SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
8
4
4
4
5
6
Tư vấn & Tìm hiểu pháp luật 30 Tháng Sáu 2017 2:35:00 CH

Nội dung cơ bản Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản

Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản. Nghị định 158/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/01/2017, thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản.

Với 72 Điều thể hiện trong 07 Chương, Nghị định lần này đã bỏ 02 điều, giữ nguyên 07 điều, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh nội dung cho 37 điều của Nghị định số 15 và bổ sung 26 điều có nội dung hoàn toàn mới. Đồng thời, Nghị định lần này cũng đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 3, khoản 1 Điều 6, điểm b khoản 2 Điều 16; bổ sung khoản 4 vào Điều 15 của Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; bổ sung khoản 3, khoản 4 vào Điều 2; sửa đổi, bổ sung Điều 4, Điều 5, khoản 3 Điều 6, Điều 7 Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2013 quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Hầu hết các nội dung cần hướng dẫn chi tiết của Luật Khoáng sản nhưng chưa quy định trong Nghị định 15/2012/NĐ-CP đã được đưa vào Nghị định 158/2016/NĐ-CP. Ngoài 02 điều sửa đổi, bổ sung một số điều cho 02 Nghị định khác như đã nêu, Nghị định lần này đã quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Khoáng sản về các nội dung: Hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản; báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản; giám đốc điều hành mỏ; xác nhận vốn chủ sở hữu; quy hoạch khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; bảo vệ quyền lợi địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; khu vực khoáng sản và quy định về hoạt động khoáng sản; thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản, phê duyệt trữ lượng khoáng sản và đóng cửa mỏ khoáng sản.

 

1. Các nội dung sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cho Nghị định 15/2012/NĐ-CP gồm:

Trên cơ sở rà soát nội dung các điều của Nghị định 15/2012/NĐ-CP liên quan đến quy định của Luật đầu tư năm 2014, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 cũng như các quy định khác có liên quan về công chứng, Nghị định 158 đã sửa đổi, bổ sung các nội dung về thành phần, hình thức hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác, phê duyệt trữ lượng cũng như đóng cửa mỏ khoáng sản như: Bỏ quy định về Giấy chứng nhận đầu tư thay bằng Quyết định chủ trương đầu tư; cho phép nộp bản sao kèm theo bản chính để đối chứng.…

Nghị định 158/2016/NĐ-CP đã điều chỉnh các nội dung liên quan đến trình tự, thời gian thẩm định hồ sơ cấp phép thăm dò, hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản theo hướng rõ ràng, minh bạch hơn, làm rõ trách nhiệm của cơ quan liên quan trong quá trình phối hợp thẩm định hồ sơ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép hoạt động khoáng sản khi chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ...

Nghị định 158/2016/NĐ-CP cũng đã điều chỉnh nội dung liên quan đến việc xác định chi phí điều tra, đánh giá, thăm dò khoáng sản phải hoàn trả cũng như khi sử dụng. Theo đó, không yêu cầu tổ chức, cá nhân phải hoàn trả chi phí điều tra khi đề nghị cấp phép thăm dò khoáng sản. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 3 của Nghị định yêu cầu việc hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải thực hiện trước khi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản (trước đây quy định thực hiện trước khi nhận Giấy phép khai thác khoáng sản). Nghị định đã điều chỉnh thời hạn nộp báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản chậm nhất trước ngày 01 tháng 02 hàng năm (thay vì trước ngày 05 tháng 01) như trước đây; báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản của địa phương chậm nhất trước ngày 15 tháng 02 (thay vì trước ngày 15 tháng 01) và báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản trên phạm vi toàn quốc chậm nhất trước ngày 15 tháng 3 (thay vì trước ngày 30 tháng 01) như trước đây.

Để tăng tính khả thi khi thực hiện chủ trương “xã hội hóa” công tác điều tra cơ quan địa chất về khoáng sản quy định trong Luật khoáng sản, tại điểm a khoản 4 Điều 14 Nghị định 158/2016/NĐ-CP đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường căn cứ quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đã duyệt để “khoanh định, công bố loại khoáng sản, vị trí, tọa độ, diện tích thuộc đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thuộc diện khuyến khích tham gia đầu tư bằng vốn của tổ chức, cá nhân trên trang thông tin điện tử của Bộ”. Đồng thời, khoản 2 Điều 22 giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hoặc Bộ Xây dựng xác định một số khu vực đã đánh giá tài nguyên thuộc diện tích đã điều tra, đánh giá khoáng sản bằng nguồn vốn của tổ chức, cá nhân để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Về lựa chọn doanh nghiệp cấp phép thăm dò khoáng sản ở khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản để tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia, tăng tính cạnh tranh nên điểm b khoản 2 Điều 25 đã điều chỉnh chỉ yêu cầu “có vốn điều lệ tối thiểu phải bằng 50% tổng dự toán của đề án thăm dò khoáng sản”. Tuy nhiên, đã bổ sung tiêu chí “là tổ chức, cá nhân đã và đang sử dụng công nghệ, thiết bị khai thác tiên tiến, hiện đại để thu hồi tối đa khoáng sản; chấp hành tốt trách nhiệm bảo vệ môi trường, nghĩa vụ tài chính về khoáng sản” nhằm loại bỏ các doanh nghiệp không có đủ năng lực về công nghệ, thiết bị cũng như không có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm khoáng sản.

Một điểm khác đáng lưu ý được Nghị định 158/2016/NĐ-CP điều chỉnh nhằm ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp cố tình chây ỳ không hoàn thiện hồ sơ gia hạn giấy phép để tiếp tục thăm dò, khai thác (kéo dài hàng năm, thậm chí vài năm), đó là quy định khi đã được tiếp nhận hồ sơ gia hạn Giấy phép thăm dò khoáng sản (khoản 3 Điều 29), Giấy phép khai thác khoáng sản (khoản 3 Điều 39) mà đã thời hạn giấy phép thì tổ chức, cá nhân phải tạm dừng hoạt động thăm dò, khai thác cho đến khi được gia hạn hoặc trả lời không gia hạn. Trong thời gian đó, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ tài sản, thiết bị và khoáng sản chưa khai thác trong khu vực thăm dò/khai thác khoáng sản. Ngoài ra, các quy định liên quan đến chuyển nhượng quyền thăm dò/khai thác khoáng sản; về điều kiện của hộ kinh doanh khi cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; về nội dung đề án thăm dò, khai thác khoáng sản làm vậy liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh; về điều chỉnh phương pháp, khối lượng thăm dò; về lấy mẫu khi khảo sát khoanh định diện tích lập đề án thăm dò khoáng sản ..… cũng đã được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn trong nội dung Nghị định 158.

 

2. Các quy định mới về nội dung của Nghị định 158/2016/NĐ-CP:

Nghị định 158/2016/NĐ-CP đã bổ sung Điều 2 giải thích 09 thuật ngữ, khái niệm chưa được hiểu đúng và thống nhất khi thực hiện Luật Khoáng sản cũng như các văn bản hướng dẫn thời gian qua; bổ sung Điều 8 để hướng dẫn thống nhất cách xác định văn bằng của Giám đốc điều hành mỏ cũng như văn bản, tài liệu khi gửi thông báo về Giám đốc điều hành mỏ cho cơ quan nhà nước. Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, Điều 9 của Nghị định 158 đã quy định các văn bản cần gửi cho cơ quan cấp phép liên quan đến chứng minh vốn chủ sở hữu mà không phát sinh thủ tục hành chính.

Để hướng dẫn và có đủ cơ sở pháp lý thực hiện quy định Điều 5 Luật Khoáng sản, Nghị định 158/2016/NĐ-CP đã bổ sung Điều 15 quy định rõ các hạng mục công trình được hỗ trợ để nâng cấp, cải tạo cho địa phương nơi có khoáng sản phải:

(1) là đường giao thông cấp huyện, xã bị ảnh hưởng trực tiếp do vận chuyển đất đá thải, khoáng sản đã khai thác;

(2) là các công trình phúc lợi nằm trên địa bàn huyện, xã nơi có khoáng sản được khai thác (trường học, cơ sở khám chữa bệnh, nhà văn hóa, hệ thống cung cấp nước sạch; công trình xử lý môi trường). Đồng thời, Điều 16 quy định việc hỗ trợ địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác phải do tổ chức, cá nhân khai thác trực tiếp thực hiện và phải thông báo nội dung, khối lượng; kế hoạch, chương trình thực hiện các công việc, các hạng mục công trình hỗ trợ đến Ủy ban nhân dân cấp xã; thông báo công khai đến tổ dân phố/thôn/bản để người dân cử đại diện giám sát thực hiện.

Các quy định liên quan đến trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trong việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác cũng đã được hướng dẫn chi tiết trong Nghị định 158/2016/NĐ-CP lần này tại các Điều 17 và Điều 20. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất cho các địa phương thực hiện, Điều 18 Nghị định 158/2016/NĐ-CP đã hướng dẫn các nội dung cơ bản của phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và giao Bộ Tài chính hướng dẫn cách lập dự toán chi ngân sách hàng năm cho công tác này. Đặc biệt, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng gây thất thoát tài sản quốc gia, ngăn chặn tình trạng làm sai lệch, báo cáo không trung thực kết quả thăm dò trong hoạt động thăm dò khoáng sản, Nghị định 158 đã bổ sung Điều 30 quy định nguyên tắc, căn cứ, nội dung giám sát thi công đề án thăm dò khoáng sản. Đồng thời, lần đầu tiên Nghị định đã bổ sung mới Điều 41 quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trong việc lập sổ sách, chứng từ trong quá trình khai thác; cách thức kê khai sản lượng khoáng sản đã khai thác; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, trừ hộ kinh doanh phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan nhằm chống thất thoát khoáng sản, ngăn chặn tình trạng khai sai sản lượng thực tế, gây thất thu ngân sách nhà nước tại Điều 42. Liên quan đến trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản khi lập chứng tờ, sổ sách và kê khai không đúng thực tế cũng đã được bổ sung mới tại Điều 43.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã quy định trách nhiệm bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, Nghị định 158/2016/NĐ-CP đã bổ sung nhằm quy định chặt chẽ về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác trong việc điều chỉnh phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản bảo đảm khả thi, đủ kinh phí để thực hiện tại Điều 44; việc thẩm định và nghiệm thu thực hiện Đề án đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường khi kết thúc khai thác tại Điều 46 Nghị định 158/2016/NĐ-CP.

Để tránh tình trạng hiểu chưa thống nhất, hiểu sai về trữ lượng khoáng sản khi tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại nhiều địa phương thời gian qua, Nghị định 158/2016/NĐ-CP đã bổ sung Điều 40 hướng dẫn về trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác đã đươc nêu tại Điều 52 Luật khoáng sản. Đồng thời nêu rõ “Trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác, xác định trong dự án đầu tư hoặc báo cáo kinh tế  kỹ thuật và được quy định trong Giấy phép khai thác khoáng sản” tại khoản 6 Điều 2. Mặt khác, để tránh tình trạng chia cắt mỏ, tại khoản 2 Điều 40 quy định, khi không huy động hết trữ lượng đã phê duyệt trong khu vực đã thăm dò thì tối thiểu phải huy động 50% trữ lượng (đối với khoáng sản rắn) và tối thiểu 35% tổng lưu lượng đã phê duyệt (đối với nước khoáng, nước nóng). Ngoài ra, Nghị định 158/2016/NĐ-CP cũng đã bổ sung mới các quy định liên quan đến lấy ý kiến về quy hoạch khoáng sản; lấy ý kiến và trình phê duyệt khu vực cấm. tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; về thời hạn của Giấy phép khai thác khoáng sản để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn công tác quản lý khoáng sản thời gian qua.

Như vậy, có thể nói với việc chỉ giữ lại nội dung 07 điều của Nghị định 15/2012/NĐ-CP và bổ sung mới 26 điều, Nghị định 158/2016/NĐ-CP đã giải quyết một cách cơ bản, toàn diện và khá triệt để những tồn tại, bất cập; tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp khi thực hiện Luật khoáng sản cũng như Nghị định 15/2012/NĐ-CP. Sau khi Nghị định có hiệu lực, cùng với các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ liên quan sẽ tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh và đầy đủ hơn góp phần tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, chấn chỉnh và điều kiện thuận lợi cho hoạt động khoáng sản thời gian tới. Nghị định 158/2016/NĐ-CP đã loại bỏ cuộc chơi đối với các doanh nghiệp “vô trách nhiệm” với môi trường; bổ sung quy định nhưng không phát sinh thủ tục hành chính, ngăn chặn thất thoát tài sản quốc gia; gỡ hiểu sai về trữ lượng khi tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các vấn đề khác có liên quan./.

Nguyễn Văn Dũng – Phòng Tư pháp Q8 


Số lượt người xem: 3208    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm