SỐ LƯỢT TRUY CẬP

5
0
8
4
8
9
8
3
Tư vấn & Tìm hiểu pháp luật 08 Tháng Mười 2021 8:05:00 SA

Tài liệu tuyên truyền, giới thiệu về Tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Ngày 15/6/2018, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch, theo đó, bãi bỏ các quy định liên quan đến quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng. Với quy định trên, từ ngày 01/01/2019, việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng không còn bị giới hạn về số lượng và địa bàn theo quy hoạch. Chủ trương bãi bỏ quy hoạch nêu trên bên cạnh việc tạo điều kiện phát triển các tổ chức hành nghề công chứng, cũng đặt ra những khó khăn hạn chế có thể xảy ra như tập trung quá nhiều tổ chức hành nghề công chứng trên một khu vực, cạnh tranh không lành mạnh, các tổ chức được thành lập không đảm bảo chất lượng, v.v…

Ngày 19/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 172/NĐ-CP về chính sách phát triển nghề công chứng, trong đó, định hướng phát triển tổ chức hành nghề công chứng Phát triển tổ chức hành nghề công chứng có kiểm soát gắn với địa bàn dân cư, bảo đảm đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức; không tập trung nhiều tổ chức hành nghề công chứng trên cùng một địa bàn cấp huyện”.  Đồng thời, tại Nghị Quyết này, Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương ban hành tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng (sau đây gọi tắt là Tiêu chí) theo quy định của Luật Công chứng. Tiêu chí phải đánh giá được sự cần thiết thành lập Văn phòng công chứng gắn với nhu cầu công chứng, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội theo địa bàn cấp huyện và bảo đảm tính khả thi, hoạt động ổn định, bền vững của Văn phòng công chứng sau khi được thành lập. Việc cho phép thành lập Văn phòng công chứng mới hoặc thay đổi địa điểm trụ sở Văn phòng công chứng từ địa bàn cấp huyện này sang địa bàn cấp huyện khác phải phù hợp với Tiêu chí đã được ban hành, quy định của pháp luật và định hướng phát triển tổ chức hành nghề công chứng quy định tại Nghị quyết này.”

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội lớn nhất trong cả nước, là địa phương có hoạt động giao dịch sôi động, tính chất các hợp đồng, giao dịch ngày càng đa dạng và phức tạp. Với chức năng là tổ chức cung cấp dịch vụ công chứng - biện pháp bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch trong xã hội, hạn chế phát sinh tranh chấp, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; việc thành lập các Văn phòng công chứng trên địa bàn Thành phố cần đảm bảo chất lượng, hoạt động nề nếp, ổn định, đúng định hướng, đảm bảo phát huy vai trò của hoạt động công chứng đối với xã hội. Do vậy việc xây dựng Tiêu chí thành lập văn phòng công chứng bên cạnh việc phải phù hợp với quy định pháp luật trong tình hình bãi bỏ quy hoạch, vừa phải phù hợp với định hướng phát triển tổ chức hành nghề công chứng.

Trong điều kiện khó khăn do các quy định pháp luật còn mới, Trung ương không có hướng dẫn cụ thể, không có quy định mẫu trong việc ban hành tiêu chí, căn cứ trên tình hình thực tiễn địa phương và kinh nghiệm trong việc cho phép thành lập các tổ chức hành nghề công chứng; Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, xây dựng và ban hành Quy định về tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (kèm theo Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND ngày 18/5/2021). Tiêu chí bên cạnh kế thừa các kinh nghiệm rút ra trong quá trình phát triển tổ chức hành nghề công chứng, còn có sự sáng tạo, cập nhật tình hình thực tiễn tại Thành phố để hướng đến mục tiêu đảm bảo các văn phòng công chứng gắn với địa bàn dân cư, đáp ứng được đầy đủ nhu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch của người dân.

Một số nội dung mới nổi bật của tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng trên địa bàn Thành phố như sau:

Thứ nhất, để đảm bảo việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu công chứng của từng địa bàn, phân bổ đồng đều, tạo thành mạng lưới phục vụ nhu cầu của nhân dân; tránh các tổ chức hành nghề công chứng dồn về một khu vực, đặc biệt là khu vực trung tâm. Tiêu chí được xây dựng trên cơ sở khuyến khích các tổ chức hành nghề công chứng thành lập tại các huyện ngoại thành, vùng ven, tại những địa bàn có số lượng tổ chức hành nghề công chứng thấp, các tổ chức hành nghề công chứng được thành lập có khoảng cách phù hợp với các tổ chức hành nghề công chứng khác, cụ thể:

-  Tiêu chí phân định số điểm trên số tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động trên địa bàn, theo đó chỉ cộng điểm đối với hồ sơ thành lập tại địa bàn có số lượng tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động thấp hơn hoặc bằng số tổ chức hành nghề công chứng trung bình (05 điểm).

- Nhằm tránh các Văn phòng công chứng tập trung tại các khu vực trung tâm, quá gần nhau dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời tạo điều kiện khuyến khích các tổ chức hành nghề công chứng thành lập ở các địa bàn rộng, ngoại thành, tiêu chí yêu cầu vị trí dự kiến của Văn phòng công chứng phải có khoảng cách hợp lý với các tổ chức hành nghề công chứng đã thành lập hoặc dự kiến thành lập. Trên cơ sở đó Tiêu chí phân định số điểm theo từng khoảng cách: dưới 1 km (0 điểm), từ 01 đến 03 km (02 điểm), trên 03 km (05 điểm)

- Tiêu chí phân định số điểm theo địa bàn thành lập, theo hướng chấm điểm cao hơn đối với các tổ chức hành nghề công chứng dự kiến thành lập ở các huyện ngoại thành như Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh (05 điểm), quận vùng ven như Quận 8, 11, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân…(02 điểm), các địa bàn trung tâm (0 điểm).

Thứ hai, tiêu chí có sự điều chỉnh cơ cấu điểm của từng nội dung chấm điểm theo hướng bám sát tình hình thực tế và nâng cao chất lượng tổ chức dự kiến thành lập, như đã bỏ một số tiêu chí mà thực tế không thể kiểm tra, việc chấm điểm mang tính định tính, phỏng đoán (như cách bố trí trụ sở), giảm điểm đối với một số tiêu chí như: thư ký nghiệp vụ, kế toán, văn thư, lưu trữ, công nghệ thông tin do thực tế các nhân sự này thường thay đổi khi văn phòng hoạt động, tăng điểm đối với các tiêu chí quan trọng quyết định hiệu quả hoạt động của Tổ chức hành nghề công chứng sau khi được thành lập như điểm công chứng viên, đặc biệt về kinh nghiệm hành nghề công chứng (36/100 điểm), vị trí đặt trụ sở (17/100 điểm).

Thứ ba, tiêu chí quy định rõ các trường hợp không được tính điểm, không được xem xét cho phép tham gia thành lập văn phòng công chứng. Việc quy định như trên góp phần bên cạnh việc đảm bảo các quy định pháp luật về công chứng được thực hiện nghiêm túc còn góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ, trực lợi trong việc thành lập văn phòng công chứng, đảm bảo chất lượng của các văn phòng công chứng được phép thành lập.

Thứ tư, tiêu chí quy định tổng điểm tối thiểu cho phép thành lập Văn phòng Công chứng phải đạt từ 75 điểm trở lên (so với Tiêu chí cũ quy định chung là 60 điểm cho tất cả các địa bàn). Riêng đối với địa bàn huyện Cần Giờ, để thực hiện chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển tổ chức hành nghề công chứng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định tại Luật Công chứng, hồ sơ thành lập tại địa bàn huyện Cần Giờ phải đạt từ 65 điểm trở lên. Bên cạnh tổng số điểm, tiêu chí còn quy định số điểm tối thiểu phải đạt được tại từng tiêu chí về vị trí dự kiến đặt trụ sở, trụ sở văn phòng công chứng, công chứng viên, thư ký nghiệp vụ không được thấp hơn 50% so với điểm tối đa của từng tiêu chí và không vi phạm các quy định của pháp luật về công chứng. Với quy định này, sẽ giúp đảm bảo lựa chọn cho phép thành lập các tổ chức hành nghề công chứng có chất lượng, đồng thời khuyến khích thành lập tại các địa bàn khó khăn./.

SỞ TƯ PHÁP


Số lượt người xem: 609    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày
Không tìm thấy video nào trong thư viện này
Tìm kiếm