĩnh vực ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (trừ lĩnh vực kinh doanh bất động sản) nếu khách hàng có nhu cầu. Theo đó, khách hàng chỉ thực hiện 01 thủ tục đăng ký cung cấp điện và Điện lực sẽ thực hiện tất cả các thủ tục đầu tư theo quy định với tổng thời gian thực hiện không quá 13 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận đề nghị cấp điện của khách hàng đến khi hoàn tất nghiệm thu đóng điện công trình. Trường hợp khách hàng tự đầu tư thì Điện lực thực hiện 02 thủ tục (thỏa thuận cấp điện và nghiệm thu đóng điện công trình) với thời gian không quá 03 ngày làm việc.

3.    Áp dụng công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng cung cấp điện như:

-            Áp dụng công nghệ điều khiển hệ thống điện tự động như SCADA/mini SCADA, Trung tâm điều khiển từ xa, DAS (tự động hóa lưới phân phối) và hệ thống MDMS giúp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện với chất lượng ổn định.

-            Đầu tư trang thiết bị, đào tạo CBCNV để đưa vào sử dụng hệ thống sửa chữa điện nóng (hotline) để giảm thời gian mất điện của khách hàng.

Bên cạnh đó, để giảm thời gian cấp điện cho khách hàng, EVNHCMC đã triển khai đồng bộ các giải pháp: (i) Thực hiện cải tiến phân cấp, cơ chế đầu tư, lập thiết kế mẫu cho các công trình đường dây trung áp và trạm biến áp; (ii) Tinh giản trình tự thủ tục thực hiện để rút ngắn thời gian đầu tư công trình cấp điện cho khách hàng; (iii) Thực hiện nghiêm chế độ “1 cửa” trong mọi giao dịch với khách hàng và công khai, minh bạch về trình tự, thủ tục trong khâu cấp điện mới, mọi yêu cầu của khách hàng được tiếp nhận trức truyến 100%.

4.    Trong năm 2018, EVNHCMC phối hợp với Sở Công thương TP.HCM xây dựng “Quy trình thí điểm về cơ chế phối hợp trong giải quyết các thủ tục cấp điện qua lưới điện trung áp để trình UBND TP.HCM ban hành trong năm 2018. Việc ban hành quy trình thí điểm cơ chế một cửa liên thông sẽ rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến cấp điện cho doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp chỉ nộp hồ sơ và nhận kết quả tại một đầu mối duy nhất thay vì nộp hồ sơ và nhận kết quả tại từng cơ quan giải quyết thủ tục hành chính nên sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

6.     Hiệu quả sử dụng công tơ điện tử

Thực hiện theo Lộ trình phát triển lưới điện thông minh của Thủ Tướng Chính phủ, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã mạnh dạn triển khai sử dụng công tơ điện tử có tích hợp công nghệ thu thập dữ liệu đo đếm từ xa tiên tiến đang được sử dụng trên thế giới như công nghệ truyền dữ liệu trên các đường dây tải điện (PLC), truyền qua mạng lưới sóng vô tuyến (RF-MESH) và thu thập dữ liệu trực tiếp từ công tơ thông qua modem GPRS/3G. Các công tơ này hoạt động dựa trên linh kiện điện tử. Điều này đã cho phép việc nâng cao khả năng đo đếm chính xác của công tơ với chi phí sản xuất không cao. Với việc chế tạo bằng các linh kiện điện tử, lần đầu tiên người ta đã có thể chế tạo ra các công tơ có cấp chính xác từ 0,5% đến 0,1%, đây là điều mà công tơ cơ không thể làm được.

Bên cạnh việc nâng cao khả năng đo đếm chính xác, công tơ điện tử còn cho phép mở rộng thêm các ứng dụng phục vụ công tác vận hành, quản lý mà công tơ cơ không thể làm được. Đầu tiên công tơ này cho phép các công ty điện lực giám sát được chất lượng cung cấp điện, phát hiện kịp thời các bất thường trong quá trình vận hành lưới điện để xử lý. Về phía khách hàng, khách hàng có thể theo dõi và giám sát được tình hình tiêu thụ điện của mình.

 Khi sử dụng công tơ điện tử, khách hàng được các lợi ích như sau:

 - Đo đếm chính xác hơn so với công tơ cơ.

 - Khai thác được các ứng dụng mà công tơ điện tử có thể đem lại như theo dõi tình hình sử dụng điện, cảnh báo các trường hợp sử dụng điện quá tải, quá công suất đăng ký, cảnh báo các trường hợp bất thường để phát hiện và khắc phục kịp thời.

 - Giảm thời gian mất điện của khách hàng do thời gian giải quyết sự cố được rút ngắn.

 - Chất lượng điện năng cung cấp được nâng cao và ổn định, tránh tình trạng hư hỏng thiết bị điện do điện năng cung cấp không đảm bảo.

Trước khi đưa vào sử dụng, các công tơ điện tử đều được thông qua các quy trình kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo công tơ hoạt động chính xác. Ngay từ khâu mua sắm, để đảm bảo chất lượng đo đếm của các công tơ điện tử, công tơ điện tử được Tổng công ty mua sắm phải thử nghiệm đảm bảo sản xuất theo đúng tiêu chuẩn của thế giới là IEC 62052, 62053. Khi sử dụng cho khách hàng, công tơ phải được kiểm định theo quy trình kiểm định TCVN 39:2012, chỉ những công tơ có kết quả kiểm định đặt mới được lắp đặt cho khách hàng. Trong trường hợp nghi ngờ công tơ hoạt động không chính xác, khách hàng chỉ cần liên hệ TTCSKH của Tổng công ty Điện lực TP.HCM tại số điện thoại 1900 54 54 54 hoặc website cskh.hcmpc.vn sẽ có nhân viên đến kiểm tra và giải đáp các vướng mắc cho khách hàng.

7.   Giá bán điện cho người thuê nhà theo Thông tư 25/2018/TT-BCT:

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 25/2018/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 14/2014/TT-BCT ngày 29/5/2014 về thực hiện giá bán điện. Theo đó, kể từ ngày 26/10/2018, cách tính giá bán điện cho người thuê nhà để ở sẽ có lợi hơn cả cho chủ nhà và người thuê nhà.

Thông tư 25/2008/TT-BCT ngày 12/9/2018 của Bộ Công Thương bổ sung quy định liên quan đến việc thực hiện giá bán điện cho sinh viên, người lao động thuê nhà để ở nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như người dân đối với các trường hợp chủ nhà cho thuê thu giá cao hơn so với quy định nhằm thu lợi bất hợp pháp, ảnh hưởng tới quyền lợi của sinh viên và người lao động thuê nhà, cụ thể: Hướng dẫn thực hiện giá bán lẻ điện sinh hoạt cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình) theo hướng ưu tiên áp dụng giá bán lẻ điện theo giá điện của bậc thang thứ 3 (1.858 đ/kWh chưa VAT)  cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm tại công tơ (đối với người thuê nhà dưới 12 tháng và không xác định được số hộ) nhằm khắc phục nhược điểm biến động của số người thuê nhà trong công tác cấp định mức sử dụng điện.

Ngoài ra, Thông tư cũng bổ sung thêm các quy định liên quan đến việc hướng dẫn thực hiện giá bán điện cho giá bán điện khu đô thị, chung cư cao tầng, chủ đầu tư đã bàn giao nhà cho khách hàng nhưng chưa làm thủ tục thanh quyết toán tài sản để bàn giao lưới điện cho ngành điện quản lý; Hướng dẫn thực hiện giá bán buôn điện cho chợ bao gồm việc xác định đối tượng sử dụng điện được áp dụng giá bán buôn điện cho chợ và mức giá bán buôn điện cho chợ.

Tại khoản 5, Điều 1 của Thông tư số 25/2018/TT-BCT ngày 12/9/2018 quy định như sau:

“c) Trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình):

- Đối với trường hợp bên thuê nhà có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà);

- Trường hợp thời hạn cho thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3: Từ 101 - 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.

Trường hợp chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì Bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan Công an quản lý địa bàn; cứ 04 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt, cụ thể: 01 người được tính là 1/4 định mức, 02 người được tính là 1/2 định mức, 03 người được tính là 3/4 định mức, 04 người được tính là 1 định mức. Khi có thay đổi về số người thuê nhà, chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện.

Ví dụ cách tính như sau:

1.     Một chủ nhà trọ có 3 phòng cho thuê, số người thuê là 10 người, thì được cấp định mức cho 2,5 hộ. Giả sử điện năng tiêu thụ trong tháng cả nhà trọ là 550 kwh. Tiền điện chủ nhà cho thuê phải thanh toán sẽ tính theo cách là: 125kwh đầu tiên (bậc 1): 50 kwh x 2,5 hộ x 1.549 đồng/kwh = 193.625 đồng; 125kwh tiếp theo (bậc 2): 50 kwh x 2,5 hộ x 1.600 đồng/kwh = 200.000 đồng; 250kwh tiếp theo (bậc 3): 100 kwh x 2,5 hộ x 1.858 đồng/kwh = 464.500 đồng; 50kwh tiếp theo (bậc 4): 50 kwh x 2.340 đồng/kwh = 117.000 đồng. Tổng cộng = 975.125 đồng + Thuế GTGT là 1.072.637 đồng.

 

2.     Với người ở trọ 4 người/phòng (tương đương 1 hộ), tiêu thụ 250kWh/tháng. Cách tính sẽ là: 50 kWh trong khoảng từ 0 – 50kWh (bậc 1) x 1.549 đồng/kWh = 77.450 đồng; 50kWh tiếp theo trong khoảng từ 51 – 100kWh (bậc 2) x 1.600 đồng/kWh = 80.000 đồng; 100 kWh tiếp theo trong khoảng từ 101 – 200kWh (bậc 3) x 1.858 đồng/kWh = 185.800; 50kWh tiếp trong khoảng từ 201 – 300kWh (bậc 4) x 2.340 đồng/kWh = 117.000 đồng. Tổng cộng số tiền phòng trọ này đóng cho chủ nhà là 460.250 + Thuế GTGT = 506.275 đồng cho 250kWh.

 

3.     Trường hợp người thuê nhà dưới 12 tháng và không xác định được số hộ sẽ ưu tiên áp dụng giá bán lẻ điện theo giá điện của bậc thang thứ 3 (1.858đ/kWh chưa VAT)  cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm tại công tơ: 10 người ở trọ, tiêu thụ 500kWh/tháng. Cách tính sẽ là: 500kWh x 1.858 đ/kWh = 929.000 + 92.900đ  Thuế GTGT = 1.021.900 đ.

 


Số lượt người xem: 1180    
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm