SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
1
0
4
8
6
4
1
Tư vấn & Tìm hiểu pháp luật 13 Tháng Bảy 2016 2:55:00 CH

Nội dung cơ bản Nghị định 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án

Nghị định 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực ngay ngày ban hành, từ 01/7/2016), quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của tòa án.

Theo Nghị định 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ, người được thi hành án  sẽ được yêu cầu thi hành án các vụ việc như sau:

- Thi hành bản án, quyết định của tòa án về việc không chấp nhận yêu cầu khởi kiện;

- Thi hành bản án, quyết định của tòa án đã hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh;

- Thi hành bản án, quyết định của tòa án đã hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc;

- Thi hành bản án, quyết định của tòa án về hành vi hành chính;

- Thi hành bản án, quyết định buộc sửa đổi, bổ sung danh sách cử tri, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Nghị định 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ với nhiều quy định chi tiết, nhất là có chế tài xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành gồm sáu hình thức kỷ luật đối với công chức, viên chức vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính (Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc) sẽ tạo ra đột phá về hiệu quả thi hành án hành chính.

Trước đây người được thi hành án chỉ biết trông chờ vào sự tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự chỉ có quyền đôn đốc, không có chế tài nào xử lý. Nhưng bây giờ người yêu cầu thi hành án hành chính có quyền gửi đơn đề nghị tòa án ra quyết định buộc phải thi hành án trong thời hạn một năm kể từ ngày hết hạn tự nguyện thi hành án. Quyết định buộc thi hành án được gửi cho người phải thi hành án, người được thi hành án, thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án và VKSND cùng cấp. Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và xử lý trách nghiệm của người phải thi hành án theo quy định pháp luật. Quyết định buộc phải thi hành án cũng được gửi cho cơ quan thi hành án dân sự nơi tòa án đã xét xử sơ thẩm để theo dõi việc THAHC theo quyết định của tòa.

Nghị định 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định cụ thể và đồng bộ các hình thức xử lý vi phạm thì hoàn toàn có thể khả thi. Đơn cử, người không thi hành án hành chính có thể bị xem xét kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân cố ý không chấp hành án hoặc cản trở thi hành án có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu hình sự, bồi thường thiệt hại. Có sáu hình thức xử lý gồm: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Trong đó, cách chức áp dụng đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nếu sau khi có quyết định buộc thi hành án hành chính mà không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án và gây hậu quả rất nghiêm trọng; bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ về tội không chấp hành án hoặc tội cản trở việc thi hành án. Hình thức buộc thôi việc áp dụng đối với cán bộ, công chức nếu sau khi có quyết định buộc thi hành án hành chính mà không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; bị phạt tù mà không được hưởng án treo về tội không chấp hành án hoặc tội cản trở việc thi hành án.

+ Điều 30 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định công khai thông tin việc không chấp hành án trên mạng Internet. Đây là lần đầu tiên biện pháp này được áp dụng. Quy định này cùng với các quy định về xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ góp phần tăng tính hiệu quả của việc thi hành án hành chính. Cụ thể, trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính, Cục thi hành án dân sự tổ chức công khai quyết định buộc thi hành án hành chính bằng việc đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền theo dõi của Cục và các chi cục thi hành án dân sự trực thuộc. Đồng thời, thông tin này được tích hợp trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục thi hành án dân sự và Chính phủ đối với các vụ việc người phải thi hành án là UBND cấp tỉnh, chủ tịch UBND cấp tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Thông tin công khai gồm: Tên, địa chỉ của người phải thi hành án; số, ngày, tháng, năm và tên tòa án ra quyết định buộc thi hành án hành chính; nghĩa vụ phải thi hành.

+ Cơ quan, người có thẩm quyền không xét thi đua, khen thưởng; không đánh giá, phân loại ở mức độ hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính./.

Nguyễn Văn Dũng – Phòng Tư pháp Q8 


Số lượt người xem: 3070    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm